TS Nguyễn Đình Cung, Nguyên Viện trưởng Viện CIEM khẳng định chính sách thu hút FDI chất lượng cao phải đáp ứng những yêu cầu cụ thể cho từng nhà đầu tư, dự án... thay vì ưu đãi đại trà.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia đã có những dấu hiệu của làn sóng đầu tư mới vào Việt Nam - điểm đến đầu tư hấp dẫn với những lợi thế cạnh tranh sẵn có, việc tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, cùng với những biện pháp phòng chống COVID-19 tích cực và hiệu quả.
Tuy nhiên, bình luận về vấn đề này, TS Nguyễn Đình Cung, Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương lại cho rằng chúng ta phải nhìn một cách rất thực tế, cho đến nay đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đến từ “các thiên đường thuế” rất nhiều.
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/8/2020, tổng vốn FDI vào Việt Nam đạt 19,54 tỷ USD, bằng 86,3% so với cùng kỳ năm 2019. Có một tín hiệu đáng mừng là sau những tháng đầu năm 2020 bị chững lại, dòng vốn đầu tư FDI vào Việt Nam đã tăng mạnh trong các tháng vừa qua
“Phần lớn đầu tư đến từ các nước châu Á: Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Đài Loan và gần đây là Trung Quốc. Không có hoặc rất ít đầu tư trực tiếp từ Hoa Kỳ và châu Âu. Xu hướng này thực tế chưa có cải thiện. Trong khi đó, chúng ta rất kỳ vọng đầu tư từ Hoa Kỳ và từ châu Âu với kỳ vọng những đầu tư này là đầu tư chất lượng cao. Những đầu tư này sử dụng công nghệ cao hơn, không sử dụng chi phí lao động thấp, loại đầu tư này rất phù hợp với chúng ta khi chúng ta muốn cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển đổi mô hình tăng trưởng”, ông Cung nhận định.
Vậy các nhà đầu tư mong muốn gì? Trả lời câu hỏi này, ông Cung cho rằng: “Các chính sách phải ổn định, nhất quán, không có tiền “gầm bàn”, không có chi phí không chính thức. Điều này đối với nhà đầu tư Hoa Kỳ và châu Âu, những nhà đầu tư khó tính là cực kỳ quan trọng bởi vì họ là những người luôn luôn phải tuân thủ luật pháp, nếu họ không tuân thủ, rủi ro pháp lý xảy ra với họ là rất lớn. Nếu như họ vấp phải rủi ro pháp lý này, họ sẽ tránh".
"Đây là điều đầu tiên tôi cho rằng chúng ta phải khắc phục trước mắt”, ông Cung nhấn mạnh.
Ngoài ra, cũng theo ông Cung đối với từng nhà đầu tư phải khác nhau, Việt Nam phải có cách ứng xử khác nhau.
“Chúng ta phải thiết kế những gói chính sách mang tính chất “may đo”, không “may sẵn”, lúc đó chúng ta mới đáp ứng các nhu cầu của các nhà đầu tư. Từ đó, chọn được nhà đầu tư có chất lượng để nâng cao chất lượng nhà đầu tư. Tôi cho rằng chúng ta phải hành động hết sức cụ thể và xác định đúng vấn đề xử lý khi các nhà đầu tư yêu cầu”, ông Cung nói.
Hơn nữa, Việt Nam phải thu hút được doanh nghiệp bên trong của chúng ta, hỗ trợ họ tham gia chuỗi dịch chuyển này bởi nếu không thì chỉ có nhà đầu tư nước ngoài tận dụng được lợi thế này.
Để thu hút được dòng vốn FDI chất lượng cao, ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài khẳng định chính sách và thể chế là vấn đề cần được lưu tâm hàng đầu.
“Gần đây chúng ta đã có rất nhiều cố gắng thay đổi làm tốt. Trước đây, mình cứ kêu ca nhiều là chính sách đưa ra là chuẩn, là đúng, là phù hợp nhưng thực thi thì khó. Gần đây, tôi thấy có những điểm khởi sắc, hết sức đáng mừng về sự cụ thể hóa quyết tâm thu hút vốn FDI chất lượng cao của Chính phủ”, ông Toàn nói.
Dòng vốn FDI đã đầu tư vào 18 ngành, lĩnh vực ở Việt Nam. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt trên 9,3 tỷ USD, chiếm 47,7% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp đến là lĩnh vực sản xuất, phân phối điện với tổng vốn đầu tư trên 4 tỷ USD, chiếm hơn 20% tổng vốn đầu tư đăng ký. Sau đó là hoạt động kinh doanh bất động sản, bán buôn bán lẻ với tổng vốn đăng ký lần lượt là gần 2,9 tỷ USD và hơn 1,2 tỷ USD. Trong số 106 quốc gia và vùng lãnh thổ có hoạt động đầu tư tại Việt Nam, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư hơn 6,5 tỷ USD, chiếm gần 34% tổng vốn đầu tư FDI. Hàn Quốc đứng thứ hai, với tổng vốn đầu tư 2,97 tỷ USD, chiếm hơn 15,%. Trung Quốc đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 1,8 tỷ USD, chiếm khoảng 9%. Bạc Liệu là địa phương dẫn đầu về thu hút FDI với dự án LNG trị giá 4 tỷ USD, chiếm hơn 20% tổng vốn đăng kỳ đầu tư của cả nước. Sau đó là Hà Nội và TP HCM với tổng vốn đăng ký lần lượt là gần 2,9 tỷ USD và hơn 2,6 tỷ USD. |