Tổng thống Mỹ Joe Biden đang đứng trước thời điểm đầy thách thức, khi chỉ còn vài tháng nữa sẽ diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.
>> Xung đột Israel - Hamas: Hé lộ "trách nhiệm" của Mỹ
Khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nỗ lực thể hiện mình là một nhà lãnh đạo thế giới trong bối cảnh diễn ra xung đột Israel - Hamas. Ông Biden cũng đang phải đối mặt với một chiến dịch tái tranh cử đầy thử thách bị đè nặng bởi tỷ lệ ủng hộ thấp.
Tuyên bố mạnh mẽ của ông Biden về vai trò lãnh đạo của Mỹ trên trường quốc tế kể từ sau các cuộc tấn công của Hamas khiến hơn 1.400 người Israel thiệt mạng đã mang lại cho các đảng viên Đảng Dân chủ hy vọng rằng ông có thể thuyết phục được những cử tri hoài nghi ông có cái nhìn mới.
Nhưng các chiến lược gia của cả hai đảng đều cho rằng ngay cả khi ông Biden thành công trong việc lèo lái đất nước vượt qua cuộc khủng hoảng quốc tế mới nhất, thì bất kỳ động lực chính trị nào mà ông có thể đạt được cũng có thể chỉ tồn tại trong thời gian ngắn.
Trong quá khứ, tỷ lệ ủng hộ của Tổng thống George H. W. Bush vào mùa xuân năm 1991 đã tăng lên khoảng 90% sau khi ông lãnh đạo một liên minh quốc tế đánh bại Iraq khi nước này xâm chiếm Kuwait. Các trợ lý của ông Bush cho rằng việc ông tái đắc cử vào năm sau là điều chắc chắn. Nhưng ông đã mất Nhà Trắng vào tay ông Bill Clinton 18 tháng sau đó, do những lo ngại của cử tri về nền kinh tế, bên cạnh những yếu tố khác.
Hiện nay, số phiếu bầu của ông Biden đã rơi vào vùng nguy hiểm kể từ khi ông giám sát cuộc rút quân đầy hỗn loạn của Mỹ khỏi Afghanistan. Việc ban hành Đạo luật Giảm lạm phát và luật cơ sở hạ tầng hầu như không cải thiện được sự ủng hộ dành cho ông. Nỗ lực của Nhà Trắng nhằm thúc đẩy cải thiện kinh tế dưới biểu ngữ “Bidenomics” đã không thuyết phục được cử tri về giá trị của nó.
Ông Julian E. Zelizer, Giáo sư lịch sử chính trị tại Đại học Princeton cho biết: "Chúng ta đang sống trong một thời đại mà sự phân cực sâu sắc đến mức cho dù mức độ khủng hoảng có lớn đến đâu hay thành tích của Tổng thống ra sao thì điều đó cũng không có khả năng tạo ra sự khác biệt.”
Một số cử tri được phỏng vấn tỏ ra nghi ngờ về lời kêu gọi của ông Biden gửi 14 tỷ USD để giúp Israel, chưa nói đến gói viện trợ 60 tỷ USD khác cho Ukraine. New York Times trích lời Samantha Moskowitz, 27 tuổi, sinh viên tâm lý học tại Đại học Georgia Gwinnett ở ngoại ô Atlanta, cho biết: "Viễn cảnh gửi hàng tỷ USD đến Israel và Ukraine khiến mọi người lo lắng, đặc biệt là khi nền kinh tế Mỹ đang gặp nhiều vấn đề như hiện nay”.
>> Mỹ tìm cách ngăn chặn Trung Đông bùng nổ xung đột
Ông Stanley B. Greenberg, người thực hiện việc thăm dò ý kiến cho ông Clinton vào năm 1992, đã gọi bài phát biểu đặc biệt của ông Biden sau khi trở về từ Trung Đông là “một bài phát biểu rất quan trọng trong việc xác định các vấn đề an ninh của Mỹ; đồng thời dự đoán rằng nó có thể giúp ông Biden tập hợp cử tri, cũng như thúc đẩy Quốc hội Mỹ thông qua kế hoạch viện trợ quốc tế trị giá 106 tỷ USD của ông, bao gồm ngân sách cho Ukraine và Trung Đông.
“Chính sách đối ngoại hiếm khi là yếu tố quyết định cuộc bỏ phiếu, nhưng Tổng thống Biden có thể đang dẫn đầu những nỗ lực về cách chúng ta bảo đảm an ninh quốc gia”, ông Greenberg nhận định.
Cuộc thăm dò ban đầu cho thấy đa số người Mỹ tán thành sự ủng hộ của ông Biden đối với Israel. Một cuộc thăm dò của Fox News cho thấy 68% cử tri Mỹ đứng về phía Israel và 76% cử tri trong cuộc thăm dò của Đại học Quinnipiac nói rằng ủng hộ Israel là vì lợi ích quốc gia của Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, chiến dịch tranh cử Tổng thống của ông Biden có thể thay đổi nếu xung đột Israel - Hamas tiếp tục duy trì trong nhiều tuần và nhiều tháng tới. Mặc dù Tổng thống Biden có thể thể hiện mình là một Tổng thống thời chiến thông qua quá trình tái tranh cử, nhưng đây là một triển vọng tiềm ẩn những rủi ro chính trị.
Hiện tại, ông Biden đang phải đối mặt với thách thức về những gì ông có thể làm để đảm bảo thả những người Mỹ đang bị bắt làm con tin ở Dải Gaza. Hamas đã thả hai con tin người Mỹ và Ngoại trưởng Mỹ Antony J. Blinken nói rằng còn 10 người Mỹ nữa vẫn chưa được trả tự do.
Đối với tất cả những rủi ro do cuộc chiến tại Trung Đông hiện nay, vài tháng tới có thể mang lại cho ông Biden cơ hội để cải thiện cuộc cạnh tranh theo những cách có thể giúp ông có được nền tảng vững chắc hơn.
Ông Charles R. Black Jr., chiến lược gia cho các chiến dịch tranh cử Tổng thống nhận định, việc xử lý cuộc khủng hoảng tại Trung Đông một cách có trật tự có thể sẽ củng cố chiến dịch tranh cử của đương kim Tổng thống Mỹ. Ông Biden đang có cơ hội thay đổi và củng cố hình ảnh của mình. Thời điểm có thể khiến cử tri thay đổi cái nhìn với ông Biden lần thứ hai khi ông có thể cho thấy sự vững vàng và mạnh mẽ.
Có thể bạn quan tâm
Vì sao Mỹ nới lỏng cấm vận Venezuela?
04:30, 21/10/2023
Xung đột Israel - Hamas: Hé lộ "trách nhiệm" của Mỹ
03:30, 20/10/2023
Mỹ tìm cách ngăn chặn Trung Đông bùng nổ xung đột
03:00, 17/10/2023
Mỹ, EU toan tính gì khi tăng cường ảnh hưởng tại châu Phi?
03:00, 12/10/2023
“Cuộc chiến” chất bán dẫn (Kỳ IX): "Cơn sóng ngầm” trong lòng nước Mỹ
04:00, 11/10/2023
“Cuộc chiến” chất bán dẫn (Kỳ VIII): Bài học nào từ lịch sử ngành bán dẫn Mỹ?
04:00, 10/10/2023