Ngày 12/11, Bộ Tài chính đã chính thức bàn giao Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Để triển khai công tác bàn giao doanh nghiệp nghiệp do Bộ Tài chính làm chủ sở hữu vốn nhà nước sang Ủy ban theo thời hạn quy định tại Khoản 1 Điều 11 Nghị định 131/2018/NĐ-CP, Bộ Tài chính đã tập trung chỉ đạo, đôn đốc việc bàn giao cũng như phối hợp triển khai các hoạt động của Ủy ban được hiệu quả và đúng thời hạn.
Có thể bạn quan tâm
14:19, 10/11/2018
08:32, 16/10/2018
02:05, 01/10/2018
Bộ Tài chính có 1 doanh nghiệp thuộc diện bàn giao sang Ủy ban, đó là: Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC). SCIC được thành lập theo Quyết định số 151/2005/QĐ-TTg ngày 20/6/2005 của Thủ tướng Chính phủ, có chức năng quản lý, đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước. Sự ra đời của SCIC nằm trong tiến trình cải cách kinh tế nói chung và cải cách doanh nghiệp nhà nước nói riêng nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng vốn nhà nước.
Phát biểu tại buổi lễ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng khẳng định, thời gian qua Bộ Tài chính đã thực hiện chức năng của chủ sở hữu nhà nước đối với SCIC. Việc hình thành SCIC theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ với chức năng chủ yếu là tiếp nhận và thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp; đầu tư, kinh doanh, quản lý vốn nhà nước theo cơ chế thị trường và theo nhiệm vụ nhà nước giao; cung cấp các dịch vụ tài chính…, cũng đã góp phần đổi mới phương thức quản lý vốn nhà nước từ cơ chế hành chính sang phương thức đầu tư, kinh doanh vốn.
Trong hơn 12 năm hoạt động của SCIC đã đạt được một số kết quả như: hình thành một tổ chức kinh tế để triển khai một trong những chủ trương quan trọng của Đảng về đổi mới phương thức quản lý, đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp theo mô hình doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, SCIC đã trở thành công cụ hữu hiệu của Chính phủ để tiếp tục sắp xếp, cổ phần hóa và cơ cấu lại vốn nhà nước, tập trung vốn nhà nước. SCIC được xem là một trong những Tổng công ty đi đầu với việc tổ chức thoái vốn chuyên nghiệp và đạt hiệu quả cao tại các doanh nghiệp trong danh mục nhà nước không cần nắm giữ hoặc chi phối.
Đồng thời, SCIC đã thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các doanh nghiệp sau khi tiếp nhận. Cơ chế người đại diện phần vốn nhà nước triển khai tại tất cả các doanh nghiệp đã giúp SCIC bảo toàn và phát triển phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp.
Tuy nhiên, hoạt động của SCIC còn gặp một số khó khăn như việc chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp còn chậm, quy mô hạn chế; vai trò đại diện chủ sở hữu gặp nhiều khó khăn do đa số doanh nghiệp khi tiếp nhận còn tỷ lệ vốn nhà nước không đủ chi phối hay phủ quyết, một số doanh nghiệp tiếp nhận hoạt động không hiệu quả, nhiều tồn tại về tài chính từ giai đoạn trước phải xử lý; các doanh nghiệp tiếp nhận hoạt động ở nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau nên việc tham gia quản trị, điều hành tại doanh nghiệp cũng có khó khăn nhất định; việc thoái vốn, cổ phần hóa còn phụ thuộc vào khả năng hấp thụ của nhà đầu tư và tình hình thị trường tài chính, chứng khoán…
Về phía Ủy ban, ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước cho biết, ngay sau khi Nghị định 131/2018/NĐ-CP được ban hành, Ủy ban đã tích cực phối hợp với các Bộ, cơ quan có doanh nghiệp chuyển giao, các doanh nghiệp được chuyển giao triển khai thực hiện các chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định. Bên cạnh đó, Ủy ban đã bước đầu triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao là cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp, không để khoảng trống trong quá trình bàn giao doanh nghiệp.
Trong đó, Ủy ban đã chủ động hướng dẫn doanh nghiệp về các nội dung của hồ sơ chuyển giao, bám sát các quy định của Nghị định 131/2018/NĐ-CP và hướng dẫn của Quyết định số 1515/QĐ-TTg ngày 9/11/2018 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy chế và các mẫu văn bản kèm theo để thực hiện chuyển giao doanh nghiệp, đảm bảo hồ sơ chuyển giao được hoàn thiện đầy đủ, chặt chẽ, sẵn sàng cho công tác chuyển giao theo quy định, với sự hỗ trợ tích cực của Bộ Tài chính.
“Khi thực hiện nhiệm vụ được giao, với điều kiện bộ máy hạn chế, Bộ Tài chính và SCIC đã hỗ trợ tích cực cho Ủy ban để triển khai các công việc theo chỉ đạo của Chính phủ”, ông Nguyễn Hoàng Anh nói.
Chủ tịch Ủy ban Nguyễn Hoàng Anh cho biết thêm, trong số 19 doanh nghiệp chuyển giao về Ủy ban, SCIC có vai trò quan trọng trong việc quản lý, bảo toàn và phát triển vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Sau khi tiếp nhận SCIC, Ủy ban sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan, để chỉ đạo SCIC tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động, đáp ứng được vị trí, vai trò, nhiệm vụ được giao, tiếp tục sắp xếp, đổi mới, tái cơ cấu các doanh nghiệp thành viên theo phương án đã được Thủ tướng phê duyệt. Đề nghị tập thể SCIC đồng sức đồng lòng, thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, thường xuyên báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
“Các bộ đã sẵn sàng, trong tuần này sẽ tiếp tục nhận bàn giao từ Bộ Giao thông vận tải, Bộ Thông tin Truyền thông và Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn” , ông Nguyễn Hoàng Anh cho biết.