Chống tham nhũng: “Cuộc chiến” còn dài…

Diendandoanhnghiep.vn Cuộc chiến chống tham nhũng còn lâu dài, chưa có ngày kết thúc.

Báo cáo của Ban Nội chính Trung ương tại Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020 diễn ra mới đây cho biết, Ban Nội chính đã chủ động, sáng tạo, kiên trì, quyết liệt, thực hiện tốt nhiệm vụ Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, góp phần tiếp tục “không ngừng, không nghỉ” trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Theo tổng kết, trong 6 tháng đầu năm, Ban Nội chính Trung ương tham gia ý kiến về việc bổ nhiệm, luân chuyển, điều động, quy hoạch đối với cán bộ thuộc diện Ban Bí thư, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý của 46 tỉnh, thành ủy; thẩm định nhân sự lãnh đạo các Bộ: Công an, Quốc phòng, Tư pháp, Tài chính, Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Báo Nhân dân...

Công tác phối hợp với các cơ quan liên quan, nhất là việc phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương trong tham mưu chỉ đạo xử lý các vụ việc, vụ án nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm rất tích cực, quyết liệt và hiệu quả theo các kết luận của Trưởng Ban Chỉ đạo.

Luật Phòng chống tham nhũng có hiệu lực từ 1/6/2006. Song, thời gian dài đó, nó hầu như rất ít phát huy hiệu quả. Đã có nhiều câu khá nổi tiếng nói về chuyện tham nhũng như “tắm từ vai” hay “quét cầu thang ngược”. Thậm chí, Đại biểu Dương Trung Quốc còn ví von chống tham nhũng ở ta như… đánh trận giả, thử thì “kêu” mà bắn thì “xịt”.

Tuy nhiên, mấy năm trở lại đây, nhất là từ khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “nhóm lò”, thì “củi tươi, củi khô đều cháy”. Đặc biệt, Tổng Bí thư yêu cầu phát hiện và xử lý tham nhũng, tiêu cực ngay trong các cơ quan làm công tác phòng, chống tham nhũng; kiên quyết loại bỏ những cán bộ tham nhũng, hư hỏng, thoái hoá, biến chất; chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ thật sự liêm chính, trong sạch, có đủ dũng khí đấu tranh bảo vệ cái đúng, loại bỏ cái sai…v..v.

Có thể thấy, những lĩnh vực nhạy cảm, có nhiều nguy cơ tham nhũng, tiêu cực được người đứng đầu đất nước chỉ ra như: quản lý, sử dụng đất đai, khai thác tài nguyên, khoáng sản; việc mua bán, chuyển nhượng tài sản công; việc cổ phần hoá, thoái vốn trong cơ cấu lại doanh nghiệp Nhà nước; quản lý vốn, tài sản Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp…v..v.

Việc chống tham nhũng không chỉ thu lại số tiền bị thất thoát, làm trong sạch đội ngũ mà còn lấy lại niềm tin trong nhân dân. Người dân tin rằng Đảng, Nhà nước Việt Nam chống tham nhũng “thật” chứ không phải “đánh trận giả” như đã nói ở trên.

Chuyện hàng chục Ủy viên Trung ương, lãnh đạo các tỉnh, cho đến nhiều tướng lĩnh quân đội công an bị thi hành kỷ luật thời gian qua là minh chứng sống cho việc  “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai” trong công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

Bên cạnh việc xử lý nghiêm khắc theo đúng pháp luật bất cứ ai ở vị trí quan trọng nhưng không gương mẫu, chúng ta đồng thời phải đề ra các biện pháp phòng ngừa hiệu quả. Mục tiêu là những người có chức vụ, quyền hạn thấm nhuần “bốn không” gồm: “Không dám, không thể, không cần và không muốn tham nhũng”.

Dĩ nhiên, để thỏa mãn được những điều kiện “4 không” trên thật sự không phải là điều dễ dàng, nhất là trong bối cảnh Việt Nam đang trên con đường phát triển và hội nhập. Đó là cả một quá trình lâu dài, cần phải mất nhiều thời gian, không thể có trong một sớm, một chiều.

Nói vậy bởi vì, ngoài hành vi tham nhũng về kinh tế, còn có hàng loạt các hình thái tham nhũng tinh vi như tham nhũng quyền lực, tham nhũng chính sách, tham nhũng tổ chức, tham nhũng danh hiệu… cũng có những diễn biến phức tạp, tuy đã và đang được chỉ đích danh, được đưa vào “tầm ngắm” chờ “bắn”.

Điều này cũng có nghĩa, cuộc chiến này còn lâu dài, không biết ngày kết thúc. Nên, không chỉ có một vài cơ quan, mà phải cả hệ thống chính trị, với một quy trình rất chặt chẽ, nếu lỏng lẻo một khâu nào đó chúng ta sẽ phải trả giá rất đắt.

Dù sao đi nữa, với những tín hiệu tích cực về công cuộc phòng chống tham nhũng, người dân tin tưởng “lò” chống tham nhũng của Đảng sẽ luôn nóng và “người đốt lò” sẽ đủ dũng khí, quyết tâm để thực hiện nhiệm vụ, trách nhiệm của mình. Để người dân luôn thấy những “thanh củi mục” sẽ được đưa vào “lò”.

Mong rằng, những “thanh củi mục” sẽ giảm, và đội ngũ cán bộ, công chức sẽ không quên lời răn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, rằng: “Cán bộ lãnh đạo các cấp phải ghi nhớ, bất cứ ai cũng không có quyền lực tuyệt đối ngoài pháp luật. Công quỹ là của công nên một xu, một hào cũng không được chi dùng bừa bãi; công quyền là vì dân cho nên không được mảy may vì riêng tư”.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Chống tham nhũng: “Cuộc chiến” còn dài… tại chuyên mục Thời sự của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1714139227 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1714139227 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10