Chuyên gia VPBankS nhận định, rủi ro lớn nhất với TTCK Việt Nam trong năm tới có thể là khả năng tạo đỉnh của chứng khoán Mỹ, nếu thị trường Mỹ đi vào giai đoạn điều chỉnh.
Theo đánh giá của ông Nguyễn Việt Đức, Giám đốc Kinh doanh số CTCK VPBankS, năm 2025 là một năm có nhiều điểm tích cực đối với thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam.
Trong ngắn hạn có hai yếu tố quan trọng tác động đến thị trường đó là: Thứ nhất, chính sách sẽ quyết định đầu tư của chúng ta đi lên hay đi xuống, bao gồm chính sách quốc tế liên quan đến nhiệm kỳ mới của tổng thống Mỹ Donald Trump, có thể ảnh hưởng đến kinh tế thế giới mà Việt Nam khó tránh khỏi.
Song song với đó là chính sách nội địa. Chính phủ Việt Nam đang tập trung vào đầu tư công, đẩy mạnh ngành năng lượng và phục vụ cho chuyển đổi số. Ngoài ra, tinh giản bộ máy nhân sự cũng là một chính sách được đánh giá cao.
Thứ hai, là xu hướng. Khi chính sách đã đi vào thực tế, cổ phiếu sẽ đi lên và thời gian đó có thể kéo dài trong vòng 3 - 6 tháng hoặc một năm. Vì vậy, chúng ta sẽ có nhiều quan điểm để định hướng cho việc đầu tư vào năm 2025 hơn.
Đối với dài hạn, nhà đầu tư nên tìm những công ty đầu ngành có ROE (lợi nhuận trên vốn) trên 15% như các cổ phiếu HPG, FPT,...
Về quan điểm đầu tư, vị đại diện VPBankS phân tích, đầu tiên là câu chuyện về thương mại. Chắc chắn Việt Nam sẽ phải cân nhắc việc áp thuế 10% từ ông Trump, điều này sẽ ảnh hưởng đến cơ cấu xuất nhập khẩu. Xuất khẩu có thể vẫn tăng nhưng không tăng quá mạnh, riêng nhập khẩu chắc chắn sẽ phải tăng.
Thực tế nhập khẩu ở Việt Nam chủ yếu là các mặt hàng có giá trị lớn, đặc biệt từ Mỹ có thể nhập khẩu những mặt hàng như máy bay, xăng dầu phục vụ cho ngành năng lượng. Vì vậy, VPBankS tập trung khá nhiều kỳ vọng vào ngành năng lượng, bao gồm các cổ phiếu trong lĩnh vực dầu khí. Đặc biệt là lĩnh vực bán lẻ dầu khí hay vận tải xăng dầu từ nước ngoài về sẽ cần phải nhìn vào chính sách nhiều hơn.
Như một số chuyên gia đã đặt ra giả thiết lạm phát hay tỷ giá tăng cao đều có tác động tích cực đến nhóm ngành này, cụ thể là giá dầu và giá gas chắc chắn tăng. Ngược lại, nếu lạm phát không quay lại, thì nhóm ngành này vẫn sẽ bảo toàn được giá trị nhờ vào các yếu tố khác. Với câu chuyện tỷ giá, như mặt hàng gas, giá bán ra sẽ neo theo tỷ giá đô la Mỹ giúp nhóm ngành này bảo vệ được mình trước biến động tỷ giá.
Như vậy, nhóm năng lượng trong những năm tới sẽ hưởng lợi từ chính sách và cũng là một lựa chọn an toàn, bảo toàn giá trị, nhất là khi có những tình huống bất lợi xảy ra.
Tiếp đó là nhóm ngành bất động sản, đang hồi phục rất rõ ở miền Bắc và có dấu hiệu phục hồi ở miền Nam. Sức mua bất động sản của người dân hiện tại khá tốt. Những công ty bất động sản sở hữu quỹ đất lớn, bao gồm cả bất động sản khu công nghiệp và bất động sản dân dụng sẽ được hưởng lợi.
Gần đây, một số công ty bất động sản thậm chí còn trả lại tiền đặt cọc cho khách hàng và tăng giá bán gấp đôi, đó là những khoản lợi nhuận tương đối lớn. Do đó, nhóm ngành này sẽ là lựa chọn phù hợp với những nhà đầu tư có chiến lược đầu tư ngắn hạn.
Riêng câu chuyện của ngành bán lẻ, mặc dù có phục hồi nhưng không phải quá mạnh mẽ ngay lập tức, vì người dân sẽ dần quay lại với việc mua sắm tiêu dùng, đặc biệt là mua sắm online.
“Nhóm ngành quan trọng nhất mà tôi muốn nhắc đến là ngân hàng. Đây là nhóm ngành quan trọng đối với TTCK khi chiếm khoảng 40-50% vốn hóa thị trường.
Ngành ngân hàng trong hai năm vừa qua vẫn đang đối mặt với rất nhiều rủi ro như nợ xấu, vốn hay vấn đề về tăng trưởng. Tuy nhiên hiện nay nợ xấu đã bắt đầu giảm dần. Tăng trưởng tín dụng của ngân hàng năm nay đã đạt đến 15%, cao hơn hẳn so với 1-2 năm trước và năm tới có lẽ cũng sẽ duy trì mức tăng trưởng đó.
Đáng chú ý, việc đầu tư công sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các ngân hàng bởi họ là những đơn vị cung cấp vốn cho các dự án này. Trong đó, chúng tôi đánh giá cao một số ngân hàng thuộc sở hữu Nhà nước như CTG hay VCB nhờ được hưởng lợi từ các dự án đầu tư công”, ông Đức cho hay.
Cũng theo vị chuyên gia, về tổng thể TTCK, năm 2024 và 2025 là những năm tăng trưởng mạnh mẽ, khi lợi nhuận doanh nghiệp sẽ tốt hơn, tăng trưởng khoảng 19-20% mỗi năm.
Chỉ số P/E của TTCK Việt Nam hiện tại rất thấp vào khoảng 11-12 lần, thấp hơn nhiều so với mức trung bình lịch sử. Trong khi đó, P/E của Mỹ hiện nay đang ở mức 25-27 lần, cao nhất trong lịch sử.
Trong năm vừa qua, tình hình đầu tư tại các thị trường khác cũng có những yếu tố tích cực, nhưng mọi người vẫn lo ngại về triển vọng kinh tế. Tuy nhiên, khi kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng mạnh, với mức tăng trưởng GDP khoảng 7% trong hai năm liên tiếp, thì tình hình đầu tư sẽ tốt hơn và dòng tiền sẽ quay trở lại TTCK.
“Về rủi ro, điều chúng tôi lo ngại là chứng khoán Mỹ, vì đây vẫn là thị trường dẫn dắt thế giới. Nếu thị trường Mỹ gặp vấn đề như việc tăng lãi suất hay suy giảm tăng trưởng, điều đó chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến các TTCK khác. Do đó, rủi ro lớn nhất với chứng khoán Việt Nam trong năm tới có thể là khả năng tạo đỉnh của chứng khoán Mỹ, nếu thị trường Mỹ đi vào giai đoạn điều chỉnh.
Còn về tỷ giá và CPI, mặc dù có ảnh hưởng nhất định, nhưng không phải là yếu tố quyết định lớn đến TTCK Việt Nam trong năm tới”, ông Nguyễn Việt Đức nhận định.