Chính phủ yêu cầu hỗ trợ lao động giảm sâu thu nhập và mất việc làm

THY HẰNG 26/12/2022 04:00

Trước tình trạng lao động buộc phải thôi việc những tháng cuối năm, Chính phủ yêu cầu có chính sách hỗ trợ, đồng thời có giải pháp duy trì chuỗi cung ứng nguồn nhân lực, đáp ứng cho doanh nghiệp.

>>>Cần gói hỗ trợ lãi suất vay cho doanh nghiệp "giữ chân" người lao động

Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị số 22/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm. Đáng lưu ý tại Chỉ thị, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương cần theo dõi, nắm bắt tình hình lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, đặc biệt là những địa phương tập trung nhiều lao động, tạo thuận lợi cho người lao động nghỉ Tết và trở lại làm việc sau Tết; quan tâm hỗ trợ người lao động bị giảm sâu thu nhập, mất, thiếu việc làm.

Tình trạng lao động mất việc diễn ra cục bộ ở một số ngành, địa phương trong khi nhiều ngành gia tăng nhu cầu tuyển dụng cuối năm.

Tình trạng lao động mất việc diễn ra cục bộ ở một số ngành, địa phương trong khi nhiều ngành gia tăng nhu cầu tuyển dụng cuối năm.

Song song đó, thực hiện các giải pháp duy trì chuỗi cung ứng nguồn nhân lực, đáp ứng kịp thời lao động cho doanh nghiệp trước và sau Tết Nguyên đán. Tăng cường kiểm tra và thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động, bảo đảm công chức, viên chức, người lao động được chi trả đầy đủ lương, tiền thưởng và bố trí nghỉ Tết đúng chế độ theo quy định.

Cùng với đó, thực hiện đầy đủ chính sách, chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; chủ động xây dựng các giải pháp phòng ngừa, xử lý tranh chấp lao động có thể xảy ra trong dịp Tết Nguyên đán.

Trên thực tế, những tháng cuối năm 2022, trước tác động bởi sự biến động của thị trường quốc tế và trong nước, một số doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp trong lĩnh vực dệt may, da giày, chế biến gỗ...đã gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, bị cắt giảm đơn hàng, dẫn đến phải cắt giảm việc làm gây ảnh hưởng tới đời sống của người lao động.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, theo báo cáo nhanh của 63 tỉnh, thành phố và các cơ quan liên quan, số lao động bị ảnh hưởng việc làm trong các doanh nghiệp đến nay là hơn 600.000 người (khoảng 4% tống số lao động trong doanh nghiệp), trong đó số lao động bị mất việc làm hơn 50.000 người (chiếm 8,4% số lao động bị ảnh hưởng). Ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thừa nhận, khó khăn của người lao động hiện nay là vấn đề đáng quan tâm nhất là khi gần Tết, bởi không chỉ tác động đến đời sống, nhận thức của người lao động mà còn nguy cơ ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội nếu không được giải quyết thấu đáo.

“Hơn lúc nào hết, cần có các chính sách hỗ trợ kịp thời, bởi lẽ hỗ trợ để vừa nuôi dưỡng nguồn lực lao động song cũng là phát triển doanh nghiệp, nếu nhiều doanh nghiệp bị xóa sổ không chỉ thiệt thòi cho chính doanh nghiệp mà còn cho cả nền kinh tế”, ông Hiểu nhấn mạnh.

Tuy nhiên, tình trạng lao động buộc phải thôi việc và cắt giảm giờ làm không phải diễn ra đồng loạt, mà được cho là tập trung ở một số ngành thâm dụng lao động như dệt may, da giàu và chủ yếu ở các doanh nghiệp FDI. Trong khi đó, để kịp cung ứng hàng hóa dịch vụ cho các ngày lễ lớn, các đơn hàng năm 2023, nhiều ngành, nghề lại đang có nhu cầu tuyển dụng lao động lớn đợt cuối năm như: TP. HCM có nhu cầu tuyển 25.000 lao động, Hà Nội có nhu cầu gần 28.000 lao động, Bắc Ninh khoảng 20.000 lao động, Đồng Nai khoảng 12.500 lao động...

Như vậy, ngay tại các địa phương có doanh nghiệp bị giảm đơn hàng vẫn có doanh nghiệp tăng nhu cầu tuyển dụng. Nói như bà Trần Thị Lan Anh, Tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động VCCI, bên cạnh tình trạng doanh nghiệp sụt giảm đơn hàng phải cắt giảm lao động vẫn xảy ra thiếu hụt lao động cục bộ tại một số ngành nghề, địa phương. “Vì vậy cần đưa ra các biện pháp cụ thể, đúng trọng tâm, đúng đối tượng, đặc biệt là lưu ý các đối tượng lao động dễ bị tổn thương”, bà Lan Anh nhấn mạnh.

>>>“Giữ việc” cho người lao động

Tổng thư ký VCCI cũng khẳng định, trong bối cảnh hiện nay, doanh nghiệp đang cố gắng để duy trì lực lượng lao động, bởi có thể thời gian này thiếu đơn hàng nhưng sau khi khôi phục lại chắc chắn các doanh nghiệp sẽ cần nguồn lao động lớn.

Chính phủ yêu cầu quan tâm hỗ trợ người lao động bị giảm sâu thu nhập, mất, thiếu việc làm.

Chính phủ yêu cầu quan tâm hỗ trợ người lao động bị giảm sâu thu nhập, mất, thiếu việc làm.

“Qua nắm bắt của chúng tôi, hiện các doanh nghiệp đều không tổ chức làm thêm giờ, phải giảm giờ làm việc trong tuần từ 48 giờ còn 23 – 24 giờ, khuyến khích người lao động nghỉ hết ngày phép của mình, thậm chí cho người lao động nghỉ việc hưởng lương tối thiểu hoặc cho nghỉ Tết sớm”, bà Lan Anh nói.

Đồng quan điểm, ông Vũ Trọng Bình, Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, qua nắm bắt từ hệ thống các trung tâm dịch vụ việc làm ghi nhận một số địa phương phía Nam có tình trạng doanh nghiệp bị thiếu đơn hàng, một bộ phận người lao động khó khăn là thực tế đang diễn ra, song không phải trên toàn bộ thị trường lao động.

Từ thực tế này, ông Ngọ Duy Hiểu cũng đánh giá, các chính sách hỗ trợ lúc này cần hướng đến cả doanh nghiệp và người lao động, vừa giữ chân lao động vừa giúp doanh nghiệp duy trì và tồn tại, chờ khi tình hình tốt hơn. “Chúng tôi mong muốn có cả chính sách ngắn hạn và lâu dài, có chính sách liên quan đến an sinh như bảo hiểm xã hội, đến việc thu hút đầu tư, tìm kiếm thị trường, đổi mới khoa học công nghệ, đào tạo nghề…”, ông Hiểu nói.

Trong khi đó, ông Vũ Trọng Bình đánh giá, để hỗ trợ giải quyết việc làm, đòi hỏi hệ thống các trung tâm dịch vụ việc làm tại các tỉnh, thành phố cần có sự kết nối thống nhất, chia sẻ với nhau, khi đó các đơn vị, doanh nghiệp thiếu lao động ở địa phương này có thể sang địa phương khác để tuyển dụng.

Ở góc độ vĩ mô hơn, lãnh đạo Cục Việc làm cho rằng cần nhìn nhận thị trường lao động và người lao động, là một yếu tố trong quá trình phát triển kinh tế chứ không chỉ nhìn ở góc độ an sinh. Vì vậy, trong quy hoạch và cơ cấu thu hút đầu tư hiện nay, các địa phương cũng cần quan tâm nhiều hơn đến nguồn lực và quy hoạch nguồn lực lao động.

Có thể bạn quan tâm

  • Hoá giải cơn khát lao động chất lượng cao của doanh nghiệp

    02:30, 25/12/2022

  • Cần gói hỗ trợ lãi suất vay cho doanh nghiệp "giữ chân" người lao động

    15:05, 19/12/2022

  • “Giữ việc” cho người lao động

    01:05, 18/12/2022

  • KINH TẾ 2023: Hỗ trợ doanh nghiệp "giữ chân" lao động

    13:49, 17/12/2022

  • Đào tạo lao động ASEAN đáp ứng yêu cầu thế giới

    10:49, 13/12/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Chính phủ yêu cầu hỗ trợ lao động giảm sâu thu nhập và mất việc làm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO