Khi câu chuyện về đô thị xanh còn chưa biết đến khi nào có hồi kết thì mỗi gia đình trong đô thị hãy tự làm xanh hóa ngôi nhà của mình và có ý thức chung để môi trường sống được trong lành hơn.
Nếu làm được như vậy, thì chúng ta đang góp phần vào xây dựng thành phố xanh của mình.
Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, xu hướng phát triển công trình xanh, kiến trúc xanh đã được Nhà nước và các hội nghề nghiệp cổ vũ, khuyến khích. Rất nhiều Kiến trúc sư (KTS) trẻ đã được tôn vinh trên diễn đàn kiến trúc thế giới bằng các tác phẩm kiến trúc xanh, mà tiêu biểu là KTS Võ Trọng Nghĩa. Trong lĩnh vực bất động sản, nhiều nhà đầu tư lớn cũng đã và đang thành công với những sản phẩm chung cư, khu đô thị mới đáp ứng một phần các tiêu chí của công trình xanh. Đây là điều rất đáng mừng và đáng khích lệ.
Thế nhưng đến nay, các tiêu chí đánh giá công trình xanh hay kiến trúc xanh không phải là bắt buộc (như quy chuẩn, quy định của Nhà nước), mà đó chỉ là khuyến cáo. Dù khái niệm “Công trình xanh” hay “Kiến trúc xanh” đã trở nên quen thuộc trong hoạt động xây dựng - kiến trúc nhưng với xã hội, khái niệm trên nghe có vẻ cao siêu, xa vời.
Mặc dù vậy, ở vùng nông thôn, người dân từ bao đời nay vẫn “hồn nhiên” tự xây chỗ ở của mình rất “Xanh” theo kinh nghiệm truyền thống. Từ thủa sơ khai, người Việt đã biết dựng nhà bằng những vật liệu sẵn có từ ngoài ruộng cho đến vườn nhà, điển hình như vùng nông thôn đồng bằng Bắc Bộ.
Nhà ở của nông dân được dựng lên trong một khuôn viên có vườn cây, ao cá. Nhà làm ba gian hai chái, vách đất, mái lợp rạ, hay lá gồi, đặt theo hướng Nam để đón gió mát về mùa hè, tránh gió lạnh vào mùa đông. Trước nhà có sân rộng để phơi thóc, sinh hoạt gia đình, tiếp đến là hàng cau cao vút, thân thẳng tắp với hương hoa cau dìu dịu và vườn cây, ao thả cá (nếu có).
Phía sau nhà thường được trồng chuối vừa cho quả ăn vừa có tác dụng che nắng gắt về mùa hè, ngăn gió lạnh về mùa đông. Bao bọc chung quanh nhà là bờ rào bằng cây xanh, như hàng dâm bụt nở hoa đỏ rực, hay kín dậu mồng tơi.
Đặc biệt, nhiều làng ở vùng bán sơn địa Sơn Tây đã sử dụng đá ong để xây dựng nhà cửa, tường rào, cổng nhà, cổng làng, các công trình tôn giáo tín ngưỡng như chùa miếu… tạo nên một quần thể kiến trúc nông thôn rất đặc sắc, thân thiện với thiên nhiên.
Ngày nay, trước cơn lốc đô thị hóa, hiện đại hóa và đòi hỏi của tăng trưởng kinh tế, cấu trúc làng truyền thống đã và đang bị phá vỡ để thay vào đó là một cấu trúc mới “Phố trong làng” và được sắp đặt theo quy hoạch mới với những kiến trúc phi nông thôn xa lạ (?!). Đây là điều rất đáng tiếc!
Các đô thị của chúng ta cũng đang đối mặt với những bất cập trong quá trình phát triển. Trong khi chính quyền đô thị đang cố gắng với rất nhiều chủ trương, giải pháp và quyết tâm chính trị để sớm đưa đô thị trở thành đô thị xanh, đô thị thông minh, đô thị 4.0, thì kịch bản cho đô thị xanh vẫn còn nhiều bất cập.
Một đường phố thưa thớt bóng cây, lúc nào cũng tắc nghẽn giao thông, đầy bụi, khí thải và tiếng ồn bởi tiếng động cơ, tiếng còi xe rú rít. Trong khi những ngôi nhà phố với mặt tiền bưng kín bởi biển quảng cáo xanh đỏ, hay ban công, lô gia được bảo vệ bởi “những chuồng cọp”.
Còn các tòa nhà chung cư cao ba bốn chục tầng bằng bê tông và kính đứng san sát nhau trên dọc các trục đại lộ gây ra hiệu ứng bê tông, hiệu ứng nhà kính, ngày ngày thải vô vàn khí CO2 vào bầu trời. Các dòng sông trong thành phố đã và đang chết, trở thành những cống hở chứa nước thải và rác thải, cùng các hồ nước đang bị ô nhiễm nặng nề đe dọa sự tồn vong của các loài thủy sinh…
Thành phố không thể “xanh”, khi mà người dân vẫn vô tư xả rác xuống đường, nơi công cộng. Khi văn hóa ứng xử, văn hóa giao thông không được coi trọng, thì việc xén vỉa hè, dải phân cách, chặt cây xanh để mở rộng đường để giảm ùn tắc chỉ là biện pháp tức thời.
Có rất nhiều, rất nhiều vấn đề phải giải quyết để xây dựng một thành phố xanh. Dẫu biết rằng, khái niệm “xanh” không phải chỉ nói về cây xanh, mà theo như Osman Attmann, “Xanh là khái niệm biểu tượng, bao gồm các thuật ngữ bền vững, sinh thái và hiệu quả”, hay như Ken Yeang thì “Kiến trúc xanh hoặc kiến trúc bền vững đơn thuần chỉ là những thuật ngữ khác nhau về vấn đề thiết kế với thiên nhiên, thiết kế với môi trường”. Nhưng cây xanh, mặt nước, không gian xanh, không gian công cộng bao giờ cũng là những yếu tố để tạo ra một đô thị xanh.
Khi chưa có quy chuẩn “xanh”, thì mỗi chúng ta cần làm xanh hóa ngôi nhà của mình, có ý thức chung tay xây dựng cộng đồng để cùng nhau tạo nên thành phố xanh.
Có thể bạn quan tâm
Thành phố Tam Kỳ hướng đến xây dựng đô thị xanh
21:59, 21/06/2021
Quy hoạch phân khu đô thị nội đô lịch sử, bước khởi đầu của "kỳ tích đô thị xanh"
05:26, 23/03/2021
Hướng đến các đô thị xanh bền vững
06:09, 27/05/2020
Phát triển đô thị xanh tại Việt Nam: Doanh nghiệp lầm lũi vì quá khó khăn
22:16, 09/11/2018