Chính phủ “mở đường” cho doanh nghiệp

Phan Nam 06/01/2018 05:51

Một trong những nội dung quan trọng của Nghị quyết 01 của Chính phủ năm 2018 đặt ra là yêu cầu cải thiện căn bản, tạo chuyển biến mạnh mẽ các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh, cắt giảm, đơn giản hóa 50% các điều kiện kinh doanh hiện hành. Đây sẽ là một thách thức rất lớn khi mà tư duy của nhiều Bộ, ngành vẫn thích “sửa” nhiều hơn là “bỏ”.

Cuối năm 2017, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã ký ban hành Quyết định cắt giảm 675 điều kiện đầu tư, kinh doanh. Đây là con số lớn chưa từng có trong lịch sử ngành Công Thương, cao hơn dự kiến ban đầu 63 điều kiện và chiếm tới 55,5% tổng các điều kiện đầu tư kinh doanh.

br class=

Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho biết, hiện có hơn 1.336 quy định về năng lực sản xuất; 1.090 điều kiện về nhân lực, 302 điều kiện về tài chính… và vô vàn các điều kiện khác nữa đang gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Sửa nhiều hơn bỏ?

Có thể bạn quan tâm

  • 2018 và niềm tin về một

    2018 và niềm tin về một "Chính phủ Liêm chính, Đảng trong sạch"

    05:30, 02/01/2018

  • Phương châm hành động "10 chữ" của Chính phủ

    09:50, 28/12/2017

  • Chính phủ kiểm soát thành công làm phát, CPI 2017 tăng 3,53%

    16:16, 27/12/2017

Có thể coi đó là thành quả bước đầu khi mà cải cách các quy định về điều kiện kinh doanh nhằm thúc đẩy cạnh tranh, khuyến khích phát triển doanh nghiệp là mục tiêu trọng tâm của Chính phủ trong những năm gần đây. Tuy nhiên, đến ngày 22/12/2017, mới chỉ có 5 Bộ rà soát và đưa ra phương án cắt giảm, sửa đổi. Thậm chí, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong tổng số 345 điều kiện kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ, dự kiến đề xuất bãi bỏ, sửa đổi 118 điều kiện (gồm bãi bỏ 65 và sửa đổi 53 điều kiện), chiếm 34,2%.

Nhưng, cho đến nay, những điều kiện kinh doanh Bộ đề xuất sửa đổi chưa có phương án sửa đổi cụ thể.

Bộ Xây dựng cũng đề xuất bãi bỏ 89 điều kiện (41,3%); đơn giản hóa 94 (43,7%); giữ nguyên 32 điều kiện (15%) tổng số 215 điều kiện đầu tư, kinh doanh thuộc các lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng. Các đề xuất bãi bỏ nêu trên dự kiến đưa vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Quy hoạch đô thị và dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng dự kiến trình Chính phủ ban hành trong tháng 1.

Năm 2018, Chính phủ đề ra phương châm hành động trong năm là: “Kỷ cương, Liêm chính, Hành động, Sáng tạo, Hiệu quả”.

Bộ Thông tin truyền thông cũng đã thực hiện rà soát điều kiện kinh doanh, đề xuất cắt giảm, sửa đổi 51 điều kiện kinh doanh (đạt 16%), nhưng chưa có phương án sửa đổi cụ thể đối với các điều kiện kinh doanh.

Riêng Ngân hàng Nhà nước đề nghị duy trì các điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực ngân hàng do tính chất đặc thù của các tổ chức tín dụng so với hoạt động của các loại hình doanh nghiệp khác và do tính chất rủi ro cao của hoạt động ngân hàng.

Đối với 10 Bộ ngành khác (gồm: Tài chính, Y tế, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Giáo dục và Đào tạo, Khoa học và Công nghệ, TN-MT, LĐ - TB và xã hội, Công an, Quốc phòng, Tư pháp), Bộ Kế hoạch và Đầu tư chưa nhận được thông tin về việc rà soát, đề xuất cắt giảm, sửa đổi điều kiện kinh doanh thuộc trách nhiệm quản lý của các Bộ, ngành này.

Qua kết quả rà soát cho thấy các Bộ hiện vẫn còn lúng túng trong phân biệt điều kiện kinh doanh đối với ngành nghề và quản lý chuyên ngành đối với sản phẩm, hàng hóa. Các quy định về điều kiện chung (như giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; yêu cầu về phòng cháy chữa cháy; môi trường; an toàn lao động;…) mặc dù đã được quản lý bởi các cơ quan như Kế hoạch và Đầu tư, Công an, Môi trường, Lao động-Thương binh và Xã hội,… nhưng các Bộ khác vẫn quy định quản lý cả những điều kiện này.

Đáng chú ý, trong số điều kiện kinh doanh đề xuất bãi bỏ, sửa đổi thì khoảng 1/2 số điều kiện thuộc diện sửa đổi. Có điều kiện sửa đổi chỉ đơn thuần diễn đạt lại từ ngữ, chưa thực chất tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Từ Nghị quyết tới hành động

Tiến trình “cắt giảm, sửa đổi” sẽ còn được thúc đẩy mạnh mẽ khi Nghị quyết số 01/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2018 xác định nhiệm vụ giải pháp ưu tiên hàng đầu là tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững.

Trong đó nhấn mạnh, tập trung cải cách thủ tục hành chính liên quan đến đất đai, thuế, hải quan, nông nghiệp, nông thôn, ứng dụng công nghệ thông tin, khởi nghiệp, phát triển du lịch, tiếp cận tín dụng, bảo hiểm xã hội... Bảo đảm cắt giảm, đơn giản hóa 50% danh mục hàng hóa, sản phẩm và thủ tục kiểm tra chuyên ngành; cắt giảm, đơn giản hóa 50% điều kiện đầu tư kinh doanh.

Phấn đấu năm 2018 cải thiện đáng kể thứ hạng của Việt Nam trong bảng xếp hạng của thế giới, đưa Việt Nam vào nhóm ASEAN-4 về năng lực cạnh tranh và môi trường kinh doanh. Triển khai quyết liệt các giải pháp phát triển mạnh doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng theo cơ chế thị trường.

“Quan trọng nhất là tổ chức thực hiện, là một khâu yếu, một nút thắt cổ chai hiện nay, phải được tháo gỡ. Từ lời nói đến hành động, từ hội trường ủy ban, tỉnh ủy đến dân, đến cơ sở phải giảm khoảng cách tốt hơn nữa, để từ đó tổ chức thực hiện tốt Nghị quyết 01 ở địa phương mình”- Thủ tướng nêu rõ.

Nghị quyết đặt ra yêu cầu sau 10 ngày kể từ ngày ban hành Nghị quyết, các bộ ngành, địa phương phải triển khai xây dựng, ban hành chương trình, kế hoạch hành động, chỉ thị cụ thể báo cáo Chính phủ ngay tại phiên họp Chính phủ thường kỳ đầu tiên của năm 2018. Nghị quyết đã thể hiện rõ thông thông điệp của Chính phủ trong năm 2018 là “kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”.

Trong bối cảnh ấy, dự thảo Nghị định sửa đổi để cắt giảm các điều kiện cũng đã trình Chính phủ. Với các giải pháp đồng bộ, nhiệm vụ rõ ràng, Chính phủ đang cho thấy rõ quyết tâm hành động “mở đường” cho… doanh nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Chính phủ “mở đường” cho doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO