Cơn bão số 3 đi qua kèm hoàn lưu sau bão đã và đang để lại hậu quả tàn phá hết sức nặng nề, thương tâm.
Nhiều doanh nghiệp cũng vừa xoay xở phòng chống lũ lụt, vừa chung tay khắc phục bão lũ cùng cộng đồng và lên phương án kinh doanh vượt khó.
Nhóm doanh nghiệp bảo hiểm được cho là gặp khó khăn đầu tiên khi ở một số địa phương, thiệt hại phương tiện xe, tài sản cần được bảo hiểm đền bù, sửa chữa chưa thể tính hết trên diện rộng. Đến ngày 10/9, 6 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ đã ước tính số tiền chi trả bồi thường thiệt hại và hỗ trợ ban đầu do bão số 3, lũ lụt ở miền Bắc gây ra là là khoảng hơn 9,72 tỷ đồng. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp khác đã rà soát nhưng chưa có khách hàng nào thông báo thiệt hại.
Trong khi đó, ngày 9/9, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cũng đã ban hành văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố tại 36 địa phương có chịu ảnh hưởng của bão số 3 chủ động rà soát, tổng hợp thiệt hại của khách hàng đang vay vốn để kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng như: cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, tiếp tục cho vay mới khôi phục sản xuất kinh doanh sau bão theo các quy định hiện hành; thực hiện xử lý nợ đối với khách hàng bị thiệt hại về vốn vay theo quy định. Theo chỉ thị, các ngân hàng phải triển khai đánh giá thiệt hại vốn vay của khách hàng và kết quả bước đầu triển khai thực hiện các giải pháp hỗ trợ của ngành ngân hàng trên địa bàn, báo cáo NHNN trước ngày 20/9/2024.
“Chỉ thị của ngành ngân hàng hết sức kịp thời và kỳ vọng sẽ có ý nghĩa thực tế đáng kể trong nỗ lực chung tay hỗ trợ, khắc phục, bù đắp phần nào những thiệt hại nghiêm trọng đến người và tài sản, ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất của nhân dân do thiên tai gây ra. Tuy nhiên, nên chăng ngành cần sớm có phương án nghiên cứu xây dựng dự thảo Thông tư chi tiết căn cứ trên báo cáo kết quả đánh giá thiệt hại của các TCTD để có thể đưa ra các quy định cụ thể về cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, tiếp tục cho vay mới… với thời gian bao lâu, ưu đãi ra sao, tương tự như Thông tư 02 hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt Covid-19”, ông Nguyễn Lê Ngọc Hoàn, chuyên gia Tài chính phân tích.
Ở góc độ sản xuất, nhiều doanh nghiệp hàng đầu cũng như các doanh nghiệp vừa và nhỏ đều đang chung tay nỗ lực khắc phục thiệt hại bão lũ và hỗ trợ đồng bào, các địa phương. Bên cạnh các hoạt động thiện nguyện, trao đi tổng giá trị gần 8 tỷ đồng với các sản phẩm thực chống tiếp sức, cứu trợ người dân vượt lũ, đại diện Masan cho biết doanh nghiệp cũng có thị hệ thống siêu thị WinMart/WinMart+/WiN tại các khu vực bị ảnh hưởng bởi bão lũ cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn về thiệt hại cơ sở vật chất và hàng hóa.
Chịu khó khăn, chưa thể đánh giá đủ thiệt hại, thách thức còn ở phía trước, tuy vậy việc đề cao tinh thân thần tương ái, một gói khi đói bằng một gói khi no, luôn đồng hành cùng người dân, các địa phương đang trở thành ưu tiên lớn của các doanh nghiệp. “Chúng tôi tin rằng còn tình yêu thương, có nghĩa đồng bào, chúng ta sẽ còn thị trường, có sức mạnh lớn cùng người dân mình vực lại. Sau cơn mưa nào, trời cũng sẽ sáng…”, đại diện Masan cho biết.