Chính phủ tháo gỡ "nút thắt cổ chai" về hạn chế kết nối hàng không cho du lịch Việt

Thy Hằng 27/01/2019 08:42

Hàng không được ví như đôi cánh của du lịch Việt, tuy nhiên, tính thiếu kết nối với các thị trường nguồn khách du lịch lớn cả quốc tế và trong nước đang trở thành "nút thắt cổ chai" của ngành.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa ký Quyết định số 105/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Tăng cường kết nối hàng không với các thị trường nguồn khách du lịch”.

 thực hiện chính sách mở cửa bầu trời đối với thị trường vận tải hàng không quốc tế đi/đến Việt Nam

Chính phủ thực hiện chính sách mở cửa bầu trời đối với thị trường vận tải hàng không quốc tế đi/đến Việt Nam.

Tính kết nối chưa cao

10 năm gần đây, ngành du lịch Việt Nam chứng kiến sự tăng trưởng ấn tượng, nhất là 3 năm gần đây, lượng khách du lịch đến Việt Nam đã tăng gấp đôi. Nếu như năm 1990, Việt Nam đón 250.000 khách quốc tế, thì năm 2018, con số này là gần 16 triệu lượt. Trong đó, hơn 80% khách quốc tế đến Việt Nam qua đường hàng không. Điều đáng nói, chính hàng không lại đang trở thành “điểm nghẽn” lớn của du lịch Việt với sự hạn chế về số lượng, công suất và sự thiếu kết nối với các điểm du lịch của quốc tế và nội địa.

Cụ thể, với vẻn vẹn chỉ 5 hãng hàng không hoạt động và 21 sân bay trong suốt 43 năm qua, điểm kích cầu chính của du lịch lại đang trở thành “nút thắt cổ chai” của ngành. “Hiện tại chúng ta đã đạt công suất 100% của các sân bay, số lượng máy bay tuy tăng nhưng chưa đủ đáp ứng nhu cầu. Chính vì vậy dù liên tục mở các đường bay mới nhưng số điểm kết nối của các thành phố như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng… chưa cao bằng các thành phố lớn của các nước trong khu vực”, ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch HĐQT Thiên Minh Group chia sẻ.

Đánh giá của Hội đồng Tư vấn du lịch và Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân cũng cho thấy, tỷ lệ khách du lịch trên các đường bay nội địa, quốc tế tăng mạnh, chiếm tới 70% tổng khách trên đường bay, khiến hàng không Việt Nam trở nên quá tải, khi các đường bay thẳng vẫn đang thiếu nghiêm trọng, ảnh hưởng rất lớn đến tính cạnh tranh của điểm đến và gây hình ảnh xấu cho du lịch Việt.

Nói như ông Phan Đình Huê, Giám đốc Công ty du lịch Vòng Tròn Việt chia sẻ, rất nhiều đối tác Ấn Độ than phiền về việc bay đến Việt Nam phải quá cảnh Thái Lan, Singapore, hoặc Malaysia, vừa mất thời gian vừa tăng chi phí. Có những lúc giá tour từ Ấn đến Việt Nam cao gần gấp đôi đến Bali (Indonesia), do đó công ty không làm được tour định kỳ cho những đoàn lớn hàng năm. 

“Bali không chênh lệnh lắm về khoảng cách và tài nguyên du lịch với Việt Nam nhưng đông khách Ấn hơn hẳn. Một đối tác của công ty chúng tôi gửi 500 khách đến Bali mỗi tháng nhưng trầy trật mãi chỉ gửi qua đây được vài chục khách. Nguyên nhân lớn nhất là do giá cả”, ông Huê nói.

Không chỉ bay quốc tế, đây cũng là vấn đề "nóng" ngay tại thị trường hàng không trong nước, khi nhiều tuyến bay đến các điểm du lịch như Quy Nhơn, Quảng Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Phú Quốc... thường xuyên rơi vào tình cảnh khan hiếm và "đội giá".  

"Nhiều du khách phàn nàn về giá vé máy bay Hà Nội - Quy Nhơn quá đắt vào mùa cao điểm du lịch hè", bà Nguyễn Thị Xuân Lan, Phó chủ tịch Hiệp hội Du lịch Bình Định kiêm CEO Công ty Du lịch Goldenlife cho biết. Mức giá này có thể lên tới 2 triệu - 3,6 triệu đồng/chặng (chưa kể thuế phí), đắt không kém bay Hà Nội - TP HCM, dù quãng đường ngắn hơn.

Có thể bạn quan tâm

  • Giải bài toán chất lượng dịch vụ vận tải ngành du lịch

    Giải bài toán chất lượng dịch vụ vận tải ngành du lịch

    05:19, 23/01/2019

  • Cần có chính sách ưu đãi riêng về thuế đất cho dự án du lịch có hệ số sử dụng đất thấp?

    Cần có chính sách ưu đãi riêng về thuế đất cho dự án du lịch có hệ số sử dụng đất thấp?

    16:00, 22/01/2019

  • Cần “cú hích” hàng không cho du lịch

    Cần “cú hích” hàng không cho du lịch

    10:28, 12/12/2018

  • Du lịch cần hàng không để “cất cánh”!

    Du lịch cần hàng không để “cất cánh”!

    05:00, 09/12/2018

Do đó, Đề án “Tăng cường kết nối hàng không với các thị trường nguồn khách du lịch” được kỳ vọng sẽ mở các đường bay mới, tăng tần suất trên các đường bay hiện có của các hãng hàng không Việt Nam và nước ngoài giữa Việt Nam và các thị trường du lịch trọng điểm trên thế giới gồm Hoa Kỳ, Pháp, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Nga, Úc và Ấn Độ.

Đồng thời, mở mới các đường bay nội địa kết nối đến các vùng du lịch trọng điểm Đông Bắc Bắc Bộ, di sản miền Trung, duyên hải Nam Trung Bộ - Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long và Đảo ngọc Phú Quốc góp phần phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Đến năm 2020, tiếp tục triển khai kế hoạch mở đường bay quốc tế theo Đề án "Định hướng phát triển đường bay trực tiếp giữa Việt Nam và các quốc gia, địa bàn trọng điểm nhằm thúc đẩy đầu tư phát triển, tăng cường giao lưu, hội nhập quốc tế" đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2119/QĐ-TTg ngày 28 tháng 12 năm 2017.

Đến năm 2025, kết nối các đường bay quốc tế đến tất cả các cảng hàng không quốc tế (CHKQT) và các cảng hàng không (CHK) được phép tiếp nhận chuyến bay quốc tế của Việt Nam và các đường bay quốc nội kết nối nội vùng, liên vùng đến các cảng hàng không trong các vùng du lịch nội địa trọng điểm. Sau năm 2025, tiếp tục hoàn thiện mạng đường bay quốc nội kết nối nội vùng, liên vùng đến các cảng hàng không tại các vùng du lịch nội địa trọng điểm.

Chính sách mở cửa bầu trời

Để hiện thực mục tiêu trên, Đề án đặc biệt đưa ra định hướng về chính sách thu hút các hãng hàng không mở đường bay, tăng tần suất bay giữa Việt Nam và các thị trường nguồn khách du lịch. Cụ thể, tạo điều kiện tối đa về quyền vận chuyển hàng không, giờ cất/hạ cánh tối ưu theo đề nghị của hãng hàng không, áp dụng chính sách ưu đãi giá dịch vụ điều hành bay đi/đến và giá dịch vụ cất cánh, hạ cánh tàu bay đối với các hãng hàng không khai thác đường bay mới trực tiếp giữa các thị trường nguồn khách du lịch và tăng tần suất trên các đường bay quốc tế hiện có đến các cảng hàng không quốc tế và các cảng hàng không được phép tiếp nhận các chuyến bay quốc tế của Việt Nam.

Đồng thời, định hướng kết nối mạng đường bay nội địa kết nối đến các vùng du lịch trọng điểm của Việt Nam: Mở rộng mạng đường bay nội địa với hệ thống đường bay nội vùng, liên vùng; kết nối các cảng hàng không thuộc các vùng du lịch trọng điểm nội địa với các cảng hàng không khác của Việt Nam, phù hợp với điều kiện hạ tầng cảng hàng không và kế hoạch khai thác đội tàu bay.

Định hướng kết nối hàng không với từng thị trường nguồn khách du lịch quốc tế gồm: Thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Pháp, Anh, Nga, Úc, Hoa Kỳ, Ấn Độ.

Để đạt được các mục tiêu, Đề án cũng đưa ra các giải pháp cụ thể. Trong đó, thực hiện chính sách mở cửa bầu trời đối với thị trường vận tải hàng không quốc tế đi/đến Việt Nam. Cụ thể, không hạn chế việc Chỉ định hãng hàng không. Tự do hóa Quyền về đường bay (route rights).

Đồng thời, không hạn chế Thương quyền ¾. Tăng cường trao đổi thương quyền 5 đảm bảo lợi ích cho phía Việt Nam. Khuyến khích hoạt động khai thác liên danh và vận tải đa phương thức. Khuyến khích hoạt động khai thác thuê chuyến. Khuyến khích hoạt động Khai thác quốc tế kết hợp nhiều điểm, bay tam giác.

Đặc biệt, cho phép sử dụng tàu bay thuê (thuê không có tổ bay - thuê khô và thuê có tổ bay - thuê ướt) trong vận chuyển hàng không quốc tế đi/đến Việt Nam. Cho phép hoạt động thay đổi tàu bay trong hành trình bay.

Tiếp tục thực hiện chính sách khuyến khích hoạt động bay quốc tế đến Việt Nam, đặc biệt là các cảng hàng không quốc tế, cảng hàng không được phép tiếp nhận chuyến bay quốc tế còn hạn chế hoạt động quốc tế.

Xây dựng các chương trình, kế hoạch cụ thể để đảm bảo việc bay đúng giờ (OTP), bao gồm việc đảm bảo nguồn lực, tàu bay, công tác sửa chữa, bảo dưỡng và lập lịch bay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Chính phủ tháo gỡ "nút thắt cổ chai" về hạn chế kết nối hàng không cho du lịch Việt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO