Việt Nam kiên quyết phản đối và yêu cầu Đài Loan hủy bỏ hoạt động bắn đạn thật tại ở Ba Bình, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, không tái diễn trong tương lai.
>>Trường Sa sẽ là trung tâm kinh tế trên biển
Theo thông tin từ South China Morning Post, Đài Loan tiến hành tập trận bắn đạn thật từ 20-21 giờ mỗi ngày ở đảo Ba Bình, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam trong hai ngày, từ ngày 28-29/6/2022.
Lực lượng tuần duyên Đài Loan ra thông báo, cảnh báo tàu thuyền và máy bay tránh đi vào khu vực tập trận trong khoảng thời gian này.
Mặc dù phía Đài Loan không nói rõ loại vũ khí gì được sử dụng trong cuộc tập trận nhưng theo South China Morning Post, trong những lần tập trận trước, các loại pháo phòng không 40 mm, súng cối 120 mm và các loại pháo khác đã được sử dụng.
Cuộc tập trận lần này được cho là có sự tham gia của hệ thống tên lửa chống tăng vác vai Kestrel do Viện Khoa học và công nghệ Trung Sơn của Đài Loan sản xuất. Loại vũ khí này được cho là có thể xuyên thủng bê tông dày 60 cm và là vũ khí chống đổ bộ hiệu quả.
>>Thế đứng Trường Sa, Hoàng Sa
>>Sức mới Trường Sa
>>Phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội tại huyện đảo Trường Sa
Ngày 2/7/2022, trả lời câu hỏi về phản ứng của Việt Nam trước việc Đài Loan tiến hành tập trận bắn đạn thật ở Ba Bình, thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam từ ngày 28-29/6, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nêu rõ:
“Lập trường của Việt Nam đối với việc Đài Loan tiến hành bắn đạn thật ở vùng biển xung quanh Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam là rõ ràng, nhất quán và được khẳng định trong nhiều năm qua”.
Theo Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam: “Đây là hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa, đe doạ hoà bình, ổn định, an toàn, an ninh hàng hải; gây căng thẳng và làm phức tạp thêm tình hình ở Biển Đông”.
Trước đó, ngày 28/6/2022, Philippines cũng đã bày tỏ sự phản đối việc Đài Loan tổ chức các cuộc tập trận bắn đạn thật ngoài khơi đảo Ba Bình (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam bị lực lượng Đài Loan chiếm đóng phi pháp).
Theo Bộ Ngoại giao Philippines điều này “làm gia tăng căng thẳng” ở Biển Đông.
Cụ thể, trong bài đăng trên trang Twitter, Bộ Ngoại giao Philippines hôm 28/6/2022 tuyên bố "phản đối mạnh mẽ" các hoạt động của Đài Loan tại khu vực đảo Ba Bình, mà phía Manila cho là "bất hợp pháp".
“Philippines bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ đối với cuộc tập trận bắn đạn thật bất hợp pháp do Đài Loan tiến hành từ ngày 28-29/6/2022 trong khu vực lân cận đảo Ba Bình” – cơ quan trên viết. Động thái này làm dấy lên lo ngại về việc "làm gia tăng căng thẳng" và khiến tình hình ở Biển Đông trở nên phức tạp, Bộ Ngoại giao Philippines viết thêm.
Ba Bình là đảo lớn nhất thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, bị lực lượng Đài Loan chiếm đóng phi pháp từ năm 1946. Sau năm 1975 cho đến nay, Đài Loan vẫn chiếm giữ trái phép đảo Ba Bình (Itu Aba) thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Từ năm 2000, Đài Loan thay lực lượng đồn trú trên đảo Ba Bình bằng một đơn vị cảnh sát biển, được trang bị các loại vũ khí như súng máy, cối tầm xa.
Hồi tháng 3/2022, Đài Loan cũng tập trận diễn tập bắn đạn thật ở đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Những cuộc tập trận của Đài Loan là động thái leo thang, xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam. Vì thế, những gì mà Bộ Ngoại giao Việt Nam đã tuyên bố, khẳng định là hoàn toàn xác đáng, không có gì phải bàn cãi.
Cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Bom rơi, đạn nổ, tên lửa, pháo bắn, người chết, bị thương, cơ sở hạ tầng tan hoang, người dân ‘’màn trời chiếu đất, ly loạn’’, tang thương vẫn diễn ra. Thực tế ấy cho Việt Nam nói riêng và các nước nói chung thêm trân quý hoà bình.
Người dân Việt Nam mong muốn hòa bình, ổn định và phát triển. Việt Nam yêu hòa bình chứ không mong muốn chiến tranh. Do đó, với các vấn đề tranh chấp trên Biển Đông, ưu tiên hàng đầu của Việt Nam là giải quyết bất đồng bằng các biện pháp hòa bình.
Và những phát ngôn của Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 2/7/2022 thêm một lần nữa tái khẳng định rằng, chủ quyền quốc gia là không thể từ bỏ và là nguyên tắc bất biến trong quá trình dựng và giữ nước của dân tộc Việt Nam.
Việt Nam đã nhiều lần khẳng định có chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng biển ở Biển Đông được xác định theo đúng các quy định của Công ước của Liên hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 mà Việt Nam và các nước ở Biển Đông đều là thành viên.
Việt Nam khẳng định có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế. Và phát ngôn của Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng ngày 2/7/2022: “Việt Nam kiên quyết phản đối và yêu cầu Đài Loan huỷ bỏ hoạt động trái phép nêu trên và không tái diễn vi phạm tương tự” thêm một lần nữa tái khẳng định vấn đề này.
Có thể bạn quan tâm
05:00, 01/07/2022
07:07, 25/06/2022
05:00, 17/06/2022
04:00, 12/06/2022
16:48, 09/06/2022
01:00, 09/06/2022
01:00, 06/06/2022
03:30, 02/06/2022