Phân tích - Bình luận

Kinh nghiệm tinh gọn bộ máy nhìn từ Nhật Bản

Cẩm Anh 04/12/2024 03:28

Nhật Bản đã có nhiều nỗ lực nhằm tinh gọn bộ máy hành chính, tập trung vào tái cấu trúc các cơ quan và quy trình quản lý để cải thiện hiệu quả và khả năng lãnh đạo.

img_2020.jpeg
Nhật Bản đã tiến hành nhiều nỗ lực nhằm tinh gọn bộ máy hành chính

Hệ thống chính trị Nhật Bản hiện tại được định hình từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai. Đây là giai đoạn toàn bộ tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị Nhật Bản được cơ cấu, sắp xếp lại, chuyển đổi từ mô hình Nhà nước quân phiệt sang mô hình chính quyền dân chủ.

Tuy nhiên, khi các điều kiện xã hội đã thay đổi đáng kể, những cấu trúc và hệ thống của Chính phủ Nhật Bản đã trở nên không phù hợp với những thay đổi này và tỏ ra hoạt động kém hiệu quả.

Chính vì vậy, sự cần thiết thay đổi và cải cách mạnh mẽ để bộ máy chính quyền hoạt động hiệu quả nhất. Tháng 4/1999, Nội các Obuchi Keizo đã đệ trình lên Quốc hội Nhật Bản 17 dự luật về tái cấu trúc và hợp lý hóa các bộ và cơ quan Chính phủ cũng như tăng cường các chức năng của Nội các và vai trò điều hành của Thủ tướng Chính phủ.

Theo dự luật, cơ cấu chính quyền Trung ương lúc đó bao gồm Văn phòng Thủ tướng Chính phủ và 22 tổ chức cấp bộ trong Nội các sẽ được cơ cấu thành Văn phòng Nội các và 12 tổ chức cấp bộ. Quốc hội đã thông qua các đề xuất của Chính phủ Nhật Bản.

Cấu trúc Chính phủ mới được lên kế hoạch bắt đầu vào ngày 1/1/2001. Đây là một sự tái cấu trúc chính quyền Trung ương mạnh mẽ chưa từng xảy ra ở Nhật Bản và đã mang lại những kết quả quan trọng.

Cụ thể, trong cuộc cải tổ vào năm 2001, trong đó số lượng các bộ và cơ quan cấp bộ bị giảm gần một nửa, từ 22 xuống còn 13 cơ quan chính. Cuộc cải cách này nhằm tăng cường vai trò lãnh đạo chính sách của Thủ tướng và hỗ trợ sự phối hợp giữa các bộ trong việc thực hiện chính sách quốc gia​.

Các chuyên gia cũng nhận xét rằng việc giảm số lượng bộ ngành không chỉ tiết kiệm chi phí mà còn tăng hiệu quả điều phối giữa các bộ. Việc tái cấu trúc này cho phép Thủ tướng Nhật Bản có vai trò lãnh đạo mạnh mẽ hơn trong việc ra quyết định, thông qua Văn phòng Nội các, nơi giám sát và điều phối các chính sách quốc gia.

Ngoài ra, Nhật Bản đã thành lập Cơ quan Kỹ thuật số (Digital Agency) vào năm 2021, với mục tiêu hiện đại hóa các hệ thống công nghệ thông tin và thúc đẩy sự hợp tác giữa khu vực công và tư nhân. Cơ quan này không chỉ tập trung vào việc chuẩn hóa các hệ thống chính phủ mà còn đề xuất các chính sách và công nghệ mới để giảm thiểu lãng phí và tăng cường tính hiệu quả của bộ máy hành chính​.

Một trong những kinh nghiệm nổi bật của Nhật Bản là giao quyền tự trị cho các địa phương. Quyền tự chủ địa phương của Nhật Bản được bảo đảm bởi Hiến pháp.

Chính quyền Trung ương và chính quyền địa phương có tư cách pháp lý khác nhau. Hệ thống tự trị địa phương và mối quan hệ giữa chính quyền Trung ương và địa phương được quy định trong Luật Tự trị địa phương.

Luật Tự trị địa phương quy định đại cương về các vấn đề liên quan đến phân loại chính quyền địa phương, tổ chức hoạt động của chính quyền địa phương và thiết lập mối quan hệ cơ bản giữa Trung ương và chính quyền địa phương dựa trên các mục đính thực sự của chính quyền địa phương. Mục đích của việc này là để bảo đảm dân chủ, hiệu quả và sự phát triển đúng đắn của chính quyền địa phương.

img_2019.jpeg
Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cũng là yếu tố được chính quyền Nhật Bản chú trọng

Bên cạnh đó, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cũng là yếu tố được chính quyền Nhật Bản chú trọng như đưa ra các tiêu chuẩn đạo đức cho công chức, triển khai hệ thống đánh giá nhân sự dựa trên năng lực, và thành lập Cục Nhân sự Nội các để quản lý tập trung đội ngũ cán bộ cấp cao, giúp giảm sự chồng chéo trong hệ thống​.

Cục Nhân sự thuộc Nội các Nhật Bản đã kiểm soát chặt chẽ việc gia tăng mới công chức Nhà nước (chỉ cho tăng biên chế khi thực sự cần có thêm nhân viên để ứng phó, xử lý những vấn đề hệ trọng, khẩn cấp của đất nước).

Theo Chính phủ Nhật Bản, đất nước muốn có nhiều nhân tài để tham gia làm việc tại cơ quan quản lý Nhà nước thì bắt buộc phải có cuộc thi công bằng, công khai, không phân biệt giàu nghèo, giai cấp, đảng phái, ai cũng có thể tham gia vào kỳ thi này.

Có thể thấy, Nhật Bản được coi là hình mẫu về tinh gọn bộ máy hành chính, với các chiến lược tập trung vào hiện đại hóa thông qua công nghệ số; phối hợp công-tư; cải tổ cấu trúc tổ chức để tăng hiệu quả.

Những cải cách này không chỉ cải thiện khả năng quản lý mà còn tạo nền tảng cho một chính phủ linh hoạt và bền vững trong tương lai.

Mặc dù vậy, giới quan sát cho rằng, quá trình tinh gọn bộ máy hành chính của Nhật Bản vẫn còn nhiều thách thức, bao gồm việc cân bằng giữa hiệu quả hành chính và đảm bảo minh bạch trong quy trình ra quyết định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Kinh nghiệm tinh gọn bộ máy nhìn từ Nhật Bản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO