Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp cùng các đơn vị nghệ thuật tổ chức chuỗi chương trình biểu diễn nghệ thuật đặc sắc, tôn vinh lịch sử và lòng tự hào dân tộc.
Chào mừng Kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp cùng các đơn vị nghệ thuật trực thuộc tổ chức chuỗi chương trình biểu diễn nghệ thuật đặc biệt trên cả nước, mang đậm dấu ấn lịch sử, nghệ thuật và lòng tự hào dân tộc.
Đây không chỉ là hoạt động văn hóa giàu ý nghĩa tri ân lịch sử mà còn là nhịp cầu kết nối truyền thống với hiện đại, khơi dậy niềm tự hào dân tộc trong lòng công chúng hôm nay.
Thực hiện chỉ đạo của Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, chuỗi chương trình nghệ thuật lần này có quy mô lớn, đa dạng thể loại, được đầu tư bài bản cả về nội dung và hình thức, trải dài từ Bắc tới Nam, quy tụ những tên tuổi lớn trong làng nghệ thuật Việt.
Nhà hát Kịch Việt Nam giới thiệu chương trình nghệ thuật đặc biệt mang tên “Tháng năm cùng người”, tái hiện hình ảnh người lính và ký ức chiến tranh qua những tác phẩm sân khấu sâu lắng, nhiều cảm xúc.
Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam sẽ tổ chức chương trình hòa nhạc đặc biệt vào tối 21/4/2025 tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Dưới sự chỉ huy của nhạc trưởng người Nhật Bản Honna Tetsuji, đêm nhạc là sự kết hợp giữa tinh thần dân tộc và tinh hoa âm nhạc thế giới. Đặc biệt, chương trình có sự góp mặt của nghệ sĩ piano quốc tế Nguyễn Việt Trung, tài năng trẻ đang nhận được sự quan tâm của giới chuyên môn và công chúng yêu nhạc cổ điển.
Chương trình sẽ trình diễn những tác phẩm tiêu biểu như “Người về đem tới ngày vui” (Trọng Bằng) – giai điệu đậm chất Việt vang lên như khúc khải hoàn của ngày thống nhất, bên cạnh các tác phẩm nổi tiếng của Chopin, Schumann và Wagner – những gương mặt lớn của âm nhạc cổ điển thế giới.
Hòa chung không khí kỷ niệm ngày lễ lớn của đất nước, Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam sẽ tổ chức hòa nhạc giao hưởng dân tộc – thính phòng đặc biệt mang tên “Bài ca chiến thắng”, diễn ra vào ngày 25/4/2025 tại Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ, Hà Nội.
Với sự chỉ huy của nhạc trưởng Lê Phi Phi – một trong những gương mặt nổi bật trong lĩnh vực âm nhạc giao hưởng hiện nay, cùng phần chỉ đạo nghệ thuật của NSƯT Nguyễn Hải Linh, chương trình hứa hẹn sẽ là một bản hùng ca đầy cảm xúc, kết hợp hài hòa giữa chất liệu dân tộc và ngôn ngữ âm nhạc thính phòng hiện đại.
Chương trình quy tụ những giọng ca hàng đầu như NSƯT Tố Nga, Hà Lê, Đào Tố Loan, Trường Bắc... Những nghệ sĩ tên tuổi này sẽ cùng nhau thắp sáng sân khấu bằng những giai điệu khơi dậy lòng tự hào dân tộc, tinh thần chiến thắng và khát vọng hòa bình.
Trong chuỗi chương trình nghệ thuật này, không thể không nhắc đến chương trình “Non sông ngày thống nhất” của Liên đoàn Xiếc Việt Nam diễn ra ngày 25/4 tại Rạp Xiếc Trung ương . Chương trình là sự kết hợp độc đáo giữa xiếc hiện đại và hình tượng người lính, chiến sĩ biên cương trong bối cảnh đại thắng mùa Xuân. Với tổng đạo diễn NSND Tống Toàn Thắng, chương trình không chỉ là nghệ thuật trình diễn mà còn là bản anh hùng ca bằng hình thể.
Đặc biệt, Nhà hát Ca Múa Nhạc dân gian Việt Bắc mang đến chương trình nghệ thuật đặc sắc “Việt Nam vang khúc khải hoàn” sẽ diễn ra vào đúng ngày 30/4 tại thành phố Huế – mảnh đất cố đô thiêng liêng, giàu truyền thống cách mạng. Chương trình là lời tri ân hào sảng gửi đến các thế hệ cha anh, đồng thời là bản hùng ca nghệ thuật khơi dậy niềm tự hào dân tộc giữa lòng di sản.
Cùng với đó, vở nhạc kịch “Đi về phía mặt trời” - một sáng tạo kết hợp giữa âm nhạc dân gian và hơi thở đương đại - sẽ được lưu diễn tại các tỉnh Thái Nguyên, Lạng Sơn, Cao Bằng trong tháng 4 và 5/2025. Với thông điệp hướng đến tương lai bằng ký ức bất diệt, vở diễn như ngọn lửa lan tỏa tinh thần yêu nước, hun đúc khát vọng vươn lên từ chính những vùng đất từng là căn cứ địa cách mạng.
Tại Thủ đô Hà Nội, Nhà hát Tuổi Trẻ Việt Nam cũng góp thêm một dấu ấn sâu sắc trong dòng chảy tưởng niệm bằng nhạc kịch “Lửa từ đất”, công diễn vào ngày 15 và 16/3/2025 tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô. Dưới sự dàn dựng của Nghệ sĩ ưu tú Cao Ngọc Ánh, vở diễn khắc họa sinh động hành trình thành lập Đảng bộ Hà Nội và sự dấn thân của những người con đất Thăng Long trong kháng chiến. Tác phẩm là sự kết tinh giữa sử thi và cảm xúc, đưa người xem trở về với thời khắc hào hùng của lịch sử, đồng thời truyền tải niềm tin vào sức mạnh đoàn kết, ý chí kiên cường của thế hệ hôm nay.
Từ tháng 3 đến tháng 5/2025, Nhà hát Chèo Việt Nam sẽ tổ chức chuỗi biểu diễn các tác phẩm kinh điển như “Quan Âm Thị Kính”, “Dây Tràng Hạt Diệu Kỳ”, “Bắc Lệ đền thiêng” tại Rạp Kim Mã (Hà Nội) và nhiều địa phương trên cả nước. Đây là những vở chèo đặc sắc đã đi vào lòng khán giả qua nhiều thế hệ, mang đậm tinh thần nhân văn, đạo lý phương Đông và hơi thở thuần Việt. Hoạt động biểu diễn lần này là cầu nối đưa chèo đến gần hơn với công chúng đương đại, đặc biệt là lớp trẻ.
Song hành cùng sân khấu chèo, Nhà hát Múa rối Việt Nam cũng góp thêm sắc màu rực rỡ cho bức tranh văn hóa dịp lễ bằng hai chương trình đặc sắc: “Khúc đồng dao” sẽ được công diễn vào ngày 26/4 và 3/5 tại Hà Nội, trong khi “Âm vang đồng quê” sẽ mang hồn quê Việt đến khán giả Phú Quốc trong các ngày 28–29/4 và 1/5 tại Nhà hát À Ơi. Với lối kể chuyện dân gian qua hình tượng rối truyền thống, các chương trình vừa nhẹ nhàng, sâu lắng vừa sinh động, gần gũi – như lời nhắn nhủ trìu mến về nguồn cội, về những giá trị quê hương không bao giờ mai một.
Từ ngày 18 đến 20/4/2025, Nhà hát Cải lương Việt Nam sẽ mang chương trình nghệ thuật “Hành trình Biên giới 2025” đến huyện vùng cao Si Ma Cai (Lào Cai). Chương trình là sự kết hợp hài hòa giữa cải lương, ca nhạc và giao lưu nghệ thuật, tái hiện sinh động đời sống nơi biên cương Tổ quốc, nơi những con người giản dị vẫn ngày đêm gìn giữ từng tấc đất thiêng liêng. Với sân khấu hóa tinh thần biên giới, chương trình sẽ là lời tri ân đến các chiến sĩ biên phòng và là hành trình đưa nghệ thuật cải lương tiếp cận gần hơn với đồng bào các dân tộc vùng cao.
Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam (VNOB) tiếp tục khẳng định vị thế của nghệ thuật hàn lâm Việt Nam với hai chương trình đặc biệt trong tháng 4. Vào ngày 16/4 tại Hà Nội, vở “Welcome to Vietnam” sẽ mang đến một bản hòa ca đầy sắc màu giữa âm nhạc, múa ballet và yếu tố quảng bá du lịch, góp phần đưa hình ảnh đất nước đến gần hơn với bạn bè quốc tế. Tiếp đó, vào ngày 29/4 tại Dinh Độc Lập (TP.HCM), chương trình “Mùa xuân thống nhất” sẽ kết hợp ngôn ngữ sử thi với múa đương đại để khắc họa thời khắc lịch sử hào hùng của dân tộc – một lời tri ân sâu lắng, giàu tính nghệ thuật gửi tới quá khứ.
Đặc biệt, vào lúc 20h ngày 27/4/2025 tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam sẽ trình diễn “Đêm nhạc Ký ức Trường Sơn”, một bản giao hưởng nghệ thuật về tuyến đường huyền thoại. Dưới bàn tay đạo diễn của NSND Trần Bình và sự chỉ đạo nghệ thuật của NSƯT Quỳnh Trang, chương trình quy tụ những giọng ca huyền thoại như NSND Thanh Hoa, NSND Thu Hiền, NSND Quang Thọ… cùng nhau tái hiện khí thế hào hùng, khắc ghi dấu ấn không thể phai nhòa trong tâm khảm người dân Việt Nam.
Không nằm ngoài dòng chảy nghệ thuật tri ân, Nhà hát Tuồng Việt Nam sẽ công diễn vở “Tình mẹ” vào hai đêm 19 và 26/4 tại Rạp Hồng Hà. Với kịch bản của Thùy Linh – Hoàng Đức Anh và đạo diễn Chi Lăng – Đình Phong, vở diễn là sự giao thoa giữa tuồng truyền thống và hình thức thể nghiệm hiện đại, đưa khán giả vào hành trình cảm xúc đầy nước mắt, yêu thương và hy sinh của người mẹ Việt Nam trong thời chiến.
Những chương trình nghệ thuật này không chỉ là lời ca ngợi về quá khứ hào hùng, mà còn là hồi chuông đánh thức niềm tự hào dân tộc, bồi đắp tình yêu đất nước trong lòng mỗi người Việt hôm nay. Văn hóa – nghệ thuật vì thế trở thành nhịp cầu gắn kết quá khứ – hiện tại – tương lai, viết tiếp khúc tráng ca về một dân tộc không khuất phục, luôn tiến bước về phía trước.