Chiến sự Nga- Ukraine giáng thêm đòn vào chuỗi cung ứng toàn cầu vốn đã bị đứt gãy sau 2 năm dịch bệnh COVID-19.
Nhiều chuyên gia cho rằng chuỗi cung ứng toàn cầu còn mong manh trong năm 2023 trong bối cảnh chiến sự Nga- Ukraine vẫn diễn biến phức tạp.
Vài ngày sau khi súng nổ ở Donbass (Ukraine), hàng chục con tàu vận tải cỡ lớn mang quốc tịch Nhật Bản, Hàn Quốc, Na Uy, Estonia, Thổ Nhĩ Kỳ,… chở ngũ cốc, khoáng sản, dầu mỏ bị kẹt lại ở thành phố cảng Mykolaiv. Điều đó khiến hàng hóa bắt đầu ứ lại ở Odessa, Mariupol vì biển Đen và biển Azov quá nguy hiểm để di chuyển.
Nga và Ukraine cung cấp 30% ngũ cốc toàn cầu, cũng chừng ấy khối lượng phân bón nông nghiệp. Cứ 100 lao động trong ngành vận tải biển thì có hơn 14 người đến từ hai quốc gia nói trên.
Nhiều sản phẩm nguyên, nhiên liệu đầu vào trọng yếu không được cung cấp kịp thời như hợp chất platinum, nhôm, dầu hướng dương, dầu thô và thép, khiến các nhà máy ở châu Âu, Nga và Ukraine có nguy cơ phải đóng cửa.
Chiến sự Nga- Ukraine xảy ra ngay miệng giếng dầu thế giới, khiến hàng loạt tổ chức tăng tốc gom dầu dự phòng, đẩy giá dầu lên trên 140 USD/thùng. Lần đầu tiên trong lịch sử giá một chiếc pizza bình dân ở New York đắt hơn 1 vé đi tàu điện ngầm.
Những điều tồi tệ hơn bắt đầu xuất hiện trên bình diện vĩ mô, giá cước vận tải từ “công xưởng thế giới” đến châu Âu, Mỹ tăng tới 80%. Đặc biệt, giá tàu chở dầu đã tăng đột biến từ 157- 591%. Lạm phát như quả bom cháy chậm suốt 2 năm trước đó giờ bị mồi thêm ngọn lửa, bùng phát mạnh.
Lúc này, Washington và Brussels mới chính thức “nhúng tay” vào căng thẳng Đông Âu. Như thường lệ, cấm vận, cấm vận và cấm vận. Phương Tây nhằm vào nền năng lượng Nga, hy vọng cắt đứt nguồn thu của Moscow, qua đó ép ông Putin thoái quân khỏi Ukraine.
Sau nhiều toan tính, EU, G7 và Mỹ tung hàng loạt đòn đánh hạng nặng, đi đến thống nhất cắt đứt mối quan hệ dầu mỏ và khí đốt với Nga. Tuy nhiên, “Lục địa già” rất chật vật tìm năng lượng trước mùa đông, Tổng thống Joe Biden phát lệnh xả kho dự trữ chiến lược, đồng thời xuống thang với một số cựu thù trong tổ chức OPEC.
Nhưng không ăn thua! Lạm phát Mỹ bắt đầu “phi mã” từ tháng 5/2022 và liên tục phá trần ở Mỹ trong các tháng tiếp theo. FED ra tay mạnh mẽ, điều chỉnh tăng lãi suất liên tục 7 lần từ nửa cuối năm 2022. Điều đó khiến USD tăng vọt so với nhiều đồng tiền chủ chốt.
>> Đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu (Kỳ I): Nguy cơ lạm phát đình đốn
Doanh nghiệp Mỹ tích trữ quá nhiều hàng hóa trong bối cảnh đứt gãy chuỗi cung ứng, trong khi giá cả tại nhiều nước khác tăng vọt vì thiếu nguồn cung. Tình trạng này kết hợp với giá năng lượng, lương thực và bất ổn địa chính trị có nguy cơ kéo theo suy thoái kinh tế toàn cầu từ đầu năm 2023.
[ Xu hướng chuỗi cung ứng toàn cầu trong năm 2023 sẽ bị ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố từ công nghệ, nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu... cho đến các sự kiện địa chính trị, địa kinh tế trên thế Giới. ]
Trung Quốc đã trở lại sau 3 năm “phong bế” đất nước; dịch bệnh COVID-19 không còn là mối nguy hàng đầu; các hoạt động kinh tế cơ bản trên toàn cầu như du lịch, dịch vụ, sản xuất, cung ứng,… sẵn sàng trở lại. Chỉ duy nhất “quả bom” ở Đông Âu chưa được tháo ngòi nên tác động của nó không hề nhỏ.
Thứ nhất, châu Âu và Mỹ chưa giải được bài toán an ninh năng lượng nếu như thế giới chưa chứng kiến hòa đàm Nga - phương Tây. Đặc biệt, khối EU sau mùa đông này sẽ cạn kiệt toàn bộ kho dự dự trữ khí đốt, nên khó đẩy lùi lạm phát.
Dĩ nhiên, người châu Âu không ngồi yên, họ sẽ tìm cách mua năng lượng trên “thị trường xám” song song với nỗ lực đàm phán ở tình thế bị động với một số thành viên riêng lẻ của OPEC. Không gì đảm bảo châu Âu không đồng ý nhập dầu mỏ với giá cao hơn bình thường. Vì vậy, giá dầu thế giới năm 2023 chỉ đứng yên hoặc tăng.
Thứ hai, chiến sự Nga- Ukraine ngày càng cho thấy “bóng phủ” lên quan hệ thương mại Trung - Mỹ. Trước hết, mang lại cho Bắc Kinh “thời gian vàng” tích lũy năng lượng, tài chính trong khi phía Mỹ “hao tiền tốn của” theo đuổi chiến tranh. Nhà trắng vẫn tiếp tục tìm cách bao vây kinh tế Trung Quốc, gián tiếp phá chỗ dựa của Nga và đồng minh.
Mới đây, Quốc hộị Mỹ dự tính đạo luật đánh thuế môi trường với nhôm và thép Trung Quốc; đưa 35 công ty công nghệ Trung Quốc vào diện theo dõi đặc biệt. Căng thẳng Trung - Mỹ không “hạ nhiệt” - có nghĩa rằng, mọi tai ương kinh tế như “chỉ mành treo chuông”.
Thứ ba, đừng quên rằng Nga là nền kinh tế lớn trên thế giới, xếp hạng thứ 11 với quy mô 1.800 tỷ USD. Việc Kremlin bị tách khỏi hệ thống toàn cầu đã là tổn thất với tất cả. Ngoài dầu mỏ và khí đốt giúp châu Âu thịnh vượng, còn là lúa mì nuôi sống hàng tỷ người ở châu Phi, Trung Đông. Nga còn cung cấp khoáng sản quý hiếm cho công nghiệp công nghệ cao. Đây đều là những mặt hàng dường như không thể thay thế trong ngắn và trung hạn.
Có thể bạn quan tâm
Định vị chuỗi cung ứng Việt
03:00, 23/10/2022
Quản trị chuỗi cung ứng thực phẩm
04:30, 18/10/2022
Chuỗi cung ứng ngắn toàn cầu: Rút ngắn bằng thương mại điện tử
04:30, 19/08/2022
Chuỗi cung ứng ngắn toàn cầu (Kỳ II): Con đường tất yếu
05:00, 16/08/2022
Chuỗi cung ứng ngắn toàn cầu (Kỳ I): Phôi thai kỷ nguyên mới
05:00, 15/08/2022