Bạn đọc

Chủ đầu tư sân Golf Đồi Cù Đà Lạt mong được đối thoại trực tiếp với chính quyền

Đình Đại 04/07/2024 04:30

Chủ đầu tư dự án sân Golf Đồi Cù Đà Lạt mong muốn được đối thoại với lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng nhằm hướng dẫn, chia sẻ, hỗ trợ nhà đầu tư vượt qua khó khăn.

Lý do thu hồi thiếu khách quan?

Mới đây, Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng đã thu hồi Giấy phép xây dựng đã cấp cho Công ty CP Hoàng Gia ĐL (Công ty Hoàng Gia ĐL) để xây dựng tòa nhà Câu lạc bộ Golf (sân golf Đồi Cù); đồng thời thu hồi luôn quyết định cho chuyển mục đích sử dụng đất tại dự án này vì công trình đã vi phạm trật tự xây dựng.

Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng đã thu hồi giấy phép xây dựng đã cấp cho Công ty CP Hoàng Gia ĐL (Công ty Hoàng Gia ĐL) để xây dựng tòa nhà Câu lạc bộ Golf.
Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng đã thu hồi giấy phép xây dựng đã cấp cho Công ty CP Hoàng Gia ĐL (Công ty Hoàng Gia ĐL) để xây dựng tòa nhà Câu lạc bộ Golf.

Cụ thể, chủ đầu tư dự án xây dựng toà nhà Câu lạc bộ Golf Đồi Cù Đà Lạt đã có hành vi thi công xây dựng phần khung các công trình Khối dịch vụ Golf 1, Golf 2 và Khối đón tiếp khi chưa được cấp phép xây dựng, dẫn đến việc đình chỉ, ngừng thi công, buộc phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả theo các quyết định xử phạt vi phạm hành chính của cơ quan có thẩm quyền địa phương.

Sự việc sẽ không có gì phải bàn cãi và chủ đầu tư dự án sẽ “tâm phục, khẩu phục” nếu các công trình mà Câu lạc bộ Golf Đồi Cù Đà Lạt đầu tư xây dựng không có căn cứ pháp lý để triển khai thực hiện. Tuy nhiên, trong trường hợp này, dự án đã được thực hiện xuyên suốt trong thời gian rất dài, trải qua nhiều thủ tục văn bản, được nhiều cấp chính quyền phê duyệt, đồng ý.

Theo đó, năm 1991, được Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư (nay là Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cấp giấy phép đầu tư với 3 giai đoạn. Các hạng mục trong dự án cũng được UBND tỉnh Lâm Đồng chấp thuận chủ trương đầu tư (văn bản số 5667 ngày 11/8/2021); được Sở Kế hoạch và đầu tư cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư điều chỉnh lần thứ mười số 2121022805 (văn bản ngày 15/6/2022); được Sở Xây dựng 2 lần thẩm định kết quả báo cáo nghiên cứu khả thi; được Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị, được HĐND tỉnh Lâm Đồng ban hành Nghị quyết số 160 ngày 9/12/2022; được UBND tỉnh cho phép (quyết định số 27 ngày 5/1/2023) chuyển đổi mục đích sử dụng đất để xây dựng dự án và được Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng đã cấp phép xây dựng (ngày 12/1/2023) cho một phần tầng hầm khối dịch vụ golf thuộc Toà nhà câu lạc bộ Golf…

Trong Đơn thư gửi đến Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp, đại diện Công ty Hoàng Gia ĐL cho rằng, lý do thu hồi quyết định cho chuyển mục đích sử dụng đất tại dự án này là thiếu khách quan, không đúng đắn. Theo đại diện chủ đầu tư, UBND tỉnh Lâm Đồng viện dẫn lý do là một phần phạm vi công trình được thỏa thuận thuộc đất rừng phòng hộ bảo vệ môi trường (diện tích 5.629m2) nên chưa bảo đảm tuân thủ quy định tại Nghị định 52/2020/NĐ- CP ngày 27/04/2020 của Chính Phủ.

Trong khi đó, Điều 17 của Nghị định 52 quy định về chuyển tiếp đã nêu rõ: “Các Dự án sân golf đã được quyết định chủ trương đầu tư, cấp Giấy chứng nhận đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành được tiếp tục thực hiện theo quy định tại Quyết định chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư".

Doanh nghiệp mong được chia sẻ và hỗ trợ

Bên cạnh đó, Công ty Hoàng Gia ĐL cũng cho rằng, bản chất phần diện tích đất 5.629m2 này không phải là đất rừng phòng hộ ban đầu khi giao đất. Tại thời điểm nhận bàn giao đất năm 2008, toàn bộ diện tích sân Golf 624.038,2m2 là đất chuyên dùng, sau đó Công ty tiến hành trồng thông để phủ xanh diện tích sân Golf. Đến năm 2016, UBND tỉnh có xem xét diện tích đất trồng thông và cây xanh trong sân Golf đủ điều kiện là rừng cảnh quan và quyết định chuyển một phần diện tích đất sân Golf từ đất cơ sở thể dục thể thao và đất chuyên dùng sang đất rừng trồng phòng hộ nội ô cảnh quan.

Văn bản của Công ty CP Hoàng Gia ĐL gửi Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp.
Văn bản của Công ty CP Hoàng Gia ĐL gửi Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp.

“Khoảnh đất tại vị trí phần diện tích để xây dựng công trình tòa nhà Câu lạc bộ Golf có 5.629m2 đất rừng phòng hộ cảnh quan, là đất trống không có rừng (trước đây là đất trống chuyên dùng)”, Bà Lê Thị Hồng Xuân – TGĐ Công ty Hoàng Gia ĐL khẳng định.

Đại diện Công ty Hoàng Gia ĐL cũng thừa nhận, việc tiến hành thi công xây dựng xong phần khung các công trình khối dịch vụ golf 1, golf 2 và khối đón tiếp khi chưa được cấp giấy phép đầy đủ là chưa đúng trình tự về trật tự xây dựng. Tuy nhiên, các hạng mục công trình này đều phù hợp với văn bản chấp thuận chủ trương và phê duyệt các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc để xây dựng tòa nhà Câu lạc bộ Golf số 5667/UBND-QH ngày 11/8/2021 của UBND tỉnh Lâm Đồng và các thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng của Sở Xây dựng số 186/SXD-QLXD ngày 06/12/2022 và Thông báo số 28/SXD-QLXD ngày 08/3/2023.

Bên cạnh đó, do thời gian phê duyệt quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030 và Kế hoạch sử dụng đất năm 2023 của UBND TP Đà Lạt kéo dài đến cuối năm 2023 nên làm ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thiện thủ tục pháp lý xây dựng, bị chậm so với tiến độ thi công xây dựng. Ngoài ra, Công ty đã nôn nóng hưởng ứng lời kêu gọi của lãnh đạo tỉnh về việc đẩy nhanh hoàn thiện công trình để kịp chào mừng Kỷ niệm 130 năm Đà Lạt hình thành và phát triển (1893-2023)”…

“Công ty đang bị đặt vào trạng thái rủi ro tài chính, rủi ro đầu tư – kinh tế, rủi ro pháp lý cao nhất từ các văn bản hủy bỏ, thu hồi, thay đổi các nội dung mà mới trước 2023 Công ty đã được phê duyệt”, bà Hồng nêu trong văn bản.

Đồng thời, đại diện chủ đầu tư cũng bày tỏ mong muốn lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng thực hiện đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trong các lần phát biểu thu hút đầu tư là “Lợi ích hài hòa và rủi ro chia sẻ”, sớm có cuộc đối thoại thực chất với nhà đầu tư để mọi chính sách vừa đúng pháp luật, vừa hợp tình, hợp lý, nhằm hướng dẫn, chia sẻ, hỗ trợ nhà đầu tư vượt qua khó khăn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Chủ đầu tư sân Golf Đồi Cù Đà Lạt mong được đối thoại trực tiếp với chính quyền
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO