Bà Hà Thị Thu Thanh, Chủ tịch HĐTV Deloitte Việt Nam đề xuất kiểm toán bản cáo bạch, báo cáo thường niên của doanh nghiệp niêm yết, đại chúng.
Ngày 22/2, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã tổ chức hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán năm 2019. Bà Hà Thị Thu Thanh, Chủ tịch HĐTV Deloitte Việt Nam đã có 3 kiến nghị để nâng cao chất lượng thị trường chứng khoán Việt Nam.
Thứ nhất, bà Thanh đề cập đến câu chuyện về tính minh bạch. Đây là điều mà thị trường đặt ra ngay từ đầu, “tuy nhiên, thế nào là minh bạch và minh bạch thế nào làđủ là câu hỏi luôn thường trực”. Theo bà Thanh, hiện nay, hầu hết báo cáo tài chính (BCTC) được công bố trên website của các công ty niêm yết hay sở giao dịch chứng khoán chưa đầy đủ.
Mặt khác, BCTC của doanh nghiệp được kiểm toán là các dữ liệu về quá khứ, những thông tin cốt lõi, trọng yếu là các thông tin phi tài chính nằm trong bản cáo bạch, báo cáo thường niên. Đó là hiện tại và tương lai của doanh nghiệp. Vì vậy, bà Thanh kiến nghị trong luật chứng khoán sửa đổi, bổ sung bản cáo bạch, báo cáo thường niên vào danh sách kiểm toán đối với các công ty niêm yết và cả công ty đại chúng. Thời gian áp dụng không chỉ là 1 năm khi niêm yết chào bán mà duy trì trong quá trình các doanh nghiệp đưa cổ phiếu giao dịch trên UPCoM. Như vậy, các nhà đầu tư mới có cái nhìn tổng thể và tin cậy hơn với doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, bà Thanh cũng đề cập đến việc liên kết hài hòa giữa Luật Chứng khoán và luật kiểm toán độc lập. Trong dự thảo Luật Chứng khoán, Deloite và công ty kiểm toán Big4 cũng có kiến nghị chính thức gửi đến UBCKNN. Nhiếu kiến nghị đã được tiếp thu, tuy nhiên bà Thanh cho rằng cần cân nhắc kỹ hơn một số điểm trong Luật Chứng khoán vì Luật Chứng khoán và luật kiểm toán là các luật chuyên ngành. Bà Thanh mong muốn 2 luật sẽ tương tác với nhau để áp dụng một cách đồng loạt và tương thích, tránh tạo ra những xung đột.
Ví dụ, Luật Chứng khoán yêu cầu các công ty kiểm toán phải công bố các thông tin theo yêu cầu của Sở và UBCKNN khi có những sự kiện ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi ích hợp pháp của các nhà đầu tư. Theo nguyên tắc kiểm toán độc lập, trách nhiệm của kiểm toán viên chỉ ở một số điểm trọng yếu mà không phải tất cả. Do đó, Luật Chứng khoán nên chỉ quy định đến các điểm mà kiểm toán viên liên quan thực hiện tại công ty niêm yết. Luật không thể bắt công ty kiểm toán công bố toàn bộ thông tin. Bà Thanh kiến nghị những điểm trong luật đã được quy định trong luật kiểm toán độc lập thì áp dụng theo luật đó.
Thứ hai, theo bà Thanh, một trong những điều kiện quan trọng để nâng bậc xếp hạng thị trường chứng khoán Việt Nam là tính công khai. Trong bản kiến nghị của cơ quan kiểm toán, bà Thanh cho rằng ngôn ngữ trong BCTC không phải tiếng Việt hay tiếng Anh mà là một chuẩn mực quốc tế. Vì vậy, dù là tiếng Việt nhưng viết ở dạng chuẩn thì nhà đầu tư nước ngoài vẫn hiểu. Ngược lại dù dịch từ tiếng Việt sang tiếng Anh nhưng khác chuẩn thì cũng không thể hiểu được. Do đó, bà Thanh kiến nghị rằng, cần áp dụng chuẩn báo cáo IFRS (chuẩn báo cáo tài chính quốc tế) và triển khai thí điểm, khuyến khích áp dụng trước hết là “rổ” VN30 hoặc là các công ty niêm yết đang tìm kiếm đối tác nước ngoài.
Thứ ba là vấn đề quản trị công ty. Hiện nay, chỉ số về quản trị doanh nghiệp của Việt Nam rất thấp, còn nhiều hạn chế, liên tục trong nhiều năm ngay cả khi ASEAN đã áp dụng thẻ điểm quản trị. Quản trị công ty là quyền của mỗi công ty và đã có những quy định chung nhưng chỉ dừng ở mức thủ tục và hình thức nhiều hơn là thực chất. Bà Thanh cho rằng một trong những điểm quan trọng để tăng cường chất lượng quản trị công ty là quyền và trách nhiệm, sự tương tác của HĐQT theo các thông lệ quốc tế. Việt Nam đã mất nhiều năm để có quy định đơn giản là các HĐQT cần có thành viên độc lập để hỗ trợ và có góc nhìn riêng trong doanh nghiệp và trở thành kênh thông tin minh bạch, đáng tín cậy của nhà đầu tư. Công ty trên thị trường cần hướng đến quản trị thực chất và quản trị hiệu quả. Đồng thời sự tương tác của HĐQT với ban điều hành sẽ tạo ra và cung cấp nhiều thông tin tài chính, phi tài chính của doanh nghiệp theo chuẩn mực.