Chính trực trong kinh doanh nhìn từ trong ra ngoài

Minh Nhựt - Tấn Thảo 10/05/2019 09:30

Ông lê Tấn Thảo, cố vấn cấp cao của dale Carnegie Vietnam cho rằng, chính trực có khái niệm gần như là đạo đức.

 Tính chính trực của doanh nghiệp phụ thuộc vào lĩnh vực kinh doanh, ngành nghề và bối cảnh kinh tế. Có một ranh giới giữa “chính trực theo quy phạm xã hội” và “luật bất thành văn của ngành nghề”.

Thế nào là chính trực?

Chính trực theo quy phạm xã hội là sự hoàn hảo về việc tuân theo các quy chuẩn đạo đức, đúng sai rõ ràng; còn luật bất thành văn của ngành nghề là những thói quen, quy ước diễn ra quá nhiều đến mức thành luật ngầm, thậm chí đi sai với đạo đức nghề nghiệp.

Trong vai trò là đầu tàu định hướng phát triển tổ chức lâu dài, người lãnh đạo cần đưa ra quyết định liệu mình phải thay đổi hoặc kiên định đi theo chính trực. Ông Thảo cho rằng, nếu công ty cứng nhắc đi theo quan điểm bảo vệ giá trị chính trực hoặc đi theo luật ngầm để bảo vệ lợi ích đều sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc phát triển vững bền. Giải pháp là doanh nghiệp cần định nghĩa lại giá trị chính trực cho tổ chức trong bối cảnh của doanh nghiệp, gọi là sự “chính trực trong khuôn phép”.

Một doanh nghiệp muốn xây dựng được giá trị chính trực, trước hết phải làm đúng như những gì họ cam kết đối với bên trong và bên ngoài.

Bên trong chính là sự tương tác giữa lãnh đạo với nhân viên, đội ngũ. Nhà lãnh đạo là đại diện mẫu mực cho giá trị của công ty, thế nên cần có những hành động cụ thể như: sự cân bằng trong các mối quan hệ, tránh ưu tiên. Ngoài ra, người lãnh đạo nên xây dựng chính sách công ty công bằng, bình đẳng và rõ ràng về lương bổng, phúc lợi, thưởng theo năng lực, tạo điều kiện cho nhân viên phát triển bản thân theo đúng cam kết.

Khi nội bộ bên trong vững mạnh và thể hiện trọn vẹn giá trị chính trực, lúc ấy khách hàng và đối tác cũng sẽ hiểu và cảm nhận được những giá trị chính trực từ doanh nghiệp mang lại. Khách hàng, đối tác luôn đánh giá cao sự thừa nhận, trung thực khi doanh nghiệp đứng trước những sai phạm, và giải quyết ngay lập tức những hệ quả. Điều này về lâu dài sẽ xây dựng lòng tin và tạo mối quan hệ gắn bó, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững.

Để hướng doanh nghiệp tới tính chính trực

Theo ông Huỳnh Minh Nhựt, chuyên gia huấn luyện ngành sản xuất, thương mại và dịch vụ, chính trực là đem đến cho khách hàng đúng giá trị mà hai bên cam kết để cùng thắng. Tính chính trực là một trong những nền tảng quan trọng để doanh nghiệp phát triển bền vững. Để triển khai tính chính trực, doanh nghiệp cần các định tính như: “chính hãng, có nguồn gốc rõ ràng”, “có đạo đức kinh doanh”, “có uy tín”. Sau đó, là các hành động để biến giá trị tinh thần này thành vật chất thông qua định giá sản phẩm, cân đối chi phí và chất lượng “chính hãng” để khách hàng cảm nhận được rõ ràng sự vượt trội riêng chỉ có ở sản phẩm của doanh nghiệp đó. Chỉ khi đó, doanh nghiệp mới đủ chất, đủ lượng và phát triển bền vững.

Ví dụ trong thực tế, máy móc sản xuất của Nhật giá đắt gấp nhiều lần máy Trung Quốc. Rất nhiều chủ doanh nghiệp Việt Nam nhập máy Trung Quốc để nhanh chóng hoàn vốn đầu tư bất chấp thực tế rủi ro chất lượng sản phẩm. Như vậy, chất lượng không chiếm được ưu thế để lọt vào lựa chọn hàng đầu của người dùng. Mặt khác, trường hợp Vinfast đưa 155 xe ra 14 nước kiểm nghiệm để lấy giấy chứng nhận chất lượng chứng minh sự vượt trội sản phẩm, sau đó quay về chinh phục thị trường Việt Nam, thay vì vội vàng sản xuất hàng loạt để chiếm lĩnh thị trường.

Bản thân Dale Carnegie Việt Nam cũng đưa chính trực vào 1 trong 5 giá trị cốt lõi. Công ty đảm bảo chuyên gia huấn luyện luôn theo tiêu chuẩn của toàn cầu bằng cách tái chứng nhận năng lực 3 năm một lần, tài liệu được chuẩn hóa theo ngôn ngữ tiếng Việt, chất lượng dịch vụ lớp học trước – trong – sau luôn được cập nhật liên tục. Mục tiêu là chứng minh uy tín trong các kiến thức truyển tải tới các học viên.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Chính trực trong kinh doanh nhìn từ trong ra ngoài
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO