Những năm qua, Quảng Ninh luôn đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo và đã đạt được những kết quả hết sức tích cực.
Đẩy mạnh phát triển
Xác định chuyển dịch cơ cấu phát triển kinh tế từ “nâu” sang “xanh” là chủ trương xuyên suốt, lâu dài. Trong đó, Quảng Ninh chú trọng thu hút doanh nghiệp, nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, công nghệ sạch, hiện đại, thân thiện với môi trường. Từ chủ trương này, Tỉnh ủy Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 16/11/2020 về phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến, chế tạo giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm 2030. Đây là tiền đề quan trọng để ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng, phát triển trong những năm qua.
Theo lãnh đạo TP Đông Triều: Nhằm phát huy lợi thế từ nguồn lực đất đai, nguyên liệu dồi dào, địa phương đã thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư, phát triển các nhà máy sản xuất công nghiệp. Năm 2024, tốc độ tăng trưởng kinh tế của thành phố đạt 14,2%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, đúng hướng, với tỷ trọng ngành công nghiệp đạt 62,3%. Trong đó, ngành chế biến chế tạo là ngành có tỷ trọng lớn nhất trong lĩnh vực công nghiệp địa phương, chiếm 46% tỷ trọng. Giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố tính theo giá so sánh năm 2010 ước đạt 24.448 tỷ đồng, bằng 100,1% so với kịch bản tăng trưởng.
Hiện trên địa bàn có Công ty CP Gốm Đất Việt là đơn vị đi đầu trong sản xuất vật liệu xây dựng. Gốm Đất Việt luôn cho ra các dòng sản phẩm đất sét nung cao cấp, có các chỉ tiêu về chất lượng vượt trội. Đến nay, Công ty đã cho ra đời những dòng sản phẩm đất sét nung xứng tầm thương hiệu quốc gia và quốc tế với hơn 45 loại sản phẩm, trong đó các sản phẩm chủ đạo phải kể đến như: Gạch Cotto lát nền; gạch Cotto ốp tường tấm ốp Hàn Quốc; ngói lợp kiểu Pháp, gói mũi hài...
Không chỉ phát triển các lĩnh vực thế mạnh của địa phương, Đông Triều đang tích cực phát triển công nghiệp mới theo hướng tập trung, hiện đại, bền vững. Trên địa bàn TP Đông Triều hiện hình thành nhiều trung tâm, CCN tập trung, hoạt động theo hướng hiện đại, như Trung tâm cơ khí Mạo Khê, CCN Kim Sen... Các trung tâm, CCN bước đầu đang hoạt động hiệu quả, thu hút được nhiều doanh nghiệp lĩnh vực công nghiệp vào hoạt động.
Có thể kể đến Công ty TNHH Giày dép Bách Năng là doanh nghiệp có vốn đầu tư 100% từ nước ngoài, hoạt động sản xuất kinh doanh XNK giày dép tại CCN Kim Sen từ năm 2015. Hiện nay công ty đầu tư 15 dây chuyền may, 3 dây chuyền gia công, mỗi một ngày công ty sản xuất từ 500-550 đôi giày. Các sản phẩm của đơn vị chủ yếu xuất khẩu sang châu Âu.
Ông Chang Wei Tai - Phó Tổng Giám đốc Công ty, cho biết: Công ty chúng tôi đã tạo việc làm cho gần 1.700 lao động, trong đó chủ yếu là lao động địa phương, với mức thu nhập bình quân 8 triệu đồng/người/tháng. Thời gian tới, Công ty rất mong tiếp tục nhận được sự đồng hành, giúp đỡ của các ngành, địa phương hoàn thiện các thủ tục mở rộng sản xuất, đóng góp vào sự phát triển của Đông Triều.
Hiện nay, CCN Kim Sen đang hoạt động, tỷ lệ lấp đầy đạt 73,7%; CCN Tràng An đang được thành lập. Theo quy hoạch chung thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Đông Triều đã đặt ra phương hướng mở rộng thêm CCN Kim Sen 2 cho ngành nghề vật liệu xây dựng và CCN Yên Thọ dành cho ngành nghề cơ khí, hậu cần bến bãi, đường thủy nội địa.
Phát triển bền vững
Thực hiện nhiệm vụ trong chủ đề công tác năm 2024 là nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế, Quảng Ninh luôn quan tâm, chú trọng tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, thu hút các nhà đầu tư, doanh nghiệp lớn vào địa bàn với các ngành công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghệ cao, hiện đại, công nghiệp xanh. Từ sự đồng hành của tỉnh, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đã và đang tăng trưởng ổn định, đóng góp vào sự phát triển chung của Quảng Ninh.
Theo ông Phạm Xuân Đài – Trưởng BQL Khu kinh tế Quảng Ninh: Tính hết tháng 11, tổng vốn thu hút FDI trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đạt 2.049,78 triệu USD. Trong đó cấp mới 32 dự án với số vốn đăng ký 1.757,24 triệu USD, điều chỉnh tăng vốn 25 lượt dự án với số vốn tăng 292,47 triệu USD. Phần lớn các dự án thu hút vốn FDI đều là thuộc lĩnh vực chế biến, chế tạo, công nghệ cao, công nghệ sạch.
Dự kiến hết năm 2024, Quảng Ninh sẽ thu hút đầu tư được thêm khoảng 960 triệu USD, gồm: Khu Công nghiệp Bắc Tiền Phong 85 triệu USD, Khu Công nghiệp Sông Khoai 87 triệu USD, Khu Công nghiệp Texhong 683 triệu USD, Khu Công nghiệp Đông Mai 105 triệu USD, nâng tổng nguồn vốn đầu tư FDI trên địa bàn tỉnh cả năm 2024 đạt trên 3 tỷ USD.
Có được kết quả trên, Quảng Ninh đã tập trung triển khai nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy tăng trưởng lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, trọng tâm là hỗ trợ, giải quyết nhanh chóng thủ tục hành chính về quy hoạch, thủ tục đầu tư, đất đai, giải phóng mặt bằng; xúc tiến thu hút các doanh nghiệp chế biến, chế tạo; hỗ trợ các doanh nghiệp sớm đưa nhà máy, dây chuyền các dự án trong khu kinh tế, khu công nghiệp vào sản xuất, tạo ra năng lực sản xuất mới, giá trị tăng thêm.
Đến nay, Quảng Ninh đã đưa 7 dự án công nghiệp chế biến, chế tạo mới đi vào hoạt động chính thức, 12 dự án còn lại đang được khẩn trương hoàn thành, đi vào hoạt động, trong đó tỉnh chủ động, tích cực hỗ trợ, đồng hành cùng Tập đoàn Thành Công để đưa Dự án Nhà máy ô tô Thành Công Việt Hưng sớm đi vào hoạt động, ra sản phẩm trong tháng 12/2024 theo kế hoạch. Ngoài 19 dự án thuộc danh mục từ đầu năm, Dự án Baike Vehicle Việt Nam cấp Giấy chứng nhận đầu tư trong năm 2024 cũng đã đi vào hoạt động và có sản phẩm từ tháng 10/2024.
Tỉnh Quảng Ninh cũng chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư và giấy chứng nhận đăng ký đầu tư điều chỉnh lần 2 Dự án Nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh, hỗ trợ, đồng hành cùng nhà đầu tư triển khai các thủ tục để sớm khởi công xây dựng dự án.
Để tiếp tục thúc đẩy công nghiệp chế biến, chế tạo phát triển trong thời gian tới, Quảng Ninh xác định tạo thuận lợi, hỗ trợ cho ngành công nghiệp này tạo bứt phá, tăng tối đa công suất, năng lực sản xuất. Tháo gỡ, giải quyết tối đa các khó khăn, vướng mắc cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh, khơi thông điểm nghẽn. Giải quyết nhanh chóng các thủ tục hành chính về đất đai, đầu tư, kinh doanh, cấp phép, thuế, tín dụng, thông quan hàng hóa, làm tốt công tác đền bù, giải phóng mặt bằng...
Cùng với đó, hỗ trợ, tạo thuận lợi cho các dự án đã đủ điều kiện về thủ tục pháp lý đẩy nhanh tiến độ triển khai, đi vào hoạt động sớm nhất, bổ sung năng lực tăng thêm, tăng năng suất, sản lượng. Đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án Nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh.
Trong đó, đưa nhà máy sản xuất ô tô Thành Công Việt Hưng vào vận hành thương mại, tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng cao, đóng góp vào ngân sách nhà nước, giải quyết việc làm cho lao động. Quảng Ninh cũng thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới, nhất là chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, các ngành, lĩnh vực mới, công nghệ cao như chíp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, công nghiệp dịch vụ phụ trợ.
Thời gian tới, tỉnh Quảng Ninh tập trung thu hút đầu tư vào các Khu Kinh tế Vân Đồn, Khu Kinh tế ven biển Quảng Yên, các khu công nghiệp: Bắc Tiền Phong, Nam Tiền Phong, Sông Khoai, Đông Mai (TX Quảng Yên), Texhong Hải Hà giai đoạn 1 (huyện Hải Hà), Hải Yên (TP Móng Cái)... Việc tăng cường thúc đẩy ngành công nghiệp chế biến, chế tạo phát triển mạnh mẽ hơn nữa sẽ đóng góp quan trọng vào hiện thực hoá mục tiêu phát triển của năm 2025.