Phòng vệ thương mại là “cuộc chơi” đặt ra nhiều thách thức và rủi ro đối với các doanh nghiệp Việt Nam.
>>Doanh nghiệp phải “thích nghi” với phòng vệ thương mại
Do đó, việc chủ động nghiên cứu tất cả các yếu tố ràng buộc là đòi hỏi liên tục và phải kịp thời.
Chia sẻ với DĐDN, GS.TS Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, Báo cáo thường niên Phòng vệ thương mại (PVTM) năm 2022 vừa được Cục Phòng vệ Thương mại (Bộ Công Thương) công bố, doanh nghiệp cần lưu ý việc gia tăng xu hướng bảo hộ thương mại tại các thị trường xuất khẩu.
- Tính đến hết năm 2022, hàng hóa Việt đã bị điều tra 227 vụ PVTM. Số lượng điều tra PVTM như vậy có đáng phải cảnh báo, thưa ông?
Xu thế thế giới hiện nay là tăng cường bảo hộ thương mại, các thị trường lớn đang “chuyển hướng” bảo hộ sản phẩm của các doanh nghiệp trong nước.
Với các hiệp định thương mại Việt Nam tham gia ký kết có những nước quy định rất chặt chẽ về nguồn gốc xuất xứ, minh bạch, giải trình điều kiện sản phẩm như môi trường, người lao động, sự tuân thủ…
Trong bối cảnh như vậy, chúng ta phải chủ động hơn nghiên cứu tất cả các yếu tố ràng buộc xem các doanh nghiệp trong nước đã thoả mãn yêu cầu hay chưa? Cũng có những doanh nghiệp Việt Nam từ trước đến nay chưa chú ý đến vấn đề này cho nên dẫn đến vi phạm vào những ràng buộc một cách vô thức.
Từ đó, dẫn đến một số nhóm sản phẩm hàng hoá bị rơi vào diện cảnh báo, thậm chí xử lý. Khi đó sẽ kéo theo hàng loạt sản phẩm khác bị đưa vào diện bị kiểm soát.
Bản thân doanh nghiệp chủ động cũng chưa đủ, vì thiếu khả năng nhận biết mình cần phải khắc phục như thế nào. Do đó, các cơ quan quản lý cần hỗ trợ việc sàng lọc, phát hiện các doanh nghiệp hiện nay đang vướng mắc ở khâu nào? Cách xử lý ra sao?
Thậm chí, phải có những khoản chi phí mà tự thân doanh nghiệp không thể khắc phục được, cần xử lý chung vì cùng một vấn đề nhưng có nhiều doanh nghiệp, nhà sản xuất vướng mắc. Trong trường hợp này, rất cần đến vai trò của Chính phủ trong việc hỗ trợ, xử lý các vướng mắc của doanh nghiệp từ trước đến nay chưa tuân thủ.
- Theo ông, PVTM tác động thế nào đến khả năng tiếp cận thị trường của các doanh nghiệp Việt Nam?
Nếu chúng ta không đảm bảo thoả mãn các yêu cầu điều kiện ràng buộc về kiểm soát thì chắc chắn hàng hoá đó sẽ không thâm nhập được thị trường, thậm chí còn bị xử phạt với mức thuế cao. Việc này sẽ gây ảnh hưởng đến khả năng tiếp cận thị trường của những sản phẩm đó.
Vấn đề ở đây không phải một sản phẩm bị xử phạt, một sản phẩm hay lô hàng của doanh nghiệp vi phạm có thể kéo theo sản phẩm của doanh nghiệp khác hoặc các loại sản phẩm khác bị kiểm soát.
>>Tăng cường nguồn lực cho… phòng vệ thương mại
>>Doanh nghiệp đối mặt nhiều hơn nguy cơ điều tra phòng vệ thương mại
>>Ngành gỗ đối phó phòng vệ thương mại: Sẵn sàng trước các vụ kiện
- Ông đánh giá thế nào về thái độ, năng lực của doanh nghiệp Việt Nam trước các vụ việc PVTM?
Từ trước đến nay, quá trình, quy trình sản xuất, kiểm soát sản xuất của các doanh nghiệp Việt Nam gần như ít chú ý tới việc tuân thủ các quy trình chung của thế giới. Những điều kiện ràng buộc của nhiều nước hoặc các thoả thuận thương mại doanh nghiệp cũng không nắm bắt được hết để tự điều chỉnh, thay thế.
Doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu là các doanh nghiệp nhỏ, để thay đổi việc tuân thủ các ràng buộc là sự “đòi hỏi” rất lớn, vì doanh nghiệp không có đủ khả năng thay đổi công nghệ, quy trình kiểm soát. Các doanh nghiệp rất khó khăn trong việc đáp ứng hết các ràng buộc về phòng vệ thương mại của các nước đặt ra.
Như vậy, doanh nghiệp phải có những hành động từ chính bản thân, cùng với sự hỗ trợ của các hiệp hội doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước để giúp doanh nghiệp nhìn thấy được vấn đề doanh nghiệp đang vướng mắc. Đồng thời, các hiệp hội doanh nghiệp cần đưa ra giải pháp để doanh nghiệp khắc phục. Vì bản thân doanh nghiệp không có khả năng đầu tư hoặc thay đổi quy trình quản trị, quản lý hay công nghệ.
- Ông có đề xuất gì để doanh nghiệp Việt có thể yên tâm “sống chung” với các vụ kiện PVTM, tránh những tổn thất lớn khi bị trừng phạt?
Thứ nhất, doanh nghiệp phải tuân thủ các quy định ràng buộc. Tuy nhiên, với từng doanh nghiệp sẽ rất khó thực hiện. Do đó, vai trò của các hiệp hội, các tổ chức ngành hàng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc hỗ trợ doanh nghiệp hội viên.
Thứ hai, các hiệp hội, doanh nghiệp phải “bắt tay” liên kết với nhau. Khi đã có sự đồng thuận thì cùng chung tay thoả mãn những điều kiện, ràng buộc đặt ra.
Thứ ba, các cơ quan quản lý nhà nước cần hỗ trợ doanh nghiệp nhận ra vấn đề gì cần tuân thủ, cách khắc phục hạn chế, có các điều kiện để hỗ trợ cho doanh nghiệp.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm
03:04, 23/07/2023
14:23, 20/07/2023
04:00, 19/01/2023
00:03, 21/11/2022
11:00, 25/08/2022