Chủ tịch Quốc hội: Hoạt động giám sát có lúc còn thiếu sâu sát, chung chung

NGUYỄN VIỆT 11/04/2023 17:44

Hoạt động giám sát có lúc còn thiếu sâu sát, thiếu thực tiễn, chung chung, mà “nói chung chung là dễ nói nhất, nhưng không đọng lại cái gì cả”.

>>Đại biểu Quốc hội đồng thuận việc thành lập Quỹ phòng thủ dân sự

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh khi cho ý kiến về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2024, tại phiên họp thứ 22 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chiều 11/4.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Ảnh: QH

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Ảnh: QH

Góp ý vào báo cáo, theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ các đánh giá về hoạt động giám sát thời gian qua cần có tính khái quát sâu sắc hơn, trong đó nhấn mạnh việc bám sát các chỉ đạo, đề án ngay từ đầu khoá về tăng cường giám sát, coi đổi mới giám sát là khâu trọng tâm.

Có lúc có nơi thực hiện giám sát còn hạn chế

Quốc hội, UBTVQH đã quan tâm xây dựng thể chế, pháp luật liên quan hoạt động giám sát, như đưa vào chương trình việc sửa đổi, bổ sung Luật hoạt động giám sát, UBTVQH ban hành nhiều nghị quyết liên quan công tác giám sát; lần đầu ban hành kế hoạch giám sát văn bản quy phạm pháp luật; Quốc hội uỷ quyền cho UBTVQH xem xét đề cương, kế hoạch giám sát chuyên đề...

Chủ tịch Quốc hội đánh giá các báo cáo thẩm tra chất lượng ngày càng được nâng cao, sắc sảo hơn và tính phản biện cao hơn. “Có lạnh, có sôi nhưng không bị quy “2 sôi 3 lạnh”. Khen đích đáng mà chê là thuyết phục. Chất lượng nâng lên rất nhiều”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ông Huệ nói.

Bên cạnh đó, các kết luận, kiến nghị từ giám sát đi vào thực chất hơn. Tiêu biểu như giám sát về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí kèm theo phụ lục gửi các cơ quan được đánh giá rất cao khi rõ danh mục, địa chỉ, thời gian cụ thể. Hay giám sát về quy hoạch cũng gỡ nhiều chuyện, sát thực tiễn, đáp ứng yêu cầu bức xúc hiện nay.

Tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị thẳng thắn chỉ rõ những mặt chưa được. Như có lúc có nơi thực hiện giám sát còn hạn chế, tính phản biện chưa cao. “Giám sát không có tính phản biện thì làm làm gì. Phản biện trên tinh thần xây dựng, động cơ trong sáng thì càng tạo điều kiện phát triển lâu dài”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ bày tỏ.

Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, giá trị mang lại của hoạt động giám sát thể hiện rõ nhất ở các kiến nghị của giám sát chuyên đề, nhưng có lúc còn thiếu sâu sát, thiếu thực tiễn, còn chung chung, mà “nói chung chung là dễ nói nhất, nhưng không đọng lại cái gì cả”.

>>Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách sẽ thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi)

>>Phó Chủ tịch Quốc hội: Đánh giá kỹ sự cần thiết của Quỹ bình ổn giá xăng dầu

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh. Ảnh: QH

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh. Ảnh: QH

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cũng lưu ý trong công tác phối hợp, điều phối thực hiện giám sát. Việc tổ chức đi nghiên cứu, làm việc với địa phương là tốt, song phải làm sao bớt phiền hà cho địa phương. Đặc biệt, phải phân biệt rõ “vai” đại biểu Quốc hội và “vai” thành viên đoàn giám sát thực hiện theo kế hoạch.

Liên quan hoạt động giải trình, chất vấn tại Hội đồng dân tộc và các ủy ban của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ yêu cầu cần bám sát thực tiễn nhiều hơn nữa, nhạy bén hơn trong từng lĩnh vực để nắm bắt những vấn đề nổi lên và có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. “Bởi, nhiều việc rất nóng xảy ra mà ít thấy các ủy ban vào cuộc thì nên chăng cần rút kinh nghiệm thêm”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói.

Phát biểu tại phiên họp, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh đồng tình cao với báo cáo và cách làm trong việc nhìn lại kết quả giám sát; việc lựa chọn chuyên đề cho năm tiếp theo. Tham gia một số đoàn giám sát, Trưởng Ban Công tác đại biểu nhận thấy công tác giám sát ngày càng đi vào thực chất, góp phần quan trọng cho không chỉ giám sát các chủ trương đường lối của Đảng, Nhà nước mà còn tổng kết thực tiễn, nâng cao nhận thức cho chính các thành viên đoàn giám sát. 

Tuy nhiên, Trưởng Ban Công tác đại biểu đề nghị cần chú trọng công tác hậu giám sát. Các chuyên đề giám sát tối cao cũng cần lưu ý xem sau một năm các kiến nghị của Quốc hội được Chính phủ, các Bộ, ngành, cơ quan, đơn vị thực hiện như thế nào, yêu cầu phải báo cáo trở lại.

"Cần xem xét những lời hứa"

Bên cạnh đó, Trưởng Ban Công tác đại biểu cho rằng, các phiên giải trình, phiên chất vấn đã được thực hiện rất đúng, rất hay. Nhưng cần xem xét những lời hứa, những cam kết được thực hiện ra sao, sự chuyển biến trong lĩnh vực đó như thế nào?

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường. Ảnh: QH

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường. Ảnh: QH

“Phải kiểm đếm kết quả thực hiện chất vấn, giải trình để nâng cao giá trị làm việc”, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh.

Đánh giá về công tác giám sát không chỉ giúp hoàn thành nhiệm vụ của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, mà còn giúp nâng cao năng lực của chính các đại biểu Quốc hội, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cũng đề nghị sau phiên giải trình, chất vấn cần có văn bản kết luận chính thức, hoặc một nghị quyết đưa ra đề xuất chi tiết và có thời hạn cụ thể để cơ quan, đơn vị thực hiện các giải pháp đặt ra.

Đối với các nội dung giám sát cụ thể trong báo cáo, Trưởng Ban Công tác đại biểu cho rằng, 5 chuyên đề giám sát được thể hiện trong báo cáo đều là những vấn đề quan trọng, cấp bách, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.

Quan điểm của Ban Công tác đại biểu đã thể hiện thông qua phiếu bầu. Việc lựa chọn 4 chuyên đề giám sát sẽ được thực hiện theo đa số phiếu bầu trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Trước đó, báo cáo dự kiến Chương trình giám sát năm 2024, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết đã dự kiến, đề xuất 7 chuyên đề để xin ý kiến các thành viên Đảng đoàn Quốc hội, Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội lựa chọn 5 chuyên đề trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định lựa chọn 4 chuyên đề.

Các đại biểu tham dự phiên họp. Ảnh: QH

Các đại biểu tham dự phiên họp. Ảnh: QH

Chuyên đề 1: Việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia (Dự án Sân bay Long Thành; dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2016 - 2020 và 2021 - 2025; dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội; dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh; dự án đường bộ cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột giai đoạn 1; dự án đường bộ cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu giai đoạn 1; dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1).

Chuyên đề 2: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đơn vị sự nghiệp công lập từ khi ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 đến hết năm 2023.

Chuyên đề 3: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Chuyên đề 4: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội.

Chuyên đề 5: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công và đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

Sau khi thảo luận, UBTVQH quyết định lựa chọn các chuyên đề 1, 2, 3, 4 để trình Quốc hội.

Có thể bạn quan tâm

  • Đại biểu Quốc hội đồng thuận việc thành lập Quỹ phòng thủ dân sự

    16:48, 06/04/2023

  • Ngày 6/4, Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách thảo luận dự án Luật Giá (sửa đổi)

    20:16, 05/04/2023

  • Ngày 5/4, Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách sẽ thảo luận dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi)

    20:11, 04/04/2023

  • Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách sẽ thảo luận về dự án Luật Đất đai (sửa đổi)

    15:00, 27/03/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Chủ tịch Quốc hội: Hoạt động giám sát có lúc còn thiếu sâu sát, chung chung
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO