Xã hội

Thương lắm, đồng bào tôi…

Phạm Tuấn 11/09/2024 04:33

Mưa to, gió lớn phá đổ nhà cửa, cây cối, công trình, gây ngập lụt đồng ruộng, hoa màu. Bão lũ cuốn trôi nhà cửa, của cải, trâu bò, lợn gà... Đau đớn hơn, lũ cuốn trôi cả con người.

Bão số 3, cơn bão Yagi, sau khi gây trận cuồng phong càn quét Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hà Nội..., hoàn lưu của nó gây mưa lớn diện rộng trên khắp vùng Tây Bắc.

Ảnh màn hình 2024-09-10 lúc 17.38.22
Mưa lớn gây ngập lụt nặng ở huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng. (Ảnh: TTXVN phát)

Sau bão là lũ. Ở đồng bằng, mưa to gió lớn phá đổ nhà cửa, cây cối, công trình, gây ngập lụt đồng ruộng, hoa màu. Ở vùng núi cao, bão lũ khủng khiếp hơn, nó gây lũ ống, lũ quét... cuốn trôi nhà cửa, của cải, trâu bò, lợn gà... đổ ngập bùn nhão, đất đá lên ruộng bậc thang và nương ngô, khoai, sắn, hoa màu.

Đau đớn hơn, lũ cuốn trôi cả con người…

Thương lắm, đồng bào tôi. Vùng đồng bằng đang phải thu dọn đống hoang tàn, đổ nát trong cảnh mất điện, mất nước, gạo có mà không nấu nổi nồi cơm, điện thoại có mà không liên lạc được vì sóng và mạng bị chập chờn.

Đọc những dòng tin về số 181 người chết và mất tính do bão, lũ, xem đoạn phim sập cầu Phong Châu - Phú Thọ mà đau thắt lòng. Họ là đồng bào tôi, là người dân nước Việt, máu đỏ da vàng, cùng tổ tiên con Lạc cháu Hồng, cùng chung giọng nói, tiếng cười và cùng chung dân tộc. Hãy đặt mình vào hoàn cảnh của người thân họ để thấu hiểu nỗi đau khi nhịp cầu rơi, kéo người và xe chìm vào làn nước đỏ ngầu hung hãn, có khác gì lưỡi cày nung đỏ cày vào luống tim gan trong cơ thể con người.

Ảnh màn hình 2024-09-10 lúc 17.39.01
Cầu Phong Châu (Phú Thọ) bị sập sáng 9/9. (Ảnh: Tạ Toàn/TTXVN)

Tiếng thét gọi nhau, sự hốt hoảng đọng trên ánh mắt người ở trên bờ, lời hô ứng cứu như kéo người ta bừng tỉnh, tìm đủ mọi cách để cứu người. Có kỳ tích xảy ra, có người được cứu, nhưng còn đó những người mất tích, dòng nước đục ngầu như máu đỏ cuồng nộ kia sẽ cuốn số phận của họ đi đâu.

Thế mới biết “sinh hữu hạn, tử bất kỳ”. Trước thiên tai, phận người trở nên mong manh, nhỏ bé. Không ở đâu, không có nơi nào là an toàn tuyệt đối trước thiên nhiên, và cái chết thì ai cũng bình đẳng như nhau. Hãy cũng nghĩ vậy để sống tốt hơn, đối xử với nhau tốt hơn, chứng đừng chỉ chăm chăm dựng lên màn tối với bao âm mưu tàn hại lẫn nhau vì lợi, vì danh…

Tôi đã từng lặng lẽ rời khỏi vài mối quan hệ khi đến chơi biệt phủ toàn gỗ quý làm nhà. Tôi không hiểu tài năng nào giúp họ giàu đến vậy, nhưng tôi biết chính những ngôi nhà này là thủ phạm tàn phá rừng già, cướp đất sống của muôn loài chim thú, gây mất cân bằng sinh thái.

Chủ nhân của ngôi nhà đó khó mà không ích kỷ, hẹp hòi, chỉ chăm chăm thỏa mãn thú vui ve vuốt sự hãnh diện của bản thân. Khách mời như tôi cũng chỉ là vật trang trí có thời hạn sử dụng. Nếu giá trị bản thân không còn như hiện tại, liệu cánh cửa gỗ nặng nề kia có còn mở rộng chào đón hay không?

Ảnh màn hình 2024-09-10 lúc 17.39.46
Ngập úng tại xã Thượng Ấm, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. (Ảnh: TTXVN)

Trước đau thương mất mát của đồng bào, làm được gì thì hãy làm để lòng mình nhẹ nhõm. Không làm gì thì cũng đừng buông lời cay đắng, xót xa. Đừng trách cứ chính quyền hay than phiền về cây đổ, kiến thức nông cạn, nhận thức ấu trĩ dẫn đến tâm địa hẹp hòi... lan truyền cả năng lượng xấu sang cho người khác.

Nếu không có sự vào cuộc của bộ đội, công an, biên phòng... thì giữa bão gió, có khi kèm cướp giật lúc nước lũ dâng cao, cũng chẳng ai vào. Giữa thời bình mà hai sĩ quan bộ đội, công an hy sinh khi làm nhiệm vụ. Nếu ai cũng ở nhà chăn ấm đệm êm, thì ai di dân khỏi vùng nguy hiểm, ai ứng trực các công trình trọng điểm quốc gia? Cảnh sát giao thông cũng dọn lá, cưa cành cho đường thông trở lại giữa mưa gió bão bùng, mà nhân viên điện lực vẫn lao mình đi sửa chữa đường dây. Vậy mà vẫn có kẻ buông lời chê trách, so sánh với nước nọ nước kia về hạ tầng cơ sở.

Ảnh màn hình 2024-09-10 lúc 17.40.35
Nhiều cây xanh bật gốc trong cơn bão số 3. (Ảnh: Phương Anh/TTXVN)

Bão lớn thì cây sẽ đổ, cách trồng cây đâu cần đến những lời than. Người trồng cây trong đô thị đâu có lười đến mức không cắt cái bọc bầu đất của cây khi chỉ cần một nhát rạch hay một cái kéo mạnh tay. Họ trồng và muốn cây sống hơn ai hết, đơn giản bởi lẽ chỉ khi cây sống, họ mới được nhận tiền.

Chính đội trưởng đội chăm sóc khuôn viên và cây xanh giải thích cho tôi: Cây muốn chắc rễ phải được trồng từ bé, tán cây rộng bao nhiêu thì phía dưới rễ cũng phải lan tỏa rộng bằng. Với những cây ươm và trồng khi thân đã to trong khu đô thị, địa chất nơi đây không đủ dưỡng chất để nuôi cây ngay lập tức thì bọc bầu đất sẽ là phần để giữ chất nuôi cây. Nếu không có bầu đất này, với cốt đất có cả vôi, thầu gạch vỡ, cây sẽ chết rất nhanh. Sau thời gian, rễ cây sẽ mọc xuyên qua bọc và lan vào lòng đất, hút dinh dưỡng cho cây sinh trưởng. Rễ cây có thể ăn xuyên lên tường, bám vào bê tông, nên cái bọc không thể ngăn được rễ cây đâm chồi. Hãy xem những cây cảnh trồng trong chum vại, rễ cây đâm ra có thể làm vỡ cả chum.

Vậy hãy thôi những lời chê trách. Hãy im lặng mà chia sẻ nỗi đau của đồng bào, nếu như không thể làm gì hơn thế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Thương lắm, đồng bào tôi…
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO