Choáng “Khu phố Tàu” ven biển miền Trung

Nguyễn Hoàng 02/03/2018 16:37

Thời gian gần đây, người Trung Quốc đến các tỉnh thành ven biển từ Đà Nẵng đến Khánh hòa mua đất xây dựng khách sạn, mở nhà hàng và hình thành nên những “khu phố tàu” sầm uất.

Chỉ cần đặt chân đến bờ biển Nha Trang (Khánh Hòa) hay Đà Nẵng, chúng ta đã đập ngay vào mắt những biển hiệu toàn tiếng Trung Quốc. Các “khu phố Tàu” sầm uất với đa số là người mang quốc tịch Trung Quốc.

p/Nhiều người Trung Quốc đang lợi dụng kẻ hở của pháp luật đế sở hữu đất tại Việt Nam. Trong ảnh: khu vực ven biển Đà Nẵng nơi người Trung Quốc lách luật để sở hữu đất làm đau đầu các nhà quản lý và dấy lên nhiều lo ngại về an ninh quốc phòng.

Nhiều người Trung Quốc đang lợi dụng kẻ hở của pháp luật đế sở hữu đất tại Việt Nam. Trong ảnh: khu vực ven biển Đà Nẵng nơi người Trung Quốc lách luật để sở hữu đất làm đau đầu các nhà quản lý và dấy lên nhiều lo ngại về an ninh quốc phòng.

Nhộn nhịp “khu phố tàu ở những thành phố biển

Tình trạng người Trung Quốc mua đất đai, nhà cửa ở TP Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) diễn ra khá phức tạp. Ông Trần Hòa Nam - Giám đốc Sở KH&ĐT tỉnh Khánh Hòa cho biết, theo chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở đang rà soát lại 173 doanh nghiệp Việt Nam đang hoạt động có thay đổi cổ đông do chuyển nhượng cổ phần cho người nước ngoài. Sở đang chỉ đạo Phòng Đăng ký kinh doanh rà soát có bao nhiêu doanh nghiệp đã bán cổ phần cho người Trung Quốc.

Ngay địa bàn quận Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) nơi được cho là đã hình thành nên những “khu phố Tàu” nằm sát khu vực bên Sân bay Nước Mặn. Cả khu phố này kéo dài hàng km mọc lên nhiều nhà hàng, khách sạn do người Trung Quốc đứng phía sau điều hành với bảng hiệu tiếng Trung và giao tiếp tại khu phố này hầu hết bằng tiếng Trung. Nếu người lạ lạc vào đây đều liên tưởng đến một khu phố người Trung Quốc.

Nếu lấy tâm điểm khu resort, giải trí casino cao cấp Silver Shores do người Trung Quốc làm chủ đầu tư thì trải dài ra hai bên và phía đối diện sân bay Nước Mặn là khu nhà hàng, khách sạn trưng biển Trung Quốc. Về đêm dưới ánh đèn nhấp nháy, người Trung Quốc vui chơi theo từng đoàn chẳng khác nào một “khu phố Tàu” giữa lòng thành phố biển Đà Nẵng.

Ông Nguyễn Hồng, người dân tại địa bàn ven biển quận Ngũ Hành Sơn cho biết, hiện người nước ngoài mang quốc tịch Trung Quốc đến tạm trú buôn bán làm ăn ngày một đông. Nhiều người mang Quốc tịch Trung Quốc nhờ người Việt đứng tên thuê lại nhà dân để mở khách sạn. Các khách sạn này chỉ nhận duy nhất các đoàn khách đến từ Trung Quốc.

Một cán bộ lãnh đạo tại phường Khê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn đề nghị không nêu tên cho biết, trên địa bàn phường đã có hàng chục hộ gia đình cho người Trung Quốc thuê nhà ở và trong số đó có nhiều người Trung Quốc kết hôn với phụ nữ Việt Nam.

Điều đáng quan tâm là những năm qua tại địa bàn quận Ngũ Hành Sơn, nhiều doanh nghiệp, cá nhân đứng tên mua gom đất khu vực ven biển. Thống kê từ cơ quan chức năng quận Ngũ Hành Sơn cho biết, đến thời điểm này, danh sách các công ty, cá nhân nhận quyền sử dụng đất tại vệt biệt thự sân bay Nước Mặn là 246 lô.

Theo tìm hiểu của DĐDN, hầu hết các lô đất này đều do người Trung Quốc đứng đằng sau thu gom, nhờ người Việt Nam đứng tên để lách luật. Trong đó, Công ty TNHH TM Du lịch & DV V.N.Holiday quản lý 24 lô; Công ty TNHH TM&DV Diệp Phúc Lợi có 17 lô; Công ty TNHH TM&DV Hoàng Gia Trung có12 lô; Công ty TNHH TM Du lịch& DV Nguyên Thịnh Vượng có 10 lô... Theo tìm hiểu của phóng viên, hầu hết các công ty đang quản lý 77 lô đất kể trên đều do người Trung Quốc làm chủ.

Lổ hổng trong quản lý

Tuy nhiên, việc mang quốc tịch Trung Quốc đến Đà Nẵng hay Nha Trang mua đất xây khách sạn, mở nhà hàng những năm gần đây không mới. Bởi khi kinh tế mở cửa, việc buôn bán giao thương với người nước ngoài đến Việt Nam đầu tư mở rộng kinh doanh là hợp pháp. Tuy nhiên, việc thu mua đất tại những khu vực ven biển khiến dư luận lo ngại.

Lãnh đạo của cơ quan quản lý đất đai Đà Nẵng cho biết, theo quy định của pháp luật thì người nước ngoài chưa được phép mua đất tại Việt Nam. Do đó, họ lách luật bằng cách đưa tiền nhờ các cá nhân, tổ chức người Việt đứng tên để mua đất. Qua kiểm tra hồ sơ đứng tên mua đất tại Đà Nẵng, những trường hợp mua đất đều hợp pháp, đúng quy trình, quy hoạch và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế với nhà nước nên không thể cấm được.

Nguyên Giám đốc Sở TNMT TP Đà Nẵng Nguyễn Điểu đã từng lo lắng và quan ngại nếu tình trạng người người Trung Quốc đứng sau các cá nhân người Việt mua đất tại Đà Nẵng cần phải hết sức thận trọng. Ông Điểu đưa ra ví dụ việc lách luật như người Trung Quốc đưa cho người Việt Nam 5 tỉ đồng nhờ người Việt Nam mua một lô đất. Sau đó, họ kết hợp với người Việt Nam thành lập một công ty cổ phần có tổng số vốn khoảng 50 tỉ đồng. Người Việt góp cổ phần bằng chính lô đất trên quy ra 10%, còn người Trung Quốc góp 40 tỉ đồng (90%) để công ty xây khách sạn, nhà hàng.

Vì nắm cổ phần chi phối nên tất nhiên người Trung Quốc giữ chức chủ tịch HĐQT và có quyền quyết định mọi việc ở công ty. Như vậy, việc sử dụng lô đất trên đương nhiên sẽ thuộc về người có cổ phần nhiều hơn. Đây là kẻ hở trong qui định của pháp luật trong lĩnh vực quản lý đất đai và đầu tư nước ngoài cần phải được chấn chỉnh.

Không chỉ Đà Nẵng mà tại nhiều thành phố tỉnh thành ven biển miền Trung, tình trạng người nước ngoài mang Quốc tịch Trung Quốc kết hợp với người Việt Nam góp vốn lập công ty, rồi đứng phía sau mua gom đất như tại Nha Trang diễn ra nhưng các cấp chính quyền không thể quản lý được vì họ làm đúng luật.

Tuy nhiên Luật Sư Bùi Bá Dũng, Văn phòng Luật sư Hoàng Hà khẳng định, việc người Trung Quốc nhờ người Việt Nam đứng tên mua đất không phải là không có cơ sở để xử lý. Ví dụ trường hợp ông Lý Phước Cang tại Đà Nẵng đứng tên mua tới 12 lô đất xấp xỉ 2.000m2, được cho là “đất vàng” ven biển tại Đà Nẵng. Ông Cang xuất thân là người lao động bình thường. Vậy ông Cang lấy tiền đâu để mua một lúc 12 lô đất vàng ven biển? Nếu ông không chứng minh được thì có thể xử lý.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Choáng “Khu phố Tàu” ven biển miền Trung
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO