Không thể đóng cửa mãi đất nước, ta cũng phải mở cửa giải quyết việc làm, thu nhập, phát triển kinh tế xã hội nhưng phải đề cao cảnh giác vì dịch COVID-19 vẫn đe dọa nước ta trong thời gian tới.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc (TP.HCM) nhấn mạnh khi thảo luận ở tổ về Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; công tác phòng, chống dịch COVID-19 và tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 của Quốc hội, ngày 21/10.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, qua đợt dịch bệnh cho thấy sự cố gắng lớn của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, đặc biệt lực lượng tuyến đầu như quân đội, công an, nhất là y tế “xông pha trận mạc” vất vả nhất.
Chủ tịch nước có văn bản đề nghị Chính phủ, ngành y tế sơ kết, tổng kết, đánh giá tuyên dương công trạng của lực lượng tuyến đầu, những người có công trang lớn trong khám chữa bệnh cho nhân dân, những tấm gương thiện nguyện… để phát động lên tinh thần cách mạng.
Bên cạnh đó, tấm lòng của người dân, đóng góp của doanh nghiệp vô cùng lớn nên cần biểu dương, trân trọng, dựa vào sức dân, dựa vào xã hội hóa để hỗ trợ cho khám chữa bệnh.
Nhấn mạnh không còn “zero COVID-19” mà phải thích ứng an toàn bằng phương thức vaccine, thuốc và 5K, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dẫn thực tế nhiều nước trên thế giới vẫn thực hiện giãn cách xã hội, trong nước nhiều địa phương xuất hiện ổ dịch mới và lưu ý thực tế đó cho thấy không được chủ quan, không được đơn giản hóa, không thể từ cực này sang cực khác dẫn đến hậu quả mà phải đề cao cảnh giác, có biện pháp kiên quyết, kịp thời hơn nữa.
“Không thể đóng cửa mãi đất nước, chúng ta phải mở cửa để giải quyết việc làm, thu nhập, phát triển kinh tế xã hội nhưng cần đề cao cảnh giác vì dịch COVID-19 vẫn đe dọa nước ta trong thời gian tới. Trách nhiệm của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân rất nặng nề, đặc biệt là ngành y tế”, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ.
Thừa nhận tình hình kinh tế có khó khăn, song Chủ tịch nước đánh giá thời gian qua khi mở cửa một bước thì không khí hoạt động sản xuất, kinh doanh là tích cực, bên cạnh nhiều nơi duy trì tốt như Quảng Ninh, Hải Phòng, Vĩnh Phúc… đã có một số địa phương vươn lên mạnh nhẽ như các tỉnh Đông Nam Bộ, TP.HCM. Niềm tin phục hồi kinh tế Việt Nam là có cơ sở.
“Các tỉnh đều có quyết tâm rất cao, nên ngoài công nghệ cao phát triển thời gian qua, chúng ta đã đảm bảo được năng lượng, sản xuất xuất khẩu, nông nghiệp... Tôi tin nền kinh tế Việt Nam sẽ trở lại phong độ mới và sẽ đạt được mục tiêu mà Chính phủ báo cáo Quốc hội, đặc biệt là năm 2022. Uy tín của Việt Nam cao, chúng ta phải giữ cái này, cố gắng giữ một thể chế tốt, điều hành tốt, thu hút mạnh mẽ, cải thiện môi trường đầu tư tốt hơn nữa thì nhất định kinh tế Việt Nam sẽ phát triển hơn thời gian tới. Tôi có niềm tin mạnh mẽ”, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ và tiếp tục nhấn mạnh yếu tố đoàn kết, ý chí phấn đấu, “chia ngọt sẻ bùi” vượt qua khó khăn để vươn lên của người dân Việt Nam.
Về vấn đề cải cách tiền lương, Chủ tịch nước cho biết, theo Nghị quyết 27 thì đã đến thời điểm tăng lương từ năm ngoái nhưng chúng ta đã chậm lại. Dự kiến năm nay sẽ tăng lương, cải cách tiền lương một bước. Từ thời kỳ trước, chúng ta đã vượt thu ngân sách lớn, từ đó đưa ra chủ trương nếu vượt thu của địa phương nào thì để lại 50% để đầu tư, còn 50% để lại cho tăng lương năm nay. Con số để lại là 600-700.000 tỉ là lớn, gần đủ khả năng có thể cải cách một bước tiền lương. Tuy nhiên khi dịch bệnh xảy ra tại TPHCM và một số tỉnh đã hết nguồn thu, phải sử dụng một số quỹ, trong đó có quỹ vượt thu để dành cho tiền lương để chi cho khám chữa bệnh, điều trị, vật tư y tế.
Bên cạnh đó, đây là thời điểm người dân đang khó khăn, nhất là công nhân, nông dân thiếu việc làm. Lúc này nếu công chức, viên chức mà tăng lương thì không có ý nghĩa về chính trị. Do đó, Chủ tịch nước đã đề nghị Bộ Chính trị, Quốc hội và Chính phủ chưa nâng lương đợt này để phù hợp lòng dân.
Tuy nhiên, việc này không thể kéo dài mãi. Nếu đợt này chưa nâng lương được cho toàn bộ cán bộ công chức thì phải có chính sách hỗ trợ, tăng lương cho người về hưu trước năm 1995. Đây là những người đang hưởng lương quá thấp, đời sống khó khăn. Bên cạnh đó, chúng ta cần tiếp tục phát triển sản xuất kinh doanh, chuẩn bị nguồn lực tốt hơn để tính toán năm sau sẽ báo cáo Trung ương, Quốc hội về việc cải cách tiền lương cho cán bộ công chức.
Có thể bạn quan tâm
Khẩn trương triển khai gói kích thích, phục hồi kinh tế, tạo đòn bẩy cho tăng trưởng
17:02, 20/10/2021
Hỗ trợ phụ nữ thúc đẩy phục hồi kinh tế vươn lên sau dịch
15:14, 20/10/2021
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ: Cử tri đặc biệt quan tâm đến phục hồi kinh tế!
11:27, 20/10/2021
Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV: Giảm thời gian làm việc để tập trung chống dịch, phục hồi kinh tế
05:00, 20/10/2021
Phục hồi kinh tế TP.HCM 2022 – 2025: Dùng đầu tư công để kích thích tổng cầu
11:00, 17/10/2021
Thích ứng an toàn, linh hoạt để thực hiện tốt hơn “nhiệm vụ kép”
12:49, 21/10/2021