TP.HCM đã có những giải pháp "hạ nhiệt" nguồn cung hàng hóa, nhưng đó là bài học quý giá cho chặng đường chống dịch tiếp theo.
Cách đây đúng 2 tuần khi thông tin TP.HCM thực hiện Chỉ thị 16 mới chỉ là tin đồn, người dân đã đổ xô đến siêu thị, cửa hàng tiện lợi, tạp hóa để mua lương thực, thực phẩm dẫn đến hiện tượng thiếu hụt cục bộ.
Ngày 8/7 lúc đó Sở Công thương TPHCM trấn an người dân, rằng: “Chúng tôi đã làm việc về chuỗi cung ứng hàng hóa và mở rộng thời gian hoạt động kéo dài. Bên cạnh hệ thống cung ứng thì bổ trợ những kênh bán hàng online. Chúng ta có nguồn cung dồi dào và kênh phân phối đa dạng do đó người dân không nên lo lắng”.
Cách đây 3 ngày, tức là khi TPHCM đã áp dụng Chỉ thị 16 được 8 ngày, 3 chợ đầu mối đóng cửa, hàng trăm chợ nhỏ dừng hoạt động, thứ được tìm kiếm và ngóng chờ nhiều nhất ở thành phố lớn nhất nước là rau, củ, quả và trứng gia cầm.
Ngày 18/7 cơ quan quản lý thương mại ở thành phố lớn nhất nước đã gửi văn bản báo cáo về Bộ Nông nghiệp giãi bày thiếu 1.500 tấn rau, củ, quả và 400.000 trứng gia cầm mỗi ngày!
Lần đầu tiên xuất hiện mấy cụm từ tưởng chỉ có trong thời buổi bao cấp: “buôn lậu rau”, “bán chui rau”, “mua rau lén lút như ăn trộm”, “mua ổ bánh mì lén lút như mua hàng quốc cấm”,…
Luôn lạc quan tin tưởng diễn biến trên chỉ là cục bộ, xuất hiện ở một và nơi, một vài thời điểm nhất định. Nhưng, con số mà TP.HCM báo về Bộ không cho phép nghĩ rằng, thiếu chỉ là cục bộ, tạm thời!
Miền Nam, từ Đồng Nai lên Đà Lạt, qua TP.HCM, xuống miền Tây sông nước, khí hậu mát mẻ thuận lợi không hề thiếu rau, củ, quả, thịt gia súc, gia cầm. Ngay tại huyện ngoại thành Hóc Môn, hàng chục tấn rau đổ bỏ vì nghẽn đường tiêu thụ.
Báo Lao động ngày 14/7 chạy dòng tít cắc cớ: “Miền Tây giữa dịch COVID-19: Trái chín không ai mua, cá cua không ai ngó” mô tả thực trạng thu hoạch thì nhiều nhưng do việc vận chuyển khó khăn, chi phí lại tăng cao khiến những người làm ra các đặc sản của Miền Tây đang lao đao vì COVID-19.
Loạn nhịp chuỗi cung ứng thực phẩm đã xảy ra, cơ quan chức trách đang hiệu chỉnh quy trình, bằng cách chở hàng bằng tàu cao tốc, bằng máy bay về TP.HCM,… nhưng tất cả đều không phải là phương án triệt để, bởi chưa ai biết khi nào con số dương tính dừng lại.
Vấn đề là đả thông dòng chảy chuỗi cung ứng - lẽ ra nên được tính tới ngay đầu đợt dịch thứ 4 chứ không phải chỉ bằng liệu pháp tinh thần trấn an dân chúng, mà lẽ ra nếu để người dân tích trữ trước lại càng có lợi.
Nhà nước có thể tính không chuẩn khối lượng dự trữ, còn mỗi người dân, gia đình sẽ biết cách xử trí với đống đồ họ mua về. Mặt khác không phải thứ gì cũng có thể cất trong kho, rủi ro rất lớn nếu dự báo tình hình không chuẩn.
Song song, nếu nhận thức tiên lượng được tầm quan trọng của cái ăn thì phải có biện pháp duy trì chợ, cửa hàng, nguồn cung, vùng trồng trước khi phong tỏa. Ưu tiên tiêm vaccine cho đơn vị vận tải, tiểu thương, doanh nghiệp chế biến thực phẩm để họ có thể hoạt động mang cái ăn vào vùng phong tỏa.
Giá như có thể ngồi ở nhà để mua rau, củ, quả, trứng gia cầm,…qua mạng. Nhưng thử xem, bạn có thể mua bất cứ thứ gì rất dễ dàng ngoài những thứ TPHCM đang thiếu. Đang nói đến tầm quan trọng của thương mại số, cụ thể ở đây là đưa nông sản Việt lên sàn.
Hàng hóa dư thừa không bán được cho nơi rất cần là điều vô cùng đáng tiếc và nghịch lý trong bối cảnh kinh tế thị trường, kết nối, hội nhập sâu sắc như hiện nay. Cuối cùng, dẫu bất luận thế nào nhà nước vẫn không thể làm thay vai trò của thị trường.
Có thể bạn quan tâm
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Chia sẻ, lắng nghe và hỗ trợ tối đa TPHCM
19:00, 16/07/2021
TPHCM: Bệnh viện Dã chiến số 8 phân bổ điều trị bệnh nhân nặng/nhẹ ra sao?
05:30, 19/07/2021
TIN NÓNG CHÍNH PHỦ: Chính phủ tạo mọi điều kiện cho TPHCM nhập khẩu vaccine phòng COVID-19
20:42, 15/06/2021
Bách Hóa Xanh và sự suy giảm lòng tin với người tiêu dùng
05:07, 20/07/2021
Xử phạt một cửa hàng Bách hoá xanh bán hàng cao hơn giá niêm yết
18:13, 18/07/2021