Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa đồng ý về chủ trương cho phép được đặt hàng cơ sở y tế tư nhân cung cấp dịch vụ xét nghiệm chẩn đoán COVID-19 như đề nghị của Bộ Tài chính.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa có ý kiến về đề nghị của Bộ Tài chính và Bộ Y tế về việc giao cơ sở y tế tư nhân thực hiện xét nghiệm chẩn đoán COVID-19.
Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ đồng ý về chủ trương cho phép được đặt hàng cung cấp dịch vụ xét nghiệm chẩn đoán COVID-19 như đề nghị của Bộ Tài chính.
Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tài chính, Tư pháp và các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quyết định về việc đặt hàng cung cấp dịch vụ sự nghiệp công theo quy định tại Nghị định 32/2019/NĐ-CP ngày 10/4/2019 của Chính phủ quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí thường xuyên theo đúng quy định của pháp luật.
Trên thực tế, Việt Nam đã ở giai đoạn 3 của phòng chống dịch COVID-19, dịch đã lây lan trong cộng đồng, do đó, việc xét nghiệm sàng lọc COVID-19 rộng rãi sẽ giúp phát hiện sớm ca bệnh, từ đó sẽ cho cách ly sớm, ngăn chặn dịch lây truyền rộng.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên, dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, cả nước chưa có ca tử vong nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ lan rộng dịch ra cộng đồng.
Với diễn biến dịch như hiện nay, ông Tuyên lưu ý: “Các địa phương phải thực hiện tốt việc khoanh vùng, dập dịch. Mỗi địa phương sẽ chọn 1 huyện hoặc phường dự kiến có nguy cơ về dịch COVID-19 để xét nghiệm rộng rãi, qua đó đánh giá nguy cơ dịch trong cộng đồng”.
Đồng quan điểm, PGS-TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cố vấn của Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam (Bộ Y tế), cho biết thêm việc xét nghiệm sàng lọc rộng rãi có thể giúp phát hiện ca bệnh, từ đó sẽ cho cách ly sớm, ngăn chặn dịch lây truyền rộng ra cộng đồng. Ngoài ra, với kết quả xét nghiệm trên diện rộng, chúng ta có thể biết được một cách tương đối về nhiễm bệnh trong cộng đồng ở mức nào”.
Có thể bạn quan tâm
13:46, 03/04/2020
17:00, 31/03/2020
03:00, 03/04/2020
14:43, 21/03/2020
05:10, 28/03/2020
PGS.TS Trần Đắc Phu cũng cho biết, theo quy định, đối với cơ sở thực hiện xét nghiệm sàng lọc, phải có đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện, phù hợp với các kỹ thuật xét nghiệm, cán bộ xét nghiệm được tập huấn về kỹ thuật xét nghiệm và an toàn sinh học.
Đồng thời có đủ các dụng cụ phòng hộ cho người làm xét nghiệm, đảm bảo an toàn cho người xét nghiệm.
TS-BS Trần Thị Nhị Hà, Phó giám đốc Sở Y tế Hà Nội, phân tích: Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, tất cả cơ sở y tế công lập và ngoài công lập đã có phòng xét nghiệm đủ điều kiện (trang thiết bị, nhân lực đã được tập huấn…) được thực hiện xét nghiệm lâm sàng test nhanh, nhưng cần có báo cáo về Sở Y tế. Còn đơn vị thực hiện xét nghiệm khẳng định ca bệnh mắc COVID-19 phải được Bộ Y tế đánh giá, công nhận.
“Test nhanh chỉ là đánh giá ban đầu. Ngay cả khi XN lần 1 âm tính thì cũng vẫn cần xét nghiệm lại lần thứ 2, cách lần đầu khoảng 5 - 7 ngày. Nhưng để khẳng định chính xác ca bệnh vẫn phải làm lại XN tại các đơn vị được Bộ Y tế chỉ định. Xét nghiệm khẳng định cần được thực hiện với tất cả trường hợp khi làm test sàng lọc trước đó”, TS Nhị Hà nói.
Bộ Y tế cho biết hiện cả nước đã có 26 đơn vị đủ năng lực xét nghiệm vi rút SARS-CoV-2 (gây dịch COVID-19) tại các tỉnh, TP, gồm: Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, Viện Vệ sinh dịch tễ Tây nguyên, Viện Pasteur TP.HCM, Viện Pasteur Nha Trang; các trung tâm kiểm soát bệnh tật các tỉnh, TP: Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ, Yên Bái, Lào Cai, Quảng Ninh; phòng XN của các BV: Bệnh nhiệt đới T.Ư, Bệnh nhiệt đới TP.HCM, Chợ Rẫy, T.Ư Thái Nguyên, T.Ư Huế, Nhi T.Ư, Phú Thọ, Bạch Mai, Nhi đồng 1, Viện Y học dự phòng quân đội, Trung tâm nhiệt đới Việt - Nga, T.Ư Quân đội 108, Khoa Vi sinh BV Thống Nhất (TP.HCM), Khoa XN BV Đại học Y Dược TP.HCM, Khoa XN BV FV (TP.HCM), Khoa Vi sinh và labo chuẩn quốc gia BV Phổi T.Ư. Các đơn vị này đã được đơn vị đầu ngành đánh giá chứng nhận năng lực.