Trải qua không ít biến cố, lão doanh nhân nổi tiếng “truân chuyên” Lê Ân nhiều lần vướng vòng “lao lý”, thậm chí từng đứng trước vành móng ngựa nhận án từ hình.
Giờ đây, khi đã ở phía bên kia con dốc cuộc đời, lão doanh nhân mới có được cuộc sống bình yên…
Có lẽ Lê Ân là người “truân chuyên” bậc nhất trong giới doanh nhân sở khối tài sản hàng trăm triệu USD. Cuộc đời ông là một chuỗi hành trình của sự thăng trầm với tài sản lúc nghìn tỷ, khi lại trắng tay…
Nối tiếp thành công - lặp lại thất bại
Lão doanh nhân Lê Ân sinh năm 1938 với gia cảnh nghèo khó ở Quảng Nam. Tuổi đôi mươi với toàn bộ vốn liếng gom từ khi làm thợ may, sửa đồ cho lính, Lê Ân nhanh chóng phất lên như “diều gặp gió” sau khi về Sài Gòn lập nghiệp với các xưởng sản xuất giày dép da hiệu Italy, kinh doanh xe lam, xe buýt, thành lập công ty kinh doanh địa ốc… Tưởng chừng đang trên đỉnh vinh quang thì bỗng chốc thời vận đất nước thay đổi khiến ông trắng tay hoàn toàn…
Với ý chí quyết tâm làm lại, Lê Ân bắt tay vào việc thu gom phế liệu thời hậu chiến khi mượn được chút tiền từ người bạn, tưởng chừng như sắt, thép… của các loại vũ khí sau cuộc chiến là thứ bỏ đi, thế nhưng, đó lại là món hàng mang lại mối lợi khổng lồ cho Lê Ân.
Bên cạnh đó, từ khoản lợi “khủng” thu được từ buốn bán thuốc tây, Lê Ân tiếp tục đầu tư xưởng sản xuất xe đạp và nhà máy chế biến xà phòng, đồng thời ông thành lập tiệm vàng Chiến Thành với giấy phép kinh doanh là gia công vàng nữ trang. Nhưng cũng từ đây, Lê Ân lại vướng “lao lý” bởi việc phân kim vàng để bán lại cho những người muốn tìm về miền đất hứa, đánh cược tương lai mình vào những chuyến lênh đênh trên biển.
Ra tù, Lê Ân tiếp tục phải đi kinh tế mới do Nhà nước thực hiện chủ trương cải tạo công thương nghiệp. Sau khi trở về, Lê Ân mua nhà, lập cửa hàng bán phụ tùng, sản xuất khung xe đạp, mua bán vải tại Chợ Đầm (Nha Trang). Với khả năng nhạy bén trong kinh doanh nên chỉ một thời gian sau, ông đã có trong tay với số vốn liếng khổng lồ.
Thế nhưng năm 1984, vợ Lê Ân đâm đơn ra tòa ly dị, do không chứng minh được toàn bộ tài sản mình đã giao cho vợ, nên một lần lão doanh nhân trở về với tài sản là con số 0.
Vướng án tử vì cuộc chơi tiền tệ
Tiếp tục buôn bán quần áo thời trang bằng các cửa hàng nhỏ tại quận 3, TP.HCM. Sau đó, ông phát triển thành một chuỗi tại nhiều quận khác trên địa bàn TP.HCM. Có tiền ông mở thêm các hiệu thuốc tây tại khắp các quận 1, 3 và 10.
Khi doanh thu về nhiều hơn, ông thành lập Qũy tín dụng Hòa Hưng, mua đồng rúp và lập thêm nhiều chi nhánh, phát triển thêm ngành nghề kinh doanh vàng. Ngoài ra ông còn là còn có cổ phần lớn tại nhiều ngân hàng lẫn trung tâm tín dụng khác.
Như một quy luật phát triển, Quỹ tín dụng Hòa Hưng được chấp nhận cho phép nâng cấp thành Ngân hàng Cổ phần Đại Nam. Tuy nhiên, tên của ông không có trong hội đồng quản trị. Sau khi bị loại khỏi cuộc chơi tại Ngân hàng Cổ phần Đại Nam, Lê Ân trở thành tâm điểm của các tổ chức tín dụng, ngân hàng cổ phần nằm trong khối liên kết mà trước đó ông được bầu làm chủ tịch.
Theo đó, ông đề xuất sáp nhập Qũy tín dụng Phú Đông và Tín dụng Thống Nhất và được chấp thuận. Việc sáp nhập hai quỹ này chính là tiền thân của Ngân hàng Tân Việt sau này. Bên cạnh đó, sau khi đầu tư vào Quỹ tín dụng Hội Phụ nữ Đặc khu Vũng Tàu Côn Đảo, Lê Ân đã bàn với Qũy tín dụng xin nâng cấp thành Ngân hàng Thương mại cổ phần Vũng Tàu (VCSB). Ngân hàng chính thức được khai trương tại TP Vũng Tàu vào ngày 9/10/1991.
Tiếp đến ông lập Công ty Lê Hoàng để triển khai kinh doanh các tài sản thu nợ và VCSB lập dự án du lịch Chí Linh. Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước không đồng ý cho phép VCSB lập khu du lịch này bởi VCSB không có chức năng du lịch. VCSB đã chuyển toàn bộ dự án kinh doanh khu du lịch Chí Linh cho Công ty Lê Hoàng. Và từ đây, vận hạn của Lê Ân lại xuất hiện.
Với hợp đồng chuyển nhượng của VCSB cho Công ty Lê Hoàng, có dư luận nghi ngờ Lê Ân đã lạm quyền khi chi đến 82 tỉ đồng cho Công ty Lê Hoàng (nơi Lê Ân làm Chủ tịch Hội đồng quản trị).
Thanh tra Ngân hàng Nhà nước đã khởi tố vụ án “Cố ý làm trái, lợi dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, lập ngân hàng huy động vốn nhằm chiếm đoạt tài sản, mất khả năng chi trả” đối với ban lãnh đạo của VCSB. Đó là vụ án cực kỳ nghiêm trọng, thu hút sự quan tâm của báo giới lẫn dư luận vào thời điểm đó.
Ngày 11/2/2000, Lê Ân cùng 6 thành viên trong Ban lãnh đạo VCSB bị bắt nhằm phục vụ cho công tác điều tra. Ngày 28/5/2001, Lê Ân bị tuyên phạt 20 năm tù giam với tội danh “Cố ý làm trái”, án phạt chung thân với tội danh “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” và án tử hình với tội danh “Lập ngân hàng huy động vốn để lừa đảo” với tổng cộng hình phạt là tử hình.
Lê Ân làm đơn kháng cáo và giao nộp toàn bộ các chứng từ của VCSB cho cơ quan điều tra để chứng minh mình vô tội. May mắn là ông đã thành công, các tội danh của Lê Ân được giảm xuống thành «Cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng», với mức phạt tù 12 năm. Trong thời gian thụ án, do cải tạo tốt nên ngày 31/8/2005, Lê Ân được đặc xá ra tù trước thời hạn.
Hiện tại, sau những thăng trầm chìm nổi của cuộc đời, ông Lê Ân đang là Chủ tịch HĐQT Công ty Lê Hoàng tại TP.Vũng Tàu. Ông được biết đến là người đã hiến 1.500 tỷ đồng cho Quỹ từ thiện Lê Ân gồm tiền mặt và tài sản của Làng du lịch Chí Linh rộng 14ha. Năm 2018, ước tính tài sản của ông khoảng 2.000 tỷ đồng.
Có thể bạn quan tâm
Hành trình đi tìm hạnh phúc của doanh nhân Nguyễn Thanh Mỹ
03:14, 06/01/2021
Doanh nhân Lê Thị Quyên: Cây xương rồng trên sa mạc...
10:00, 05/01/2021
Chuyện khởi nghiệp tuổi 50 của doanh nhân Nguyễn Thành Nam
03:00, 05/01/2021
“Vua chuối” Võ Quan Huy và chiến lược “vạn người mê”
04:21, 02/01/2021
Những vị thuyền trưởng tài ba
14:30, 01/01/2021
Nghệ thuật "khích tướng" của tỷ phú Phạm Nhật Vượng
03:00, 31/12/2020