Việc tỷ phú Trịnh Văn Quyết bị tạm giam để phục vụ điều tra khiến nhà đầu tư chứng khoán bán tháo cổ phiếu nhóm FLC, còn nhà đầu tư bất động sản vào các dự án của FLC cũng hoang mang, lo lắng...
>> Các khoản vay của FLC Group tại Sacombank đảm bảo đúng quy định pháp luật và an toàn
Diễn Đàn Doanh Nghiệp có buổi phỏng vấn nhanh với Luật sư Nguyễn Văn Lộc, Chủ tịch LPG Group, chuyên gia xử lý khủng hoảng pháp lý doanh nghiệp.
Ông Lộc cho rằng, với một tập đoàn quy mô hơn 10.000 nhân sự thì việc người “thuyền trưởng” gặp nạn, “con thuyền” sẽ lung lay nhưng có “chìm” hay không là câu chuyện khác. Họ (nhà đầu tư – PV) cần tìm hiểu kỹ về pháp lý để có thể điều chỉnh về chiến lược đầu tư, chứ đừng để ảnh hưởng tâm lý dẫn đến thiệt hại.
“Khi một nhà lãnh đạo doanh nghiệp vướng pháp lý, có thể phải chịu trách nhiệm hình sự - tù tội thì đó chỉ là một trong các yếu tố để xem xét đối với khoản đầu tư của mình tại doanh nghiệp đó. Ở góc độ pháp lý, hành vi của một cá nhân là nhà sáng lập hay CEO thường được công chúng gắn liền với hoạt động doanh nghiệp đó.
Tuy nhiên với các doanh nghiệp niêm yết thì cơ chế quyết định tập thể đóng vai trò quan trọng và quyết định sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp đó. Tập thể ở đây là của Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị và Ban Giám đốc, bao gồm của tập đoàn và các công ty thành viên có tư cách pháp lý độc lập. Hành lang pháp lý về vấn đề này, trong đó có Luật Doanh nghiệp, Luật Kinh doanh Bất động sản và Luật Chứng khoán, có quy định rõ ràng về công tác quản trị để đảm bảo quyền lợi cho nhân viên, cổ đông và khách hàng” – vị chuyên gia pháp lý phân tích về mặt luật pháp.
Ở góc nhìn của một nhà đầu tư, ông Lộc cho rằng nhà đầu tư và những người đang nắm giữ tài sản tại các công ty khi lãnh đạo doanh nghiệp bị vướng pháp lý (kể cả tù tội) nên quan tâm các vấn đề pháp lý quan trọng nhất để ra quyết định. Một là cần trao đổi ngay với đại diện doanh nghiệp về khả năng thực hiện các cam kết; hai là theo dõi các quyết định liên quan từ cơ quan chức năng; và cuối cùng là cần thay đổi phương án quản trị rủi ro phù hợp cho khoản đầu tư. Các cơ quan chức năng liên quan và bản thân doanh nghiệp, công ty thành viên và công ty liên kết cần có thông cáo để đảm bảo thông tin chính thống đến cổ đông và khách hàng của mình. “Công việc này cần thực hiện rất nhanh chóng và chuẩn xác” – Chủ tịch LP Group gợi ý cho doanh nghiệp.
>> Chứng khoán trước tin FLC: "Thị trường không quá xấu, có thể điều chỉnh nhẹ"
Trước tin ông Trịnh Văn Quyết bị tạm giam liên quan đến thao túng chứng khoán, nhiều nhà đầu tư lo ngại đến hoạt động của tập đoàn, tuy nhiên đại diện FLC khẳng định doanh nghiệp vẫn hoạt động bình thường. Thông cáo báo chí của Tập đoàn FLC nêu rõ: Vụ việc có liên quan đến việc cá nhân ông Trịnh Văn Quyết thực hiện các giao dịch mua bán chứng khoán trong thời gian gần đây và vẫn đang trong quá trình điều tra ban đầu, chưa có kết luận chính thức. Ông Trịnh Văn Quyết đã và đang tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng trong quá trình điều tra làm rõ các vấn đề liên quan. Lãnh đạo Tập đoàn FLC cũng khẳng định không phải là chủ thể có liên quan hoặc có những hoạt động liên quan đến vụ việc này. Vì vậy, lãnh đạo tập đoàn cho biết vụ việc hoàn toàn không tác động hoặc làm thay đổi các định hướng quan trọng của FLC trong hoạt động sản xuất, đầu tư, kinh doanh cũng như phát triển bền vững trong thời gian tới. Đồng thời, cũng không ảnh hưởng tới quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng, cổ đông cũng như các đối tác đang có giao dịch, hợp tác với Tập đoàn. Được biết, ngay sau khi có thông tin, để hạn chế mọi rủi ro có thể phát sinh và đảm bảo hoạt động thường xuyên của Tập đoàn, ông Trịnh Văn Quyết đã tiến hành ủy quyền cho bà Vũ Đặng Hải Yến, Phó Tổng Giám đốc của Tập đoàn FLC. Theo đó, bà Vũ Đặng Hải Yến sẽ thay mặt và đại diện cho ông Trịnh Văn Quyết thực hiện các công việc, quyền của Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Hàng không Tre Việt; cũng như toàn bộ quyền cổ đông tại hai doanh nghiệp nói trên theo đúng quy định pháp luật và điều lệ của công ty. Đồng thời, ông Trịnh Văn Quyết cũng ủy quyền cho bà Vũ Đặng Hải Yến toàn bộ các quyền liên quan đến các tài sản, quyền tài sản thuộc quyền sở hữu của ông Trịnh Văn Quyết. Cũng theo lãnh đạo Tập đoàn FLC, Ban Lãnh đạo của FLC cũng đã họp và nhanh chóng đưa ra các biện pháp, kế hoạch nhằm đảm bảo hoạt động kinh doanh của FLC diễn ra ổn định trong tình hình mới, theo đúng mục tiêu, kế hoạch mà HĐQT và Ban Tổng Giám đốc đã đặt ra. Năm 2021, dù doanh thu và lợi nhuận chưa đạt như kế hoạch do hai đợt dịch bùng phát trên quy mô lớn và thời gian giãn cách kéo dài, nhưng các lĩnh vực cốt lõi của FLC đang thực hiện khởi công nhiều dự án mới. Với khoảng 300 dự án đang được nghiên cứu đầu tư và xúc tiến pháp lý trên hơn 40 tỉnh thành cả nước, FLC đặt mục tiêu sẽ hoàn thành pháp lý để tiếp tục triển khai hàng loạt dự án trong 2022. Lãnh đạo Tập đoàn FLC cũng khẳng định không phải là chủ thể có liên quan hoặc có những hoạt động liên quan đến vụ việc này. Vì vậy, lãnh đạo tập đoàn cho biết vụ việc hoàn toàn không tác động hoặc làm thay đổi các định hướng quan trọng của FLC trong hoạt động sản xuất, đầu tư, kinh doanh cũng như phát triển bền vững trong thời gian tới. Đồng thời, cũng không ảnh hưởng tới quyền, lợi ích hợp pháp của khách hàng, cổ đông cũng như các đối tác đang có giao dịch, hợp tác với Tập đoàn. |