Dù thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam vẫn liên tục phá các mốc đỉnh cao, nhưng điều này tiềm ẩn rủi ro khó lường.
VN-Index đã tăng 16,8% kể từ đầu tháng 11 đến nay. Tuy vậy so với nhiều chỉ số khác trên thế giới thì mức tăng của TTCK Việt Nam chưa đáng kể.
Đà tăng của thị trường vẫn đang được dẫn dắt bởi nhóm ngân hàng và chứng khoán. Sự bứt phá mạnh của cổ phiếu ngân hàng, đặc biệt là TCB và VPB khi xuất hiện báo cáo định giá của J.P Morgan với kỳ vọng khá cao dành cho 2 cổ phiếu này. Tuy nhiên, sức mạnh này chưa đủ so sánh với nhóm chứng khoán với hàng loạt mã tăng kịch biên độ, như SSI, VCI...
Mặc dù thị trường tăng mạnh, trong khi kinh tế Việt Nam là điểm sáng hiếm hoi trên toàn cầu, nhưng khối ngoại vẫn liên tục bán ròng. Riêng tuần qua, khối ngoại bán ròng hơn 2,2 nghìn tỷ đồng trên HOSE, qua kênh khớp lệnh. Các mã bị bán mạnh gồm TMS (- 546,5 tỷ đồng), VNM (- 414 tỷ đồng), HPG (- 399 tỷ đồng), VRE (- 217,7 tỷ đồng),… Trong khi đó, khối tự doanh các công ty chứng khoán cũng bán ròng với hơn 588 tỷ đồng trên HOSE. Điểm ghi nhận nhất là khối ngoại mua ròng mạnh chứng chỉ quỹ Diamond ETF với giá trị hàng trăm tỷ đồng.
Có thể nói, khó dự báo xu hướng tăng TTCK thế giới nói chung và TTCK Việt Nam nói riêng sẽ đến đâu. Với cách nhìn như Quỹ Pynt thì họ còn kỳ vọng TTCK Việt Nam sẽ chinh phục mốc 1.800 điểm đến năm 2024. Nhưng với quan điểm cá nhân tôi, đây là giai đoạn tương đối rủi ro. Thứ nhất, việc NĐT xuống tiền không còn tuân theo giá trị nào, chỉ đơn giản là chạy theo dòng tiền. Thứ hai, các room tư vấn bắt đầu nở rộ và nhiều cổ phiếu chìm đắm bắt đầu tăng giá với thông tin đồn thổi. Thứ ba, bước tăng giá bắt đầu gia tốc mạnh và thường báo hiệu nhịp điều chỉnh phía trước. Bởi vậy, thị trường sắp có những phiên biến động mạnh phía trước nhưng rất có thể điều này sẽ xảy ra khi VN-Index lên vùng 1.100- 1.120 điểm.
Có thể bạn quan tâm