Thực trạng hàng giả, hàng nhái diễn biến ngày càng phức tạp, điều này đã và đang gây ra nhiều hệ lụy cho nền kinh tế, ảnh hưởng tới sức cạnh tranh của doanh nghiệp và quyền lợi của người tiêu dùng...
Theo đó, vấn nạn hàng giả, hàng nhái luôn là một vấn đề nhức nhối trong xã hội. Đặc biệt vào dịp cuối năm, nhu cầu tiêu dùng hàng đang hóa tăng cao. Đây cũng là thời điểm hàng giả, hàng nhái được đưa ra thị trường nhiều hơn. Mỹ phẩm, nước hoa, thực phẩm chức năng, phụ tùng linh kiện xe máy đến các mặt hàng tiêu dùng hàng ngày như gia vị, khăn giấy… đều có nguy cơ bị làm giả.
Cơ quan chức năng nhận định, các hành vi sản xuất, tiếp thị, mua bán hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam đang có xu hướng gia tăng, đa dạng về chủng loại và tinh vi về hình thức. Điều này đã và đang gây không ít khó khăn cho công tác thực thi, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, thiệt hại cho cả doanh nghiệp sản xuất và người tiêu dùng. Vậy đâu là giải pháp để đẩy lùi vấn nạn này?
Phóng viên Diễn đàn Doanh nghiệp đã có cuộc trò chuyện với bà Nguyễn Thị Thu Hoài – Phó viện trưởng Viện kỹ thuật chống hàng giả và Gian lận thương mại xung quanh nội dung này.
>>“Dẹp bỏ” hàng giả trên mạng: Phải “truy vết” hàng hóa, định danh người bán hàng
Thưa bà, vấn nạn hàng giả, hàng nhái từ nhiều năm nay vẫn luôn là vấn đề nhức nhối, thực trạng này đã và đang gây ra những hệ luỵ nghiêm trọng cho xã hội. Dưới góc nhìn chuyên gia, bà có thể chia sẻ thêm về điều này?
Có thể nói, vấn nạn hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ đang là một trong những vấn đề không chỉ đau đầu các cơ quan QLNN mà còn là vấn đề nhức nhối của toàn xã hội.
Nhìn chung, các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, trong thị trường nội địa hoạt động có tính tổ chức chặt chẽ, theo đường dây, trên địa bàn rộng, liên tuyến, liên tỉnh, xuyên quốc gia; phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, thường xuyên thay đổi, gây khó khăn trong việc phát hiện hành vi vi phạm; hoạt động trên các nền tảng ứng dụng thương mại điện tử, công ty chuyển phát nhanh, dịch vụ bưu chính ngày càng phát triển nên việc xác minh, truy tìm, đấu tranh, xử lý gặp nhiều khó khăn.
Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2023, các lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý 66.049 vụ việc vi phạm (tăng 22,10% so với cùng kỳ năm 2022), trong đó, phát hiện, xử lý 2.219 vụ mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu; 61.057 vụ gian lận thương mại, gian lận về thuế (bao gồm kinh doanh, tàng trữ trái phép hàng cấm, hàng nhập lậu; tăng 20,61% so với cùng kỳ); 2.773 vụ hàng giả, vi phạm sở hữu trí tuệ (tăng 174,01% so với cùng kỳ); thu nộp ngân sách nhà nước hơn 6.560 tỷ đồng (tăng 76,23% so với cùng kỳ); khởi tố hình sự 1.166 vụ, 1.610 đối tượng. Những con số đó đã gióng lên một hồi chuông báo động về tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ hiện nay.
Được biết những năm gần đây, cơ quan chức năng đã thực hiện rất quyết liệt nhiều giải pháp để ngăn chặn vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ. Tuy nhiên thực trạng này vẫn không thuyên giảm, thậm chí còn có dấu hiệu gia tăng. Thưa bà, bà có thể bình luận thêm về nội dung này?
Tình trạng vi phạm về hàng lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, vi phạm về an toàn thực phẩm (ATTP) ngày một phức tạp, tinh vi hơn. Tình trạng này diễn ra cả trực tiếp và trên môi trường mạng xã hội. Sau 02 năm chống chọi với đại dịch Covid-19, thói quen tiêu dùng của người dân thay đổi. Việc kinh doanh trong lĩnh vực thương mại điện tử, trên các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, TikTok, hoạt động trên nền tảng di động ngày một phổ biến, phức tạp và tinh vi.
Các đối tượng kinh doanh online lập nhiều tài khoản Facebook và chạy quảng cáo, ảnh chụp sản phẩm tương đối chuyên nghiệp và không có địa chỉ, số điện thoại hoặc địa chỉ chung chung, khi khách hàng hỏi thì chỉ nhận inbox (nhắn tin riêng). Thậm chí, một số đối tượng còn bỏ tiền thuê các cá nhân có sức ảnh hưởng, nổi tiếng để livestream (phát trực tiếp) bán hàng cho mình, từ đó có thể chốt hàng nghìn đơn mỗi ngày, với doanh thu hàng tỷ đồng.
Bên cạnh đó, tình trạng vận chuyển, kinh doanh hàng lậu, hàng giả, không rõ nguồn gốc,… thực hiện thông qua các dịch vụ bưu điện, chuyển phát nhanh, dịch vụ hàng không, sử dụng thương mại điện tử, ứng dụng thiết bị di động để quảng cáo, giao dịch hàng hóa nhằm tránh sự kiểm tra, phát hiện của các lực lượng chức năng nên việc xử lý còn gặp nhiều khó khăn.
Đặc biệt, xuất phát từ siêu lợi nhuận thu được từ việc sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái của các đối tượng; trong khi nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh chưa thực sự chú ý đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, quên đăng ký bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm. Nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh chưa phối hợp với các cơ quan chức năng, coi việc xử lý vi phạm là nhiệm vụ của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Bên cạnh đó, một số người mua lầm phải hàng giả do khó phân biệt được đâu là hàng thật, đâu là hàng giả và cũng không ít người tiêu dùng chấp nhận mua và sử dụng hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ nhưng vẫn chấp nhận mua và sử dụng do giá thành sản phẩm thấp. Điều này cũng gián tiếp tiếp tay cho nạn hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc.
>>Chặn hàng giả trên “chợ mạng”: Cần nêu cao trách nhiệm của các bên liên quan
Với thực trạng nêu trên, bà có kiến nghị, giải pháp gì để góp phần đẩy lùi vấn nạn hàng giả, hàng nhái?
Theo tôi, để giải quyết vấn nạn này, cần sự chung tay, vào cuộc quyết liệt của các cơ quan quản lý nhà nước, các cấp, các ngành trong phạm vi cả nước.
Với các cơ quan quản lý nhà nước cần thực hiện tốt Kế hoạch số 115/KH-BCĐ389 ngày 08/12/2023 của Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, về kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, có giải pháp phù hợp, thực hiện hiệu quả nhiệm vụ chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong lĩnh vực, địa bàn quản lý, phụ trách.
Bên cạnh đó, cần chú trọng công tác truyền thông trong chống hàng giả, gian lận thương mại, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại điện tử. Bởi trong thời gian gần đây, chủ yếu các hoạt động gian lận xuất phát từ sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử. Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cần được đẩy mạnh thông qua các phương tiện truyền thông, phối hợp với các cơ quan, tổ chức có chức năng chống hàng giả, gian lận thương mại ví dụ như Quỹ Chống hàng giả; Viện Kỹ thuật Chống hàng giả và Gian lận thương mại; các Hiệp hội về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, các cơ quan báo chí, truyền thông, … tổ chức các buổi tọa đàm, hội thảo kết nối giữa chuyên gia và doanh nghiệp, … , cùng trao đổi và chia sẻ các kinh nghiệm thực tế.
Đặc biệt, nhiệm vụ của các doanh nghiệp, các nhà sản xuất, khi rơi vào tình trạng bị làm giả, làm nhái, gian lận thương mại, doanh nghiệp cần chủ động thực hiện các biện pháp để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chính mình, chủ động báo với các cơ quan chức năng, không nên có tâm lý e ngại, lo sợ. Doanh nghiệp cũng cần thực hiện đăng ký quyền bảo vệ sở hữu trí tuệ, thực hiện các giải pháp như sử dụng tem chống hàng giả, mã vạch truy xuất nguồn gốc và các biện pháp khác để xác minh, định danh hàng hóa, ứng dụng công nghệ số vào công tác chống hàng giả, gian lận thương mại.
Trân trọng cảm ơn bà!
Có thể bạn quan tâm
Chống hàng gian, hàng giả - Bài cuối: Cần đồng bộ nhiều giải pháp
03:30, 09/12/2023
Chống hàng gian, hàng giả - Bài 5: Ai đang “tiếp tay”?
03:30, 07/12/2023
Chống hàng gian, hàng giả - Bài 4: Doanh nghiệp còn “thờ ơ”
03:20, 04/12/2023
Chống hàng gian, hàng giả - Bài 3: Khó xử lý, vì đâu?
03:10, 03/12/2023
Chống hàng gian, hàng giả - Bài 2: Vẫn đang “cắt ngọn”
03:30, 27/11/2023
Chống hàng gian, hàng giả - Bài 1: Nhức nhối từ “chợ” đến “mạng”
03:00, 26/11/2023