Chứng khoán tháng 12: Kỳ vọng tiếp tục khởi sắc

DIỄM NGỌC 08/12/2020 05:00

Thị trường chứng khoán tháng 12 được kỳ vọng sẽ khởi sắc với các nhóm ngành được quan tâm như sản xuất thực phẩm, ngân hàng, công nghiệp nặng, hoá chất và vận tải,...

Theo Công ty chứng khoán Yuanta, tình hình kinh tế vĩ mô tháng 11/2020 của Việt Nam chưa có nhiều tín hiệu tích cực. Cụ thể, tổng vốn FDI đăng ký 11 tháng của năm 2020 đạt 26,4 tỷ USD, giảm 16,9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, có 2.313 dự án được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 13,6 tỷ USD, giảm 33,5% về số dự án và giảm 7,6% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ; có 1.051 dự án từ các năm trước điều chỉnh tăng vốn thêm 6,3 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm trước.  

Tình hình vốn FDI trong tháng 11 vẫn thận trọng, lượng vốn đăng ký mới và vốn giải ngân vào Việt Nam ở mức tăng trưởng thấp

Trong khi đó, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu (XNK) tháng 11 đạt 49 tỷ USD, giảm 5% so với tháng trước và tăng 11% so với cùng kỳ năm 2019, bao gồm xuất khẩu đạt 24,8 tỷ USD, nhập khẩu đạt 24,2 tỷ USD.

Lũy kế 11 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch XNK đạt 489,1 tỷ USD, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu đạt 254,6 tỷ USD, tăng 5,3% và nhập khẩu đạt 234,5 tỷ USD, tăng 1,5%.

Đối với thị trường xuất khẩu, Hoa Kỳ hiện đang là thị trường xuất khẩu lớn nhất với kim ngạch đạt 69,9 tỷ USD trong 11 tháng của năm 2020, tăng 25,7% so với cùng kỳ năm trước. Tiếp đến là Trung Quốc và EU với kim ngạch xuất khẩu là 43,1 tỷ USD và 32,2 tỷ USD, lần lượt tăng trưởng 16% và giảm 2,4%.

Tại thị trường nhập khẩu, Trung Quốc đứng đầu với kim ngạch nhập khẩu ước đạt 73,9 tỷ USD, tăng 7,9%; tiếp đến là Hàn Quốc và khu vực ASEAN với kim ngạch vào khoảng 42 tỷ USD và 27,3 tỷ USD giảm lần lượt 2,9% và 6,9%...

Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích của Yuanta cũng chỉ ra những điểm sáng trong bức tranh kinh tế còn ảm đạm. Cụ thể, CPI tháng 11 giảm 0,01% so với tháng trước và tăng 1,48% so với cùng kỳ năm 2019. Nguyên nhân chủ yếu do ảnh hưởng của mưa bão, khiến giá điện nước sinh hoạt giảm, ngoài ra giá xăng dầu trong nước giảm theo giá nhiên liệu thế giới cũng là nguyên nhân khiến CPI tháng 11 ở mức thấp. Đặc biệt, nhóm ngành giao thông giảm mạnh nhất, lên tới 0,47%.

Yuanta cho rằng lạm phát vẫn có thể ở mức thấp trong cả năm 2020

Yuanta cho rằng lạm phát vẫn có thể ở mức thấp trong cả năm 2020

Bên cạnh đó, sản xuất công nghiệp hồi phục tốt. Kể từ sau khi hiệp định EVFTA có hiệu lực đã tạo thêm động lực tăng trưởng cho ngành sản xuất. Chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 11/2020 tăng 0,5% so với cùng kỳ tháng trước và tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, ngành chế biến chế tạo cho thấy sự hồi phục tốt nhất với mức tăng trưởng 11,9%; sản xuất phân phối điện và khai thác xử lý cung cấp nước tăng lần lượt 4% và 5,3%. Riêng ngành Khai khoáng vẫn giảm 6,2%, tuy nhiên đã có sự hồi phục so với tháng 10 vừa qua.  

Ngoài ra, ngành bán lẻ hàng hóa dịch vụ tiếp tục tăng trưởng với tổng mức bán lẻ cả nước trong tháng 11 tiếp tục xu hướng hồi phục, mức tăng trưởng 2,3% so với cùng kỳ tháng trước và 8,5% so với cùng kỳ năm 2019, đạt 464 nghìn tỷ đồng. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng 13,2% cho thấy nhu cầu mua sắm người dân đã tăng trở lại. Đây là tháng thứ 3 liên tiếp doanh thu bán lẻ hàng hóa và dịch vụ giữ mức tăng trưởng khá tốt. 

