Người nội tâm an nhiên, bình thản họ luôn nhìn đời bằng con mắt “vô thường”, và bằng một trái tim chứa đựng tình thương chân thật, tình thương ấy nhà Phật gọi là lòng từ bi.
Truyền thuyết kể rằng Quan Âm Đại Sĩ thường hóa thân đủ mọi hình tướng để độ chúng sanh hữu duyên. Có vị Sư tu hành tinh tấn nhưng mãi vẫn chưa ngộ đạo. Trước chùa Sư có một con sông, cách ba hôm Sư lại qua sông thăm một người bạn.
Bữa nọ, Sư bước lên đò với một số hành khách. Điều lạ là hôm nay người lái đò đưa Sư qua sông không phải là ông lái đò quen thuộc như mọi khi, mà lần này là một cô gái có nhan sắc rất xinh đẹp.
Đò cập bến cô lái đò thu tiền từng người, sau cùng đến Sư.
Với nhà sư, cô lái đòi tiền “gấp đôi”.
Sư ngạc nhiên hỏi: Vì sao?
Cô gái mỉm cười:
-Vì Thầy nhìn con…..nên ngoài tiền đò, con cộng thêm tiền nhìn nữa ạ.
Sư nín lặng trả tiền và bước lên bờ.
Một hôm khác Sư lại qua sông.
Lần này cũng gặp cô gái, và khi tới bến cô gái đòi tiền “gấp ba”.
Nhà Sư hỏi: Vì sao?
Cô gái cười bảo:
-Lần này Thầy không nhìn trực tiếp nhưng nhìn con dưới nước và tưởng con không biết, nên nhìn lâu hơn ạ.
Nhà Sư nín lặng trả tiền và bước lên bờ.
Lần khác Sư lại qua sông. Vừa bước lên đò, Sư nhắm nghiền mắt lại và tập trung như đang thiền định.
Đò cập bến cô gái thu tiền, nhưng lần này giá lại cao hơn những lần trước, thu “gấp năm” lần.
Sư hỏi: Vì sao?
Cô lái đáp:
-Sư không nhìn con bằng mắt, mà nhìn con bằng tâm, tâm Sư còn nghĩ đến con.
Nhà Sư trả tiền và lên bờ.
Sau lần này về, Sư nỗ lực dụng công tu hành miên mật, quán niệm về thân xác vô thường, tứ đại hư huyễn; Sư thấy được hoàn toàn sự bất tịnh và tiến trình sinh diệt ngay nơi thân thể,…..Công phu của Sư sau đó tiến bộ rất nhanh, sư đã nhàm chán với sắc đẹp của nữ giới.
Và lần này Sư lại qua sông.
Khi bước lên đò, Sư bình thản nìn cô gái….Trong cái nhìn của Sư giờ đây tỏa lên sự bình yên tươi mới; vẫn nhìn như nhìn bao người khác, mà không hề có thiên lệch, hay bị đắm nhiễm,….
Đò cập bến, nhà Sư mỉm cười trong ánh mắt từ bi và hỏi:
-Bao nhiêu?
Cô gái đáp:
-Sư nhìn con mà không nghĩ tới con…Tâm không có sự đắm nhiễm. Do vậy con xin đưa Sư qua sông mà thôi…
Điểm sáng:
Người nội tâm an nhiên, bình thản họ luôn nhìn đời bằng con mắt “vô thường”, và bằng một trái tim chứa đựng tình thương chân thật, tình thương ấy nhà Phật gọi là lòng từ bi. Kinh Pháp Hoa, phẩm Phổ Môn ca ngợi Bồ Tát Quán Thế Âm: “Từ nhãn thị chúng sinh”, nghĩa là Quán Thế Âm Bồ Tát luôn dùng “mắt thương nhìn cuộc đời”. Còn chúng ta phần nhiều trong tâm vẫn còn ấp ủ những tâm niệm tham lam, tật đố, ích kỷ… thì sẽ biểu hiện ra cái nhìn không còn trong sáng hay tự nhiên nữa. Muốn có được cái “nhìn tự nhiên” và “trong sáng” như thế, một cái nhìn “từ nhãn” như Bồ Tát có lẽ mỗi hành giả phải trải qua công phu nhuần nhuyễn lắm mới nên. Chúng tôi nhớ Sư Phụ chùa Hoằng Pháp có làm hai câu thơ tuyệt cú như sau:
“Nhìn mây tụ tán vô thường
Nhìn em ta thấy con đường mây bay”
Link dẫn: https://phatgiao.org.vn/chuyen-co-lai-do-dua-nha-su-qua-song-d49665.html