Dược phẩm dường như chưa "nguội" hút vốn đầu tư, đặc biệt vốn ngoại trong thời gian gần đây. Các chuỗi cửa hàng bán lẻ dược phẩm... theo đó cũng là vùng trũng đón vốn từ các "tay to".
Từ chuyện Pharmacity đón vốn quỹ
Theo công bố mới từ Công ty TNHH Tư vấn đầu tư Mekong Capital, Quỹ Mekong Enterprise Fund III vừa chính thức có quyết định hỗ trợ tài chính cho Công ty cổ phần Dược Phẩm Pharmacity. Đây là công ty thứ tám được Quỹ MEF III hỗ trợ.
Pharmacity trên thị trường là một trong những chuỗi bán lẻ dược phẩm lớn nhất nhì thị trường với hệ thống 186 cửa hàng tại thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Bình Dương, Vũng Tàu và Hà Nội. Pharmacity cũng thông tin rằng đã có hơn một triệu khách hàng đã đăng ký chương trình thẻ thành viên, cho thấy dữ liệu khách hàng của doanh nghiệp này là một tài sản lớn.
Theo kế hoạch, Pharmacity sẽ mở rộng mạng lưới của mình lên hơn 1.000 cửa hàng trên toàn quốc vào năm 2021. Ông Chris Blank, Tổng giám đốc của Pharmacity, nhận định: “Sự hợp tác với Mekong Capital sẽ giúp sức cho chúng tôi tiếp tục cải thiện sức khỏe của người dân Việt Nam, cũng như giúp Pharmacity phát triển nhanh hơn và định hướng tốt hơn trong việc thực hiện tầm nhìn và sứ mệnh của mình”.
Còn ông Chad Ovel, Tổng giám đốc của Mekong Capital, cho biết: “Chúng tôi rất hào hứng khi làm việc cùng Pharmacity. Họ là nhà bán lẻ dược phẩm đầu tiên tại Việt Nam cho thấy tất cả mọi quy định và nguyên tắc trong ngành này có thể được tuân thủ mà chuỗi vẫn đạt được lợi nhuận ở từng cửa hàng đều đặn. Đây là một đột phá dành cho người tiêu dùng Việt Nam vì Pharmacity áp dụng hệ thống truy xuất nguồn gốc rất minh bạch để mang lại lợi ích lớn nhất cho khách hàng".
Có thể bạn quan tâm
13:52, 04/05/2019
11:01, 28/04/2019
10:16, 04/03/2019
03:25, 24/02/2019
00:11, 19/07/2018
02:40, 14/06/2018
05:02, 09/04/2018
05:09, 08/04/2018
Đại diện của Cty quản lý quỹ với định hướng đầu tư tư nhân chuyên nghiệp ở Việt Nam cũng bày tỏ kỳ vọng với kinh nghiệm đầu tư của Quỹ sẽ giúp Pharmacity tiếp tục cải thiện hoạt động và mở rộng hệ thống cửa hàng trên cả nước một cách thành công.
Được biết, MEF III là quỹ đầu tư vốn cổ phần chưa niêm yết ra mắt vào 2015, gần đây đã có 112,5 triệu USD vốn cam kết. Quỹ MEF III đã công bố 7 khoản đầu tư thành công, bao gồm Công ty cổ phần Ẩm Thực Chảo Đỏ (trước đây là Wrap & Roll), công ty cung cấp chuỗi cung ứng lạnh ABA Cooltrans, chuỗi cầm đồ F88, CTCP Vàng bạc đá quý Bến Thành, Công ty Nhất Tín Logistics, tổ chức giáo dục Yola và mới đây là Vua Nệm.
Đến cuộc đua vào chuỗi bán lẻ dược phẩm
Khá thú vị là một doanh nghiệp lớn vốn có liên quan đến Mekong Capital, CTCP Đầu tư Thế giới Di động (HoSE:MWG, TGDĐ) - đơn vị đã từng được sự hậu thuẫn đầu tư nhiều năm của Quỹ này để lớn mạnh, trở thành ông lớn dẫn đầu ngành bén lẻ điện tử, điện máy như hiện nay, cũng đã có những bước đi hướng đến đầu tư bán lẻ dược phẩm.
Năm 2017, Công ty này đã đầu tư mua lại chuỗi dược phẩm Phúc An Khang và mở cửa hàng với chuỗi tên mới An Khang, đưa lĩnh vực dược phẩm vào hệ sinh thái bán lẻ của mình.
Ở thời điểm đó, ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT của Thế giới di động cho biết doanh nghiệp này đang thử nghiệm chuỗi cửa hàng bán dược phẩm. Hướng của doanh nghiệp đi vào ngành này là mua bán sáp nhập. Thay vì mất 2-3 năm hiểu về mô hình thì công ty sẽ tìm kiếm đơn vị chuyên về mảng sản phẩm đó, để tiến hành M&A, đặc biệt ưu tiên những đơn vị có 10-15 cửa hàng.
Thế giới Di động cũng dự kiến dành khoảng 500 tỷ đồng để mua 20-40% cổ phần của các chuỗi bán lẻ dược phẩm sẵn có, sau đó sẽ nâng tỷ lệ sở hữu lên 60%. Đến thời điểm chín muồi sẽ biến chuỗi 10-15 cửa hàng lên 500 cửa hàng.
Cũng tại thời điểm đó thì Pharmacity mới chỉ có 39 cửa hàng tại TP.HCM, chiếm vị trí thứ 2 về chuỗi bán lẻ dược trên thị trường. Đứng thứ nhất là Phano Pharmacy có 49 cửa hàng. Sự mở rộng hệ thống mạng lưới của chính Pharmacity như đã nói ở trên cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ của các chuỗi bán lẻ để đua chiếm thị phần và cùng với đó, là nhu cầu vốn để ngày càng mở rộng hơn.
Không chỉ Thế giới Di động, mà hàng loạt ông lớn trên thị trường cũng đặc biệt quan tâm đầu tư chuỗi bán lẻ dược phẩm. FPT Retails trong kế hoạch tiếp cận kênh bệnh viện và phòng mạch, vẫn đặt kỳ vọng vào kênh nhà thuốc với đánh giá vẫn còn dư địa phát triển lớn. Do đó, doanh nghiệp này đã có quyết định đầu tư vào hệ thống nhà thuốc Long Châu, thậm chí kỳ vọng mảng này sẽ mang đến khoảng 40% doanh thu hàng năm cho doanh nghiệp.
Với quy mô ngành dược theo thống kê ước trị giá khoảng 5 tỷ USD/năm, tương đương ngành điện thoại (5,8 tỷ USD) và cao hơn điện máy (3,7 tỷ USD). Trong khi đó, khoản chi cho dược phẩm ở Việt Nam còn khá thấp, nhưng ở Thái Lan đã lên 46 USD/năm, Singapore 142 USD/năm, Malaysia 66 USD/năm. Ngoài ra, tăng trưởng ngành 13%/năm và không phụ thuộc vào tình hình kinh tế và nhu cầu chi tiêu, dược phẩm, y tế, cùng giáo dục là 3 nhu cầu thiết yếu, người dân luôn sẵn sàng chi ra mức cao, khiến kỳ vọng tăng trưởng ngành còn duy trì dài hạn và tích cực hơn hẳn các ngành tiêu dùng điện thoại và điện máy. Đó là các yếu tố được cho đã thúc đẩy những ông lớn như Thế giới Di động, FPT Retails... tham gia ngành dược. Hay Digital World đầu tư buôn bán phân khúc ngách trong kênh bán lẻ thuốc là thực phẩm chức năng...
Danh sách các ông lớn đua đầu tư vào bán lẻ dược phẩm còn có Vingroup, Phúc Khang... và ngoài Mekong Capital, ngay VinaCapital cũng là tổ chức quản lý quỹ ngoại tại Việt Nam tham gia đầu tư sâu ngành Dược-Y tế, SAM đầu tư vào nhà thuốc Mỹ Châu...
Với nguồn lực và mục tiêu cạnh tranh chủ yếu đến từ các "tay to", thị trường đầu tư chuỗi bán lẻ dược phẩm theo đó, hứa hẹn sẽ còn có tiếp tục đón vốn nóng.