Việc Mỹ tăng thuế gần đây đã gây áp lực nặng nề, tạo ra rào cản lớn cho cả doanh nghiệp xuất khẩu gỗ và khách hàng.
Theo ông Đặng Công Quang, Phó Tổng Giám đốc Công ty Forexco, khách hàng chủ lực của công ty tập trung tại EU và Mỹ, năm 2024 vừa qua tăng trưởng kinh tế của các khu vực này chậm lại, lạm phát cao khiến người dân thắt chặt chi tiêu, sức mua kém. Thêm vào đó, các nhà bán hàng chịu lãi suất vay quá cao, không đủ nguồn vốn để mua hàng tích trữ dài hạn.
Thời điểm hiện tại, họ mua bán thận trọng hơn, để quan sát dấu hiệu thị trường. Hệ thống phân phối chỉ lên kế hoạch bán hàng theo mùa, dẫn tới các đơn hàng nhỏ và ngắn hạn từ 3-4 tháng.
Cùng nhận định, ông Trần Quốc Mạnh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Xuất khẩu Thủ công Mỹ nghệ Việt Nam cho biết, tình hình thế giới hiện nay nhiều biến động, gây ảnh hưởng đáng kể đến ngành đồ gỗ xuất khẩu.
Theo ông Mạnh, diễn biến kinh tế toàn cầu hiện rất khó lường, luôn thay đổi và khác biệt so với trước đây. Nếu trước kia có thể dự đoán kinh tế dựa vào tình hình chính trị, thì nay mọi thứ phức tạp hơn nhiều. Thị trường có thể thay đổi hoàn toàn chỉ sau một đêm, tạo ra thách thức lớn cho các doanh nghiệp.
Đặc biệt, việc Mỹ tăng thuế gần đây đã gây áp lực nặng nề, tạo ra rào cản lớn cho cả doanh nghiệp và khách hàng. Khi mức thuế từ 5% – 10% tăng lên 25%, gần như không doanh nghiệp nào có thể tăng lợi nhuận gấp đôi trong thời gian ngắn để bù đắp chi phí này.
Khó khăn không chỉ với ngành gỗ, khảo sát mới công bố trong tháng 2/2025 của Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham) giữa các hội viên cho thấy, tới 92% doanh nghiệp sản xuất của Mỹ tại Việt Nam bày tỏ lo ngại về nguy cơ Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế đối với hàng hóa từ Việt Nam, đồng thời quan ngại về khả năng giá cả hàng hóa tăng cao đối với người tiêu dùng Mỹ.
Ông Travis Mitchell, Giám đốc Điều hành AmCham cho biết, thuế quan của ông Trump có thể tác động tiêu cực đến hoạt động kinh doanh. Bởi vì hơn 75% doanh nghiệp trong khảo sát tin rằng việc áp thuế sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của họ, dẫn đến áp lực tài chính và thu hẹp cơ hội tiếp cận thị trường. Tới 94% doanh nghiệp sản xuất có dự báo sẽ chịu tác động tiêu cực.
Đề xuất giải pháp, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và lâm sản Việt Nam Ngô Sỹ Hoài cho biết, mức thuế với sản phẩm đồ gỗ của Việt Nam sang Mỹ hiện tại là 0%, trong khi Trung Quốc là 25%. Do đó, lợi thế của Việt Nam cũng chính là mối lo trong bối cảnh thị trường lớn bên cạnh đang bị áp thuế cao. Để sẵn sàng ứng phó, các doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu trong ngành gỗ đã có chiến lược chuyển hướng mua nguyên liệu, cụ thể là ván ép từ các nước khác trong khu vực châu Á như: Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia.
Lưu ý các doanh nghiệp trong ngành, ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam nhận định, Mỹ là thị trường xuất khẩu quan trọng nhất của ngành gỗ Việt Nam và có thể có những thay đổi rất lớn trong thời gian tới. Mỹ cũng có thể áp dụng các mức thuế mới đối với hàng hóa từ Việt Nam, trong đó có các mặt hàng gỗ. Điều này sẽ gây ra các khó khăn trong khâu xuất khẩu và tác động tới sản xuất.
Trong bối cảnh hiện tại của ngành gỗ và kịch bản thuế sắp tới đối với các thị trường trong đó có Việt Nam, theo ông Lập, các cơ quan chức năng cần tiếp tục đồng hành cùng ngành gỗ trong việc cung cấp các thông tin về cảnh báo chính sách, rào cản thương mại, các biện pháp phòng vệ thương mại.
Còn trước mắt, bản thân các doanh nghiệp sản xuất đồ gỗ nên chủ động một số hoạt động nhằm giảm thiểu tác động. Nhất là đảm bảo chuỗi cung ứng đáp ứng được các yêu cầu của Mỹ, cũng như chuẩn bị trước các phương án có khả năng xảy ra trong năm 2025 nếu như Mỹ áp thuế và áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại.
Trong khi đó, ông Trần Quốc Mạnh cho rằng, thay vì xây dựng kế hoạch dài hạn cứng nhắc, họ cần đặt ra mục tiêu linh hoạt, điều chỉnh theo từng năm và sẵn sàng thay đổi chiến lược khi thị trường biến động. Chẳng hạn, nếu Mỹ tăng thuế, doanh nghiệp cần có ngay kế hoạch ứng phó, từ tiết kiệm chi phí, tối ưu hóa quy trình sản xuất đến điều chỉnh mục tiêu kinh doanh.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần chú trọng việc tiết kiệm chi phí và giảm giá thành sản phẩm. Trong bối cảnh giá cả thị trường ngày càng giảm, chỉ những doanh nghiệp có nội lực mạnh mới có thể tồn tại. Sự phân hóa sẽ diễn ra mạnh mẽ, doanh nghiệp nào không thích ứng sẽ bị loại khỏi cuộc chơi.
Ông Mạnh đề nghị các doanh nghiệp cần đa dạng hóa sản phẩm và thị trường để tránh rủi ro khi phụ thuộc vào một khu vực nhất định. Chuyển đổi số cũng là yêu cầu cấp thiết, giúp doanh nghiệp giảm chi phí và mở rộng kênh phân phối thông qua không gian mạng. Việc này sẽ giúp doanh nghiệp linh hoạt hơn trong việc tiếp cận khách hàng và tối ưu hóa quy trình bán hàng.
Theo ông Mạnh, ngành đồ gỗ Việt Nam cũng có nhiều lợi thế riêng biệt. Các doanh nghiệp đang sử dụng nguồn gỗ nguyên liệu từ Mỹ, vừa phục vụ xuất khẩu vừa tiêu thụ trong nước. Khi các thị trường nhập khẩu yêu cầu xác minh nguồn gốc, Việt Nam hoàn toàn có thể đáp ứng nhờ sử dụng nguồn gỗ hợp pháp, minh bạch. Ngoài ra, nguồn gỗ tràm bông vàng trong nước ngày càng dồi dào cũng giúp giảm phụ thuộc vào nhập khẩu, tối ưu hóa chi phí sản xuất.
Đặc biệt, người tiêu dùng Mỹ rất ưa chuộng sản phẩm từ gỗ nguyên liệu trong nước họ. Nếu doanh nghiệp Việt Nam biết tận dụng lợi thế này, vừa có thể hạ giá thành vừa gia tăng khả năng cạnh tranh tại thị trường Mỹ. Việc phối hợp chặt chẽ với các đối tác Mỹ trong minh bạch hóa nguồn gốc gỗ không chỉ giúp doanh nghiệp vượt qua các rào cản kỹ thuật mà còn mở ra cơ hội phát triển bền vững, dài hạn.
Bộ Công Thương cho biết hiện nay Bộ đang theo dõi sát diễn biến thị trường và thay đổi chính sách của các đối tác để đề xuất các giải pháp phù hợp, phát triển đa dạng các thị trường xuất khẩu truyền thống và thị trường mới.
Đồng thời, tiếp tục kịp thời thông tin với các Hiệp hội ngành hàng về những diễn biến của thị trường xuất khẩu để doanh nghiệp kịp thời điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp, định hướng tìm kiếm đơn hàng từ các thị trường. Chỉ đạo hệ thống Thương vụ Việt Nam tại các khu vực thị trường thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình thị trường nước ngoài; các quy định, tiêu chuẩn, điều kiện của thị trường nước ngoài có thể tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam và khuyến nghị đối với các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Bên cạnh đó, tăng cường năng lực về phòng vệ thương mại, hoàn thiện hệ thống pháp luật, thể chế, cơ chế phối hợp liên ngành, địa phương. Chủ động theo dõi, bảo vệ lợi ích chính đáng của các ngành sản xuất trong nước. Tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh công tác cảnh báo sớm các vụ việc phòng vệ thương mại của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Tiếp tục đẩy mạnh công tác chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ. Tăng cường công tác thông tin, phổ biến kiến thức về phòng vệ thương mại cho các ngành sản xuất, doanh nghiệp.
Về dài hạn, ông Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp, Bộ NN&PTNT cũng cho biết, bên cạnh việc xây dựng các khu chế biến công nghệ cao, mở rộng thị phần xuất khẩu, chủ động xúc tiến thương mại gỗ và sản phẩm gỗ tại các thị trường chính, phát triển bán hàng qua các kênh thương mại điện tử, ngành gỗ cần quan tâm hơn và đầu tư vào vùng nguyên liệu. Cụ thể, là phát triển nhiều hơn những rừng trồng gỗ lớn, rừng được quản lý bền vững và cấp chứng chỉ (FSC hoặc PEFC). "Tiêu chuẩn rừng trồng của Việt Nam càng cao, gỗ và sản phẩm chế biến từ gỗ càng dễ thâm nhập vào những thị trường khó tính", ông Bảo nhấn mạnh.
Hiện Cục Lâm nghiệp đã phối hợp các đơn vị thực hiện thí điểm việc cấp mã số vùng trồng rừng tại một số tỉnh phía Bắc, tiến tới mở rộng ra toàn quốc. Nhiệm vụ của mã số này là phát triển chuỗi cung gỗ hợp pháp, đảm bảo truy xuất nguồn gốc gỗ thích ứng với các yêu cầu quốc tế, cũng như phát triển phương pháp đo đếm, báo cáo và thẩm định (MRV) để xác định khả năng hấp thụ, lưu trữ carbon rừng trồng.