Các doanh nghiệp nói chung đang rất cần những chính sách linh hoạt kịp thời từ Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương để đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh.
Trao đổi với DĐDN, bà Ninh Thị Ty, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Tập đoàn May Hồ Gươm cho rằng, để duy trì sản xuất kinh doanh trong bối cảnh dịch bệnh, chính phủ cần thống nhất cơ chế đi lại giữa 63 tỉnh thành. Đây là vấn đề cấp bách hiện nay.
Bà Ty cho biết, Tập đoàn nói riêng, các doanh nghiệp nói chung đang rất cần những chính sách linh hoạt kịp thời từ Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương để đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh.
- Doanh nghiệp kỳ vọng ra sao vào việc VCCI vừa thành lập Hội đồng Hợp tác doanh nghiệp ứng phó COVID-19, thưa bà?
Mục tiêu quan trọng hàng đầu mà VCCI cũng như cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân kỳ vọng khi thành lập Hội đồng Hợp tác doanh nghiệp ứng phó COVID-19 là coi VCCI trở thành cầu nối giữa cộng đồng doanh nghiệp với Chính phủ và các cơ quan, địa phương. VCCI là những người đại diện cho doanh nghiệp, do đó Hội đồng sẽ phát huy tốt vai trò của mình trong việc tư vấn cho các doanh nghiệp, đề xuất những khó khăn vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp đối với chính phủ, các cấp, các ngành một cách kịp thời nhất.
- Từ thực tiễn hoạt động, bà có thể nói rõ hơn về những khó khăn mà doanh nghiệp phải đối mặt?
Thực tế, như Tập đoàn chúng tôi có 14 nhà máy ở một số tỉnh thành. Những tỉnh thành Tập đoàn có nhà máy không phải thực hiện “3 tại chỗ” vẫn phải chịu chi phí phát sinh nhiều về vận tải. Bởi các phương tiện vận tải của Tập đoàn gần như không hoạt động được vì quy định lái xe phải được tiêm 2 mũi vaccine cùng test COVID hàng ngày. Ngoài ra, trong quá trình sản xuất nhà máy phải chịu rất nhiều rằng buộc khiến chi phí phát sinh lớn, đôi khi quá sức chịu đựng của doanh nghiệp như: Người lao động phải “xanh” , môi trường phải “xanh”, “1 cung đường 2 điểm đến”. Riêng chi phí test COVID-19 cho người lao động, trung bình doanh nghiệp phải chi thêm khoảng 3 triệu đồng/1người/1 tháng; Mua bổ sung thêm trang thiết bị phục vụ ăn ở cho lao động tại chỗ, chi phí sát trùng, khử khuẩn, vệ sinh công nghiệp...
Đặc biệt hiện nay từ Hà Nội đi các tỉnh và từ các tỉnh đến Hà Nội là bị cách ly 14 ngày chưa phù hợp. Ví dụ với những người tiêm 2 mũi và đã có xét nghiệm COVID rồi thì ít nhất tạo điều kiện cho người ta đi từ 1-2 ngày về (đảm bảo quy định Bộ Y Tế 72 giờ). Vì ngành may chuyên gia nước ngoài, kỹ thuật trong và ngoài nước phải đi lai các nhà máy liên tục để kiểm tra hàng hoá, chất lượng sản phẩm. Trước khi giao hàng đối tác cũng đến kiểm tra hàng hoá mới cho xuất hàng.
Một vấn đề nữa là, ngoài may mặc ra thì các nguyên phụ liệu, nhãn, mác, thẻ bài... những năm gần đây Việt Nam đã sản xuất được nhưng chủ yếu ở TP Hồ Chí Minh nên do dịch bệnh chuỗi cung ứng hàng hoá bị đứt gãy không thể cung cấp được. Chúng tôi buộc phải đặt hàng ở nước ngoài khiến chí phí tăng rất cao.
- Nhiều doanh nghiệp may mặc đang lo ngại bị thay đổi đơn hàng cuối năm. Theo bà chính phủ cần giải pháp gì giúp doanh nghiệp trụ vững?
Theo tôi biết, hiện khách hàng đã chuyển một số đơn hàng tương đối lớn sang các nước khác. Hiện họ cũng đang nghiên cứu tình hình để quyết định có chuyển tiếp các đơn hàng còn lại ra nước ngoài hay không. Nếu chính phủ không có phương án giải quyết việc xuất hàng hoá sẽ bị chậm dẫn tới doanh nghiệp bị huỷ hợp đồng và khách hàng chuyển đơn hàng đi nước khác là chuyện tất yếu.
Để khắc phục tình trạng này, và tiếp tục nhận được những đơn hàng từ các đối tác nước ngoài đưa vào Việt Nam thì, chính phủ cần có bộ tiêu chí áp dụng đồng nhất 63 tỉnh thành về vấn đề đi lại giữa các tỉnh thành cho các doanh nghiệp, chuyên gia kỹ thuật, khách hàng, chuyên gia nước ngoài sang Việt Nam... có “hộ chiếu” vaccine và test âm tính. Ví dụ như các chuyên gia nước ngoài sang Việt Nam có “hộ chiếu” vaccine được áp dụng cách ly tại nhà máy 14 ngày, đồng thời giao trách nhiệm cho doanh nghiệp quản lý và test COVID 2-3 ngày/lần.
Cùng với đó, chính phủ cần ưu tiên tiêm vaccine cho người lao động. Các chốt trạm cần thống nhất theo Bộ y tế (72 giờ mới test lại COVID), không để xảy ra tình trạng như Móng Cái, Quảng Ninh yêu cầu vào phải test ra phải test khi chưa hết 72 giờ. Tôi cho rằng, tháo gỡ được vấn đề này còn hơn rất nhiều việc chính phủ cho doanh nghiệp tiền. Nhà nước không thể có tiền cho doanh nghiệp mãi được. Nhà nước cần tạo điều kiện cho doanh nghiệp làm để doanh nghiệp đóng thuế. Đây mới là mấu chốt quan trọng!
- Xin cảm ơn bà!
Có thể bạn quan tâm
KIẾN NGHỊ THỦ TƯỚNG: Tối ưu hoá nguồn lực hỗ trợ của Chính phủ
11:00, 24/09/2021
KIẾN NGHỊ THỦ TƯỚNG: Cần cơ chế riêng cho ngành xây dựng
08:00, 24/09/2021
KIẾN NGHỊ THỦ TƯỚNG: Mong được tái mở cửa và thiết lập trạng thái bình thường mới cho sản xuất
09:15, 23/09/2021
KIẾN NGHỊ THỦ TƯỚNG: Doanh nghiệp quảng cáo ngoài trời - tổ chức sự kiện mong mỏi tiếp cận gói hỗ trợ
07:04, 23/09/2021