Ngành bán lẻ hàng hóa dịch vụ tiếp tục tăng trưởng với tổng mức bán lẻ cả nước trong tháng 11 tiếp tục xu hướng hồi phục

Ngành bán lẻ hàng hóa dịch vụ tiếp tục tăng trưởng với tổng mức bán lẻ cả nước trong tháng 11 tiếp tục xu hướng hồi phục

Nhìn chung, các chỉ số kinh tế vĩ mô tháng 11 không có nhiều thay đổi so với tháng 10. Diễn biến xuất nhập khẩu cũng như tình hình đầu tư FDI vẫn chưa có sự hồi phục mặc dù hiệp định EVFTA đã có hiệu 4 tháng. Điều này một lần nữa khẳng định câu chuyện vốn đầu tư nước ngoài cũng như hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa ở Việt Nam phụ thuộc nhiều vào diễn biến dịch bệnh các nước Mỹ, EU. 

Mặc dù động lực tăng trưởng từ các yếu tố nước ngoài đang chững lại, nhưng hoạt động sản xuất công nghiệp trong nước tiếp tục hồi phục, mức chi tiêu hàng hóa dịch vụ người dân duy trì tăng trưởng 3 tháng liên tiếp. Ngoài ra tỷ giá, lạm phát ổn định ở mức thấp cho thấy nền kinh tế Việt Nam vẫn đang trên đà hồi phục ổn định từ giai đoạn đỉnh điểm dịch bệnh trong quý 2/2020.

Với tình hình vĩ mô nói trên, thị trường chứng khoán Việt Nam được kỳ vọng vẫn sẽ tiếp tục khởi sắc trong tháng 12, với trợ lực lớn từ dòng vốn nội. 

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc nghiên cứu phân tích Yuanta cho biết, VN-Index vẫn đang trong xu hướng tăng trung hạn với mục tiêu đạt 1.035 điểm, thậm chí là 1.103 điểm trong tháng 12/2020. 

Theo Yuanta, khả năng chỉ số VN-Index có thể đạt mức cao nhất là 1,103 điểm trong tháng 12/2020

Theo Yuanta, VN-Index có thể đạt mức cao nhất là 1.103 điểm trong tháng 12/2020

Đồng thời, Yuanta cho rằng nhóm ngành đáng được quan tâm trong tháng 12/2020 sẽ bao gồm sản xuất thực phẩm (KDC, FMC, VOC); nhóm ngân hàng (CTG, MBB, STB); nhóm chứng khoán (VCI, VND, SHS, SSI, HCM); công nghiệp nặng (REE và VEA). Ngoài ra nhóm ngành nước và khí đốt (BWE, TDM); Hóa chất (DCM, GVR, DGC, PLC, DPM, CSV, LTG, PHR) và vận tải (TCL, HAH, DXP, PVT, GMD) cũng có nhiều khả năng hút mạnh dòng tiền trong tháng 12.

Có thể bạn quan tâm

  • Kịch bản chứng khoán tháng 12

    Kịch bản chứng khoán tháng 12

    13:43, 06/12/2020

  • Cổ phiếu nào “dậy sóng” trong tháng 12?

    Cổ phiếu nào “dậy sóng” trong tháng 12?

    11:00, 07/12/2020

  • Chứng khoán cuối năm 2020 sẽ ra sao?

    Chứng khoán cuối năm 2020 sẽ ra sao?

    05:10, 17/11/2020

  • Chứng khoán cuối năm 2020: Tránh sử dụng margin quá mức

    Chứng khoán cuối năm 2020: Tránh sử dụng margin quá mức

    11:30, 15/11/2020

  • Chứng khoán phái sinh: Canh mua trong các nhịp điều chỉnh

    Chứng khoán phái sinh: Canh mua trong các nhịp điều chỉnh

    10:48, 09/11/2020

  • Kịch bản nào cho chứng khoán Việt Nam cuối 2020?

    Kịch bản nào cho chứng khoán Việt Nam cuối 2020?

    11:03, 04/11/2020

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Chứng khoán tháng 12: Kỳ vọng tiếp tục khởi sắc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO