Chứng khoán Mỹ đạt mức cao nhất mọi thời đại và lợi suất trái phiếu kho bạc giảm, sau khi một báo cáo cho thấy, tâm lý người tiêu dùng giảm xuống mức thấp nhất trong gần một thập kỷ.
Trong tuần giao dịch qua, ngày 13/8 thị trường chứng khoán Mỹ đã tràn ngập sắc xanh khi chỉ số Dow Jones và S&P 500 đã lập đỉnh liên tiếp. Theo đó, Dow Jones tăng 15,53 điểm, tương đương 0,04%, lên 35.515,38 điểm, vượt đỉnh lịch sử 35.499,85 điểm thiết lập ngày 12/8. S&P 500 tăng 7,17 điểm, tương đương 0,16%, lên 4.468 điểm, vượt đỉnh lịch sử 4.460,83 điểm trước đó. Đây là phiên lập đỉnh thứ tư liên tiếp của Dow Jones và S&P 500. Riêng Nasdaq tăng 6,64 điểm, tương đương 0,04%, lên 14.822,9 điểm.
Theo đó, Dow Jones tăng 0,87%, S&P 500 tăng 0,71%, chứng khoán Mỹ đã kỳ vọng khép lại tuần tăng thứ hai liên tiếp của cả hai chỉ số, trong khi Nasdaq giảm 0,09%. Tổng khối lượng giao dịch tại Mỹ ngày 13/8 là 7,99 tỷ cổ phiếu, thấp hơn so với trung bình 9,42 tỷ cổ phiếu trong 20 phiên trước đó.
Trong số các ngành thuộc S&P, các mặt hàng thiết yếu và tiện ích tiêu dùng tăng trưởng tốt hơn khi Tyson Foods tăng 2,4% và FirstEnergy tăng 1%. Ngành năng lượng và công nghiệp lại hoạt động kém hiệu quả với Hess giảm 1,5% và United Rentals giảm 2,3%.
Đặc biệt, cổ phiếu của Disney đã tăng 3% trong phiên giao dịch buổi sáng ngày 13/8, sau khi công ty báo cáo thu nhập quý 3 mạnh mẽ, giúp đẩy chỉ số Dow lên một kỷ lục mới. Gã khổng lồ truyền thông đã chứng minh được vị thế của mình với phố Wall khi tăng trưởng lượng người đăng ký cho kênh Disney + cũng như doanh thu và thu nhập tổng thể vượt trội.
“Đã có gần 174 triệu lượt người dùng đăng ký trên 3 nền tảng phát trực tuyến như Disney+, ESPN+ và Hulu tính đến cuối quý 3 của năm tài chính 2021. Cụ thể, riêng nền tảng phát trực tuyến Disney+ có số lượng người đăng ký trả phí tăng 12% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, doanh thu từ các kinh doanh trực tiếp tiếp xúc với người tiêu dùng của Walt Disney tăng 57% lên 4,3 tỷ USD, còn doanh thu trung bình hàng tháng trên mỗi người dùng trả phí cho nền tảng ESPN+ và Hulu đã tăng nhẹ”, Walt Disney cho biết.
Bên cạnh đó, chăm sóc sức khỏe và công nghệ là các lĩnh vực diễn biến tốt nhất trong S&P 500 và chiều ngược lại là năng lượng. Cổ phiếu Apple, Microsoft, Amazon, Alphabet, Facebook chiếm khoảng 1/4 tổng vốn hóa thị trường của S&P 500, đây cũng là nhóm dẫn dắt trong S&P 500 và Nasdaq.
Terry Sandven, giám đốc chiến lược cổ phiếu tại US Bank Wealth Management, nhận xét: “S&P 500 lập đỉnh mới và đó là một đỉnh cao vì lý do tốt. Các yếu tố cơ bản có lợi cho giá cổ phiếu tăng, lợi nhuận có xu hướng tăng, lãi suất thấp còn lạm phát vừa phải”.
Đáng chú ý, Chính phủ Mỹ cho biết CPI đã tăng 0,5% trong tháng 7 so với tháng trước. Đồng thời, chỉ số giá tiêu dùng tháng 7 được công bố ngày 11/8 cho thấy mức tăng 5,4% so với năm ngoái trong khi con số kỳ vọng là 5,3%. Bộ Lao động nước này cũng thông báo, số đơn xin thất nghiệp ban đầu đã giảm nhẹ vào tuần trước, trong bối cảnh thị trường lao động tiếp tục phục hồi sau cuộc suy thoái năm 2020.
Có thể thấy, thị trường chứng khoán Mỹ gần đây liên tục lập đỉnh nhờ sự tự tin của nhà đầu tư vào đà phục hồi kinh tế, mùa báo cáo kết quả kinh doanh quý 2 tốt; Bên cạnh đó còn có sự kiện chính quyền Biden đã được thông qua dự luật chi hạ tầng 1.000 tỷ USD; còn trước mắt lạm phát không tăng quá đáng ngại.
Tâm lý thị trường lung lay vì biến chủng Delta
Tuy nhiên, một báo cáo từ Đại học Michigan đã khiến sự lạc quan phần nào giảm nhẹ, bởi chỉ số tâm lý người tiêu dùng sơ bộ giảm còn 70,2 điểm, thấp nhất một thập kỷ, cho thấy ảnh hưởng từ biến chủng Delta trong đại dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ phản ứng đi xuống sau thông tin niềm tin người tiêu dùng sụt giảm. Cụ thể, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm giảm 6,9 điểm cơ bản, xuống còn 1,297%, mức thấp nhất trong một tuần qua.
Nhóm cổ phiếu tài chính cũng đồng loạt rớt điểm do đường cong lợi suất đi ngang trong bối cảnh xuất hiện ngày càng nhiều các lo ngại kinh tế. Cổ phiếu của các "ông lớn" trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng như Bank of America, Citigroup, và JPMorgan Chase lần lượt để mất 1,23%, 1,38%, và 1,12%.
Ross Mayfield, chiến lược gia đầu tư tại Baird, bang Kentucky bày tỏ rằng: “Điều đáng lo ngại là, người tiêu dùng đang có vị thế rất tốt nhưng biến chủng mới xuất hiện đã ảnh hưởng đến tâm lý của họ”.
Theo Before The Bell đưa tin, sự gia tăng các ca nhiễm COVID-19 cho đến nay đang làm tổn thương một số công ty trong lĩnh vực du lịch và giải trí, cũng như năng lượng. Giá dầu đã giảm xuống mức cao, do lo ngại rằng sự phục hồi sẽ bị chậm lại vì không có nhiều người mạo hiểm sau một năm dìm giá tương đối.
Mặc dù có sự lan rộng của biến thể Delta, nhưng mức trung bình của thị trường chứng khoán chính vẫn tiếp tục tăng cao hơn. Thu nhập và tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, kết hợp với các chính sách của Cục Dự trữ Liên bang đã và đang cung cấp sự hỗ trợ cần thiết.
Đến nay, vẫn còn phải xem sự lan rộng của chủng COVID-19 mới trở nên phổ biến như thế nào. Với tỷ lệ tiêm chủng tương đối cao ở Mỹ báo hiệu, những thiệt hại sẽ được kiềm chế trong thời gian tới. Trong khi đó, xét về khía cạnh kinh tế, mức tuyển dụng tăng cao tạo ra lý do để lạc quan về các điều kiện kinh doanh.
Có thể bạn quan tâm
06:00, 10/09/2020
11:33, 25/08/2020
04:19, 28/07/2019