Do tâm lý của các nhà đầu tư (NĐT) trong nước vẫn đang chịu tác động tiêu cực từ thị trường tài chính thế giới, nên chứng khoán Việt Nam có thể vẫn tiếp tục điều chỉnh trong những phiên đầu năm 2019.
Tính chung trong năm 2018, VN- Index đã giảm khoảng 9,3%, từ mức 984 điểm vào ngày 29/12/2017. Những mã cổ phiếu tác động tiêu cực nhất đến VN-Index trong năm qua là VNM, FLC, VHM, TCB, VRE khi lấy đi của chỉ số chung lần lượt 31 điểm, 23 điểm, gần 14 điểm, 10 điểm và 8,2 điểm. Ngược lại, những mã cổ phiếu tác động tích cực nhất đến VN-Index trong năm qua là VIC, BID, BVH, SAB và NVL với mức đóng góp lần lượt 37 điểm, 11 điểm, 6,4 điểm, 4,8 điểm và 3,5 điểm.
Có thể bạn quan tâm
03:30, 01/01/2019
11:01, 26/12/2018
05:10, 26/12/2018
05:01, 24/12/2018
17:08, 23/12/2018
13:18, 20/12/2018
Thanh khoản trung bình phiên trong cả năm qua ở mức 201 triệu cổ phiếu, tăng gần 4,7% so với năm 2017. Trong năm 2018, khối ngoại đã mua ròng hơn 41 nghìn tỷ đồng trên sàn HoSE, tăng gần 71% so với năm 2017.
Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index giảm gần 11% trong năm 2018 so với phiên giao dịch cuối cùng của năm 2017. Các cổ phiếu ảnh hưởng tích cực nhất đến HNX-Index trong năm 2018 là NVB, HHC, DGC, trong khi các cổ phiếu tác động tiêu cực nhất đến HNX-Index là DL1, SHB, HUT.
Theo BVSC, các nhóm ngành có số cổ phiếu tăng mạnh nhất trong năm 2018 là bảo hiểm, bất động sản và hóa chất với mức tăng lần lượt gần 25%, 21% và 2,5%. Ngược lại, các nhóm ngành có số cổ phiếu giảm mạnh nhất trong năm qua là Xây dựng và vật liệu, Dầu khí và Viễn thông với mức giảm 34%, 31% và 24%.
Trong phiên giao dịch cuối cùng của năm 2018, chỉ số VN-Index giảm gần 8,3 điểm chốt phiên ở mức 892,54 điểm. Áp lực bán gia tăng mạnh khiến các mã giảm điểm chiếm đa số. Mặc dù vậy, thanh khoản vẫn duy trì dưới mức bình quân 20 phiên gần nhất với 2.542 tỷ đồng, cho thấy tâm lý của các nhà đầu tư vẫn rất thận trọng.
Những chỉ tiêu kinh tế vĩ mô năm 2018 được công bố rất tích cực, trong đó GDP đạt 7,08%, mức cao nhất từ năm 2008, xuất siêu 7,2 tỷ USD... Tuy nhiên, diễn biến trên thị trường tài chính thế giới vẫn theo chiều hướng tiêu cực, không chỉ cản trở dòng tiền vào thị trường chứng khoán, mà còn tác động tiêu cực đến tâm lý của các NĐT.
FED tăng lãi suất trong kỳ họp tháng 12/2018 và dự báo tăng lãi suất thêm 2 lần nữa trong năm 2019 trong điều kiện kinh tế Mỹ tăng trưởng chậm lại đã tác tác động tiêu cực đến thị trường tài chính quốc tế vốn đang bị tổn thương bởi cuộc chiến tranh thương mại Mỹ- Trung và triển vọng không mấy khả quan của kinh tế toàn cầu.
Trong những phiên giao dịch đầu năm 2019, do tâm lý của các NĐT vẫn còn chịu tác động tiêu cực từ thị trường tài chính thế giới, nên VN- Index có thể vẫn tiếp tục điều chỉnh, tích lũy xoay quanh mức 900 điểm. Theo đó, sự phân hóa trên thị trường sẽ tiếp tục diễn ra mạnh mẽ, trong đó những cổ phiếu có triển vọng kinh doanh tích cực trong quý 4/2018 và năm 2019 sẽ là thu hút mạnh dòng tiền.
Theo phân tích kỹ thuật, MACD phân kỳ âm và ở dưới đường zero, ADX cũng phân kỳ âm… cho thấy thị trường đang có xu hướng điều chỉnh giảm. Trong khi đó, các chỉ số RSI, Stochastic… đã chạm vùng vượt bán, nhưng chưa nằm sâu trong vùng này, nên xu hướng điều chỉnh có thể chưa chấm dứt.
Nếu VN-Index vượt qua được vùng kháng cự 910-915 điểm thì có thể lên tới vùng 920- 930 điểm. Ngược lại, VN-Index sẽ quay trở lại vùng hỗ trợ 850-870 điểm.