Gỗ Trường Thành vừa bầu bổ nhiệm ông Mai Hữu Tín - Phó Chủ tịch HĐQT giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT thay thế ông Hồ Anh Dũng.
HĐQT Gỗ Trường Thành (TTF) vừa thông qua việc miễn nhiệm tư cách Chủ tịch HĐQT đối với ông Hồ Anh Dũng theo đơn từ nhiệm gửi đến Công ty từ ngày 7/6/2019. Theo đó, TTF bầu bổ nhiệm ông Mai Hữu Tín - hiện đang là Phó Chủ tịch HĐQT giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT thay thế ông Dũng.
Kéo Gỗ Trường Thành ra khỏi “hố sâu” nợ nần
Tại ĐHĐCĐ thường niên sắp tới (dự kiến 24/6), HĐQT TTF dự kiến trình cổ đông phương án không trích lập quỹ và không chia cổ tức cho các năm 2018-2019, do Công ty đang cần vốn lưu động bổ sung cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Mới đây, TTF vừa hoàn tất đợt phát hành hơn 95,6 triệu cổ phiếu hoán đổi, tỷ lệ phân phối tính đến hiện tại xấp xỉ 100% với 62 cá nhân, tổ chức tham gia. Được biết, tỷ lệ hoán đổi 8,21:1, tức tại ngày chốt danh sách hưởng quyền, cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu Sứ Thiên Thanh sẽ nhận lại được 8,21 cổ phiếu TTF.
Có thể bạn quan tâm
06:00, 01/02/2019
16:00, 16/10/2018
11:02, 05/08/2018
Sau phát hành, Công ty sẽ tăng vốn lên 3.146 tỷ đồng và lượng cổ phiếu mới phát hành chiếm 46,6% tổng số cổ phiếu đang lưu hành. Mục đích của việc sáp nhập Sứ Thiên Thanh vào TTF giúp TTF thoát nguy cơ lỗ lũy kế vượt cả vốn điều lệ. Dự kiến sau sáp nhập, TTF và Sứ Thiên Thanh sẽ hoạt động theo mô hình công ty mẹ - con, trong đó Sứ Thiên Thanh là công ty con do TTF sở hữu 100% vốn.
Kết thúc quý I/2019, lợi nhuận hợp nhất của TTF giảm đến hơn 87% so với cùng kỳ năm trước do giảm sản lượng tiêu thụ, đồng thời công ty đang đi vào ứng dụng phần mềm quản trị doanh nghiệp nên chi phí bán hàng và quản lý tăng cao. Tính chung, lỗ lũy kế của công ty vẫn hơn 2.122 tỷ đồng.
Mặc dù Gỗ Trường Thành chưa công bố chính xác chỉ tiêu kinh doanh, nhưng dự kiến doanh thu năm 2019 sẽ dao động khoảng 1.700-1.900 tỷ đồng và có lãi.
Trọng trách đặt lên vai ông Tín khi cố kéo công ty thoát khỏi hố sâu nợ nần. Vấn đề của Gỗ Trường Thành nằm ở tồn kho gỗ nguyên liệu, tồn kho thành phẩm; các loại chi phí, khoản đầu tư ở công ty con, công ty liên kết. Gỗ Trường Thành sẽ giải quyết dứt điểm các "điểm đen" này và sẽ còn phải trải qua những “đau đớn” nhất định.
Mặc dù hoạt động xuất khẩu đang rất tốt, nhưng Gỗ Trường Thành lại muốn trở thành nhà cung cấp nội thất tổng thể hàng đầu trong nước. Việt Nam đang đứng thứ 5 thế giới khi chiếm 6% thị trường nội thất toàn cầu. Ông Tín dự báo, trong 3 năm tới, Việt Nam sẽ đứng thứ hai, sau Trung Quốc. Hơn nữa, Gỗ Trường Thành từng là công ty xuất khẩu đồ gỗ ngoài trời rất tốt, nếu không muốn nói tốt nhất ở Việt Nam. Tuy nhiên, mặt hàng này không còn được ưa chuộng nữa, Công ty cần thay đổi theo chiến lược kinh doanh đồ gỗ trong nhà.
“Xuất khẩu có đơn hàng lớn, ổn định, nên dễ làm hơn. Còn trong nước, đơn hàng quy mô nhỏ hơn, thời gian gấp hơn, nhưng làm gỗ tại Việt Nam có lời và không thể để doanh nghiệp nước ngoài lấn chiếm thị trường nội địa”, ông Tín từng chia sẻ.
Còn ở nhóm ngành sứ vệ sinh, Gỗ Trường Thành vẫn phát triển khi sáp nhập Công ty cổ phần Sứ Thiên Thanh. Đây là doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất và kinh doanh sản phẩm gốm sứ, do Công ty cổ phần Đồng Tâm của “Bầu” Võ Quốc Thắng và người có liên quan nắm tỷ lệ chi phối. Sứ Thiên Thanh chỉ là bước đầu cho sự hợp tác giữa Gỗ Trường Thành với Đồng Tâm Group trong nhiều lĩnh vực khác.
Thoát "ám ảnh" khi đã sạch nợ
Kể từ thời điểm chấp nhận chi 8.000 đồng/cổ phiếu để mua 20% vốn Gỗ Trường Thành năm 2017, khoản đầu tư của ông Tín đang mất một nửa giá trị trên thị trường chứng khoán. Vậy nên, ông hiểu cảm giác của cổ đông khi nhìn thấy giá cổ phiếu lao dốc. Ông khẳng định, Gỗ Trường Thành chỉ có thể vươn lên mạnh mẽ khi xử lý hết các vấn đề của năm 2018.
Ông Tín từng tái sinh Giấy Sài Gòn khi doanh nghiệp này gần như không còn nhiều hy vọng. Cuộc giải cứu không chỉ thành công khi ông bán 90% vốn cổ phần cho tập đoàn đa ngành của Nhật Bản - Sojitz với giá 91,2 triệu USD (tương đương gần 2.100 tỷ đồng), mà khoản đầu tư còn gia tăng giá trị lên 2,5 lần.
Hai năm sau thời điểm ông Tín đầu tư, Giấy Sài Gòn đi vào hoạt động ổn định, tổng công suất đạt 320.000 tấn giấy/năm và dự kiến có lợi nhuận. Công ty hướng đến mục tiêu doanh thu 5.000 tỷ đồng vào năm 2019. Khi đó, ông Tín cho biết, Giấy Sài Gòn đã có thể cạnh tranh sòng phẳng với các doanh nghiệp nước ngoài như Vinacraft của SCG Thái Lan, Chính Dư của Trung Quốc hay Toyo Pulppy của Nhật Bản. Thị trường xuất khẩu có đến hơn 50 nước. Điều đó khiến Sojitz quyết định giành lấy công ty này.
“So với Giấy Sài Gòn, thì Gỗ Trường Thành là khoản đầu tư khó hơn nhiều. Giấy Sài Gòn khó khăn thực sự, còn Gỗ Trường Thành là khó khăn cộng với lừa đảo”, ông Tín nói và cho biết, khó khăn nhất trong tái cấu trúc Gỗ Trường Thành là nắm chính xác tất cả các vấn đề từ quá khứ, do Công ty không có số liệu đúng và minh bạch trước đây.
Ông Tín đến với Gỗ Trường Thành trước tiên vì không muốn thấy một thương hiệu Việt biến mất và bây giờ là vì các cổ đông đã tin, đã đầu tư theo ông. Hiện ông chưa có ý định bán lại cho đối tác ngoại nếu vực dậy thành công Gỗ Trường Thành. Trước mắt, để các nhà đầu tư thoát khỏi nỗi ám ảnh, Gỗ Trường Thành phải làm mọi cách để trở thành doanh nghiệp “sạch” nợ ngân hàng, “sạch” hàng tồn kho vì lượng gỗ cũ không thể đưa vào sản xuất - kinh doanh. Trong kế hoạch giai đoạn 2017 - 2021, Gỗ Trường Thành dự kiến tăng trưởng doanh thu kịch trần 20% mỗi năm. Đó là mức tăng trưởng ổn định để có lợi cho tất cả các bên liên quan.