Chợ đầu mối “yếu” vì thiếu chuyên nghiệp

Nguyễn Việt 27/06/2018 13:32

Hiện nay số lượng chợ đầu mối, tổng hợp quy mô lớn có chức năng bán buôn, thu gom, phát luồng hàng hóa trên cả nước còn khiêm tốn.

Đó là thông tin được ông Nguyễn Văn Hội, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương chia sẻ tại Hội thảo Quốc tế về phát triển chợ đầu mối tại Việt Nam sáng 27/6.

Cả nước có 83 chợ đầu mối, chiếm 0,97% tổng số chợ của cả nước.

Cả nước có 83 chợ đầu mối, chiếm 0,97% tổng số chợ của cả nước.

Theo thống kê của Bộ Công Thương, tính đến hết năm 2017, cả nước có 8.539 chợ, trong đó gần 75% là chợ nông thôn. Đa phần các chợ thiên về chức năng kinh doanh bán lẻ. Số lượng chợ đầu mối, tổng hợp quy mô lớn có chức năng bán buôn, thu gom, phát luồng hàng hóa trên cả nước còn khiêm tốn. Cả nước có 83 chợ đầu mối, chiếm 0,97% tổng số chợ của cả nước. Các tỉnh tập trung nhiều chợ đầu mối là Thanh Hóa, Quảng Bình, Hà Nội, Đồng Tháp…chủ yếu là chợ đầu mối nông sản tổng hợp.

Đánh giá về những hạn chế của chợ đầu mối, ông Hội cho rằng, nguồn vốn đầu tư cho chợ đầu mối khá cao, trung bình 40 tỷ đồng, trong khi nguồn từ ngân sách nhà nước còn rất hạn chế, vốn từ các thành phần kinh tế ngoài nhà nước giữ vai trò quan trọng đối với xây dựng và phát triển mạng lưới chợ đầu mối. Tuy nhiên, việc kêu gọi xã hội hóa đầu tư xây dựng chợ đang còn vướng nhiều rào cản.

Bên cạnh đó, cơ chế chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng thương mại cũng như chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển hạ tầng thương mại, nhất là đối với chợ đầu mối còn hạn chế và chưa phù hợp, đối tượng được hưởng trong phạm vi hẹp, hầu như không có chính sách ưu đãi như thuế, đất đai, tín dụng…

Ngoài ra, đa số chợ đầu mối vẫn áp dụng phương pháp giao dịch truyền thống (giao ngay) là chủ yếu, mua bán qua hợp đồng còn ít, không có chứng nhận xuất xứ hàng hóa, mua bán giao sau hay qua internet còn hạn chế và chưa phát triển, chủ yếu các thương mại gom hàng từ các hộ nông dân sản xuất nhỏ lẻ hoặc trang trại.

"Các dịch vụ hỗ trợ mua bán như dịch vụ ngân hàng, dịch vụ bảo hiểm, dịch vụ giám định và kiểm tra chất lượng hàng hóa lưu; dịch vụ tư vấn, cung cấp thông tin thị trường… hầu như chưa được tổ chức và cung ứng tại các chợ, kể cả những chợ đầu mối nông sản quy mô lớn….", ông Hội cho biết.

Để khắc phục những hạn chế, theo ông Hội thời gian tới cần phải  tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách liên quan tới phát triển hạ tầng thương mại. Trong đó, các bộ ngành có liên quan hoàn thiện chính sách đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng thương mại, trong đó có chợ đầu mối, đồng thời nghiên cứu rà soát sửa đổi, bổ sung một số chính sách liên quan nhằm hỗ trợ, khuyến khích công tác đầu tư, phát triển hạ tầng thương mại.

Nhà nước cần có chính sách ưu tiên đầu tư phát triển các hệ thống giao thông đường bộ kết nối chợ đầu mối với các khu, cụm cư dân; trung tâm kinh tế, thị trấn, thị xã, thành phố; vùng sản xuất nông nghiệp tập trung…

“Vấn đề quan trọng trong những năm tới là tạo lập môi trường, điều kiện thuận lợi nhằm phát triển các phương thức kinh doanh, giao dịch hiện đại để nâng cao hiệu quả giao dịch của chợ nông sản, trước hết là các chợ đầu mối có khối lượng giao dịch lớn, phạm vi lan tỏa”, ông Hội nói.

Cũng theo Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, cần giám sát và thực thi tiêu chuẩn để đưa hàng hóa ra thị trường thông qua các chợ đầu mối một cách chặt chẽ, nhất là vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.

"Cần sử dụng các biện pháp như: Phân cấp giám sát từ lúc đóng gói, xây dựng cơ chế truy tìm nguồn gốc nơi sản xuất, cấp giấy chứng nhận chất lượng hàng nông sản… cùng với hàng loạt các biện pháp kiểm tra, kiểm định để quản lý quá trình sản xuất, đảm bảo an toàn thực phẩm hàng lưu thông trong chợ.", ông Hội cho hay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Chợ đầu mối “yếu” vì thiếu chuyên nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO