Chính sách tiền tệ 2023: Dịch chuyển theo hướng kiềm giữ đà tăng lãi suất

LÊ MỸ 03/01/2023 05:20

Khác với nhiều dự báo của các tổ chức kinh tế khác, CTCK Rồng Việt (VDSC) cho rằng để đảm bảo thứ tự ưu tiên, chính sách tiền tệ 2023 của NHNN sẽ không theo hướng tăng lãi suất điều hành.

>>TS Cấn Văn Lực: Áp lực lạm phát, tỷ giá, lãi suất vẫn là thách thức ở 2023

Ổn định lạm phát vẫn là một trong những mục tiêu ưu tiên

Năm 2023, kinh tế toàn cầu được dự báo chỉ tăng trưởng khoảng 2,2 - 2,5%. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đưa ra mức dự báo tăng trưởng toàn cầu ở mức 2,7%; nhưng nếu không so với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và giai đoạn tồi tệ nhất của đại dịch COVID-19, thì dự báo này vẫn sẽ là mức thấp nhất của nền kinh tế thế giới trong vòng hơn 20 năm qua kể từ 2001. 

Giá năng lượng sẽ là một trong những yếu tố cần quan sát với diễn biến lạm phát giá hàng hóa trong 2023. Ảnh: Hương Giang

Giá năng lượng sẽ là một trong những yếu tố cần quan sát với diễn biến lạm phát giá hàng hóa trong 2023. 

IMF cũng nhấn mạnh rằng, lạm phát là "mối đe dọa trực tiếp nhất đối với sự thịnh vượng hiện tại và tương lai". Mặc dù trong bối cảnh lạm phát bắt đầu giảm ở Mỹ cũng như châu Âu khi giá năng lượng giảm và lãi suất cao hơn, lạm phát vẫn sẽ là nguyên nhân khiến các ngân hàng trung ương không tỏ rõ lập trường về việc tiếp tục hay ngừng tăng lãi suất.

Tại Việt Nam, IMF và World Bạn đều dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ đạt khoảng 6,7% hay 6 - 6,5% trong 2023. Lạm phát của Việt Nam cũng sẽ cao hơn, với CPI bình quân dự báo tăng 4 - 4,5%.

Lạm phát theo đó, vẫn đang và luôn là biến số nhóm đầu trong thứ tự các cặp mục tiêu ưu tiên hàng đầu của điều hành chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách khác. 

Với riêng các nhà điều hành tiền tệ, trong một số nội dung, giải pháp trọng tâm theo chỉ đạo của Thủ tướng tại Hội nghị Triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2023, Thủ tướng đã yêu cầu NHNN: “Điều hành cân bằng, hợp lý giữa tỷ giá với lãi suất, giữa kiểm soát lạm phát với thúc đẩy tăng trưởng, giữa lãi suất và lạm phát, vừa bảo đảm thanh khoản, tăng trưởng tín dụng hợp lý, hiệu quả, vừa bảo đảm an toàn hệ thống ngân hàng và an ninh tài chính, tiền tệ, vừa góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh; kiên quyết không để thiếu vốn tín dụng cho nhu cầu vốn chính đáng của người dân và doanh nghiệp”. 

>>TÀI CHÍNH ĐA CHIỀU: Hạ lạm phát kỳ vọng

Có thể thấy cặp mục tiêu “tỷ giá và lãi suất” đang đi trước “lạm phát với thúc đẩy tăng trưởng” và kế đó là “lãi suất và lạm phát" - nhưng các mối quan hệ giữa các biến số cần cân bằng (dù bất khả thi), tiếp tục đặt NHNN trước bài toán khó. 

Cân bằng hợp lý tỷ giá và lãi suất

Theo CTCK VDSC, chính vì vậy, có thể dự đoán chính sách tiền tệ trong 2023 vẫn là chính sách đa mục tiêu, có những cặp mục tiêu là song hành (tỷ giá và lạm phát) nhưng cũng có những mục tiêu xung đột (tỷ giá và lãi suất). 

Áp

Áp lực tỷ giá là yếu tố chính khiến lãi suất điều hành tăng trong năm 2022, thì khi áp lực này hạ nhiệt là cơ sở để NHNN giữ nguyên lãi suất điều hành trong năm 2023. Ảnh: Quốc Tuấn

Năm 2022, ưu tiên của chính sách tiền tệ là kiềm giữ đà tăng của tỷ giá trước áp lực từ việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh và mạnh, kiềm chế lạm phát hầu như là thông điệp xuyên suốt. Từ quý 4/2022, ưu tiên bắt đầu chuyển sang việc đảm bảo thanh khoản cho hệ thống và kiềm soát cuộc đua lãi suất huy động. 

Năm 2023, VDSC cho rằng ưu tiên của chính sách tiền tệ sẽ dịch chuyển theo hướng kiềm giữ đà tăng lãi suất trong nền kinh tế để hỗ trợ cho đà tăng trưởng kinh tế, đồng thời đảm bảo sự ổn định của hệ thống (hỗ trợ thanh khoản, tránh xảy ra đổ vỡ và mất niềm tin đối với hệ thống ngân hàng). Để thực hiện các mục tiêu này, NHNN có thể phải đánh đổi một số mục tiêu ổn định và an toàn dài hạn để giải quyết vấn đề ngắn hạn. Mục tiêu lạm phát năm 2023 được nới lỏng lên 4,5% và được chia sẻ bởi chính sách tài khoá trong khi điều hành tỷ giá kỳ vọng sẽ bớt áp lực hơn. 

Theo đó, với bối cảnh lạm phát hiện tại là khác biệt, trong khi áp lực tỷ giá là yếu tố chính khiến lãi suất điều hành tăng trong năm 2022, thì khi áp lực này hạ nhiệt là cơ sở để NHNN giữ nguyên lãi suất điều hành trong năm 2023.

“Lãi suất điều hành sẽ không chạy theo lãi suất thị trường với định hướng kiềm chế lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, kiểm soát đà tăng lãi suất để đảm bảo an toàn hệ thống, đặc biệt trong bối cảnh vấn đề nợ xấu tăng sẽ nổi cộm hơn trong năm 2023. Có thể NHNN sẽ đánh đổi mục tiêu dài hạn để giải bài toán ngắn hạn với các hướng: 1) Sửa đổi Thông tư 22/2019 theo hướng tạo thêm dư địa để ngân hàng có thể cho vay, giảm bớt áp lực huy động; 2) Sửa đổi Thông tư 16/2021 để ngân hàng có thêm dư địa hỗ trợ thanh khoản cho thị trường TPDN (đây là nội dung đã được Chính phủ yêu cầu NHNN Việt Nam khẩn trương rà soát, nghiên cứu tại Nghị quyết số 156/NQ-CP; 3) Điều chỉnh thời hạn áp dụng quy định tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn như một hình thức nới lỏng cho vay bất động sản (Thông tư 22/2019);...", Bộ phận Phân tích VDSC đánh giá.

Cùng với đó, các chuyên gia cho rằng việc lựa chọn chính sách sẽ thể hiện mức độ nới lỏng của chính sách và tác động mạnh/yếu đến triển vọng chung. Theo VDSC, chính sách tiền tệ có khả năng nới lỏng trong thận trọng, từng bước quan sát phản ứng của thị trường, sửa đổi từ dễ đến khó và có lộ trình để quay về mục tiêu dài hạn. NHNN sẽ tiếp tục hỗ trợ thanh khoản qua kênh thị trường mở, tận dung cơ hội cung cầu ngoại tệ với tình hình cung-cầu ngoại tệ kỳ vọng sẽ cải thiện để nâng cao dự trữ và tiếp tục duy trì hạn mức tín dụng như một công cụ để điều hướng tín dụng vào nền kinh tế, sẽ phân bổ theo tình hình cung-cầu tín dụng.

Trước đó, trả lời báo chí, TS Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) cho biết, để giảm lãi suất cần nỗ lực rất lớn, NHNN sẽ cố gắng duy trì mặt bằng lãi suất, yêu cầu các ngân hàng tiết giảm chi phí để giảm lãi suất.

Theo Vụ trưởng, “xu hướng lãi suất quốc tế còn tăng, Việt Nam khó đi ngược dòng chảy chung của thế giới. Việc giảm lãi suất thời gian tới là nỗ lực lớn để duy trì ổn định mặt bằng lãi suất thị trường… Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng xuyên suốt của ngành ngân hàng”.

TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn Tài chính - Tiền tệ Quốc gia cũng đồng nhận định là lạm phát toàn cầu đã qua đỉnh và các ngân hàng trung ương có thể xem xét hạ lãi suất, qua đó Việt Nam cũng sẽ giảm áp lực cân bằng lãi suất và tỷ giá. Với việc giữ được mặt bằng lãi suất như hiện nay sẽ giúp các doanh nghiệp ổn định sản xuất kinh doanh trong năm 2023; Bởi sau khi tăng nóng vào tháng 10, tháng 11, sang tháng 12 mặt bằng lãi suất đã giảm khá mạnh và ở mức hợp lý với bối cảnh kinh tế.

Tuy nhiên, ông cũng cho rằng áp lực lạm phát, lãi suất và tỷ giá và cả nợ xấu vẫn còn ở 2023.  

Có thể bạn quan tâm

  • Lạm phát kỳ vọng và lãi suất điều hành có thể tăng trong quý đầu năm

    Lạm phát kỳ vọng và lãi suất điều hành có thể tăng trong quý đầu năm

    05:00, 02/01/2023

  • NHNN: 2023, các ngân hàng sẵn sàng hy sinh lợi nhuận để giảm lãi suất

    NHNN: 2023, các ngân hàng sẵn sàng hy sinh lợi nhuận để giảm lãi suất

    05:05, 28/12/2022

  • Ứng phó với thời kỳ lãi suất tăng

    Ứng phó với thời kỳ lãi suất tăng

    05:00, 24/12/2022

  • “Chặn” đua tăng lãi suất

    “Chặn” đua tăng lãi suất

    04:21, 24/12/2022



(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Chính sách tiền tệ 2023: Dịch chuyển theo hướng kiềm giữ đà tăng lãi suất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO