Chủ thẻ tín dụng sắp được miễn, giảm lãi suất, phí... theo tiêu chí nào?

LÊ MỸ 01/10/2021 05:15

Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 19/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động thẻ ngân hàng mà Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến quy định nhiều nội dung có lợi cho chủ thẻ.

Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), việc sửa đổi bổ sung Thông tư nhằm ứng dụng các công nghệ mới để đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt và chuyển đổi số, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận dịch vụ thanh toán mới, trong đó có dịch vụ thẻ ngân hàng đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, kinh doanh trong đại dịch COVID-19.

TCPHT quyết định thực hiện miễn, giảm lãi suất, phí, giữ nguyên nhóm nợ đối với số dư nợ phát sinh từ hoạt động phát hành thẻ tín dụng mà nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi đến hạn thanh toán tại các vùng bị thiên tai, dịch bệnh, vùng xảy ra các sự kiện bất khả kháng

Tổ chức phát hành thẻ quyết định việc miễn, giảm lãi suất, phí, giữ nguyên nhóm nợ đối với số dư nợ phát sinh từ hoạt động phát hành thẻ tín dụng trong điều kiện được quy định (ảnh minh họa: VIB)

Điểm mới đáng chú ý của dự thảo Thông tư là bổ sung khoản 4 vào sau khoản 3: " TCPHT (tổ chức phát hành thẻ) quyết định thực hiện miễn, giảm lãi suất, phí, giữ nguyên nhóm nợ đối với số dư nợ phát sinh từ hoạt động phát hành thẻ tín dụng mà nghĩa vụ trả nợ gốc và/hoặc lãi đến hạn thanh toán tại các vùng bị thiên tai, dịch bệnh, vùng xảy ra các sự kiện bất khả kháng do Thủ tướng Chính phủ hoặc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương công bố bằng văn bản cho các khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn nợ gốc và/hoặc lãi theo hợp đồng, thỏa thuận đã ký do doanh thu, thu nhập sụt giảm bởi ảnh hưởng thiên tai, dịch bệnh, các sự kiện bất khả kháng" (Mục 5, Điều 1 Dự thảo). 

Như vậy, với quy định mới này, những khách hàng đang bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 sẽ được xem xét miễn, giảm lãi suất, phí, giữ nguyên nhóm nợ. Điều này trúng với mong đợi của nhiều khách hàng, chủ thẻ tín dụng vẫn đang ngóng cơ chế hỗ trợ trước những khó khăn vì mất, sụt giảm nguồn thu bởi COVID-19.

Trước đó, về vấn đề cơ cấu nợ, miễn, giảm lãi suất, phí, giữ nguyên nhóm nợ cho doanh nghiệp và khách hàng cá nhân, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng của Ngân hàng BIDV, đã có ý kiến cho rằng cần phải ở rộng phạm vi. Quan điểm của ông nêu trước khi có Thông tư 14/2021/TT-NHNN sửa đổi bổ sung cho Thông tư 03/2021/TT-NHNN về cơ cấu nợ, miễn, giảm lãi và giữ nguyên nhóm nợ (Thông tư 03 sửa đổi lần 1 Thông tư 01/2020). Theo đó, ông cho rằng cần mở rộng đối tượng, các khoản nợ được cơ cấu lại, kể cả những khoản nợ phát sinh sau ngày 10-6-2020 vì dịch còn diễn biến phức tạp. Đặc biệt, không nên giới hạn số lần cơ cấu lại mà nên giao cho tổ chức tín dụng chủ động thực hiện, căn cứ vào tình hình dịch bệnh thực tế. Đồng thời, gia hạn thời gian cơ cấu lại nợ vì dịch bệnh còn phức tạp (Thông tư 03 quy định tối đa là 12 tháng và không quá 31-12-2021). Bên cạnh đó, ông nhấn mạnh "cần cho phép mở rộng phạm vi nợ được cơ cấu lại, bao gồm cả thẻ tín dụng, bảo lãnh, L/C (thư tín dụng), bao thanh toán… chứ không chỉ có nghiệp vụ cho vay vì dịch COVID-19 ảnh hưởng đến khách hàng mà không phân biệt hình thức cấp tín dụng…".

Tương tự, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cũng kiến nghị, trong giai đoạn dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, việc tăng cường sử dụng biện pháp thanh toán không dùng tiền mặt là rất cần thiết và thực tế số lượng các khách hàng cá nhân sử dụng thẻ tín dụng cũng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh nên cần được xem xét cơ cấu nợ, giảm lãi suất…

Thông tư 14 ban hành ngày 7/9/2021 đã tiếp nhận không ít ý kiến đóng góp của các doanh nghiệp và giới chuyên gia để sửa đổi ở góc độ mở rộng thời gian gia hạn cơ cấu nợ. Theo đó, thời gian cơ cấu nợ được kéo dài thêm 6 tháng so với Thông tư 03, đến hết 30/6/2022. Tuy nhiên, việc mở rộng phạm vi cơ cấu nợ vẫn có giới hạn nhất định, và phạm vi xem xét cơ cấu nợ của thẻ tín dụng không xuất hiện trong quy định. Do vậy, việc "nhấc" phạm vi này vào dự thảo sửa đổi bổ sung một Thông tư khác chỉ tập trung về thẻ ngân hàng, được chuyên gia đánh giá là phù hợp và cần thiết. 

Song ông Nguyễn Lê Ngọc Hoàn, chuyên gia Tài chính, lưu ý thông thường việc lấy ý kiến về dự thảo, sửa đổi bổ sung một vấn đề sẽ có thời gian kéo dài. "Nếu áp dụng quy định theo chính sách, không có sự linh hoạt thì các ngân hàng sẽ phải chờ Dự thảo trở thành Thông tư chính thức ban hành và có hiệu lực, mà trong bối cảnh dịch bệnh, bất khả kháng như dịch COVID-19 đang diễn ra hiện nay, sự kéo dài và "độ trễ" càng lâu thì càng khiến nhiều khách hàng gặp khó khăn, gây "khó lây" cho chính ngân hàng".

Trên thực tế, mặc dù chưa được NHNN ra quy định, nhiều chủ thẻ cũng đã được một số ngân hàng xem xét triển khai giảm lãi suất, không thu phí quá hạn trong các kỳ sao kê đúng vào thời điểm giãn cách xã hội căng thẳng do dịch bệnh COVID-19 lần thứ 4 bùng phát. Điều này "đỡ" được cho các chủ thẻ một phần mối lo chi trước, trả sau, dồn lại nợ quá hạn không kịp thanh toán sẽ phải chịu lãi suất cao trong khi thu nhập đột ngột giảm sút. Nhưng các trường hợp xem xét giảm lãi suất, thậm chí miễn lãi quá hạn thanh toán trong thời gian ngắn này nhìn chung không được ngân hàng áp dụng trên phạm vi rộng.

Giới chuyên môn cũng đánh giá dự thảo Thông tư có sự chặt chẽ trong quy định về việc cơ cấu nợ, miễn, giảm lãi, giữ nguyên nhóm nợ cho các chủ thẻ tín dụng. Đồng thời, cũng tạo "dư địa" cho các TCTD, tổ chức phát hành thẻ chủ động và chịu trách nhiệm trong vấn đề này, dựa trên các tiêu chí trong khung quy định. Hay nói cách khác là trong điều kiện nhất định, việc xem xét miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ cho chủ thẻ vẫn phải đặt "bóng trong chân" các tổ chức phát hành thẻ.

Cụ thể, NHNN bổ sung điểm h vào sau điểm g khoản 1 Điều 18: "Tổ chức phát hành ban hành quy định nội bộ về miễn, giảm lãi suất, phí, giữ nguyên nhóm nợ để thực hiện thống nhất trong toàn hệ thống đảm bảo giám sát chặt chẽ, an toàn, phòng ngừa, ngăn chặn việc lợi dụng miễn, giảm lãi suất, phí, để trục lợi, phản ánh sai lệch chất lượng tín dụng, trong đó quy định cụ thể các nội dung sau: Tiêu chí xác định số dư nợ của khách hàng thuộc vùng bị thiên tai, dịch bệnh, vùng xảy ra các sự kiện bất khả kháng do Thủ tướng Chính phủ hoặc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương công bố bằng văn bản; trình tự, thủ tục, phân công, phân cấp, nhiệm vụ, trách nhiệm của từng cá nhân, bộ phận trong việc thực hiện miễn, giảm lãi suất, phí, giữ nguyên nhóm nợ bảo đảm nguyên tắc cá nhân, bộ phận quyết định miễn, giảm lãi suất, phí, giữ nguyên nhóm nợ không là cá nhân, bộ phận phê duyệt cấp tín dụng, trừ trường hợp việc cấp tín dụng do Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc/Giám đốc, ngân hàng mẹ (đối với chi nhánh ngân hàng nước ngoài) thông qua; đánh giá khả năng trả nợ của khách hàng sau khi được miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ theo quy định pháp luật; theo dõi, kiểm tra, kiểm soát, giám sát đối với việc miễn, giảm lãi, phí và số dư nợ được miễn, giảm lãi".

Có thể bạn quan tâm

  • Hạ lãi vay cho doanh nghiệp: Còn khoảng cách từ chủ trương đến thực hiện

    Hạ lãi vay cho doanh nghiệp: Còn khoảng cách từ chủ trương đến thực hiện

    12:00, 29/09/2021

  • Tín hiệu tốt cho hạ lãi vay

    Tín hiệu tốt cho hạ lãi vay

    04:30, 27/09/2021

  • HẠ LÃI VAY, NÊN HAY KHÔNG: Đến lúc ngân hàng có trách nhiệm xã hội

    HẠ LÃI VAY, NÊN HAY KHÔNG: Đến lúc ngân hàng có trách nhiệm xã hội

    05:00, 25/08/2021

  • HẠ LÃI VAY, NÊN HAY KHÔNG: Mong ngân hàng đừng

    HẠ LÃI VAY, NÊN HAY KHÔNG: Mong ngân hàng đừng "vô cảm"

    05:00, 24/08/2021

  • HẠ LÃI VAY, NÊN HAY KHÔNG: Nới phạm vi cơ cấu nợ

    HẠ LÃI VAY, NÊN HAY KHÔNG: Nới phạm vi cơ cấu nợ

    14:10, 15/08/2021

  • HẠ LÃI VAY, NÊN HAY KHÔNG: Ngân hàng có thể giảm lãi 3%-5%?

    HẠ LÃI VAY, NÊN HAY KHÔNG: Ngân hàng có thể giảm lãi 3%-5%?

    11:00, 15/08/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Chủ thẻ tín dụng sắp được miễn, giảm lãi suất, phí... theo tiêu chí nào?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO