Định hướng hữu ích và bài học kinh nghiệm giá trị từ các tập đoàn hàng đầu như FPT, PNJ, Sacombank… được ví như chiếc la bàn cho các vị thuyền trưởng doanh nghiệp nhìn thấy lối ra giữa cơn sóng dữ.
>>>CHIẾN LƯỢC VỐN CỦA DOANH NGHIỆP (Kỳ 4): Phối hợp chính sách tài khoá – tiền tệ linh hoạt
Cơn bão của bất định
Tiến sĩ Phạm Thị Thu Hằng - Phó Chủ tịch -Tổng thư ký Hội đồng Họ Dương Việt Nam cho rằng, bối cảnh vĩ mô trên toàn cầu và Việt Nam trong suốt các năm qua tạo ra thử thách vô định cho cộng đồng doanh nghiệp. Tám tháng đầu năm 2022, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động tăng 38% so với cùng kỳ năm trước. Hệ lụy có thể rõ hơn ở giai đoạn cuối năm nay, đầu năm sau.
Bốn thách thức bà Hằng cho rằng doanh nghiệp sẽ phải đối mặt gồm: khó khăn về tài chính - đặc biệt về dòng tiền để duy trì các hoạt động thường xuyên; thiếu hụt cả số lượng và thiếu hụt kỹ năng của người lao động; không đủ nguồn lực tài chính, nhân sự ưu tiên cho các hoạt động đổi mới sáng tạo; thiếu thông tin cần thiết phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Tiếp lời bà Thu Hằng, ông Trần Trọng Kiên - Chủ tịch HĐQT TMG - dẫn chứng những khó khăn vẫn hiện hữu trong ngành du lịch dù đại dịch đã bị đẩy lùi trong năm qua. Cụ thể, số lượng khách quốc tế đến Việt Nam 9 tháng đầu năm 2022 chỉ đạt 1,8 triệu người, còn cách khá xa mục tiêu 5 triệu khách và vẫn giảm hơn 10 lần so với cùng kỳ năm 2019.
“Nguyên nhân đến từ việc nhóm khách du lịch công tác từ Mỹ, châu u, Úc sụt giảm, còn các quốc gia tại Đông Á, Bắc Á vẫn còn chần chừ mở cửa. Đến năm 2025 mới có thể phục hồi trở lại như trước đây”, ông Kiên nhấn mạnh.
Đồng quan điểm của hai nhà lãnh đạo, PGS. TS Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT, cho rằng, việc các cường quốc bơm lượng tiền lớn vào nền kinh tế trong đại dịch đã tạo ra vô số thách thức nền kinh tế hậu Covid-19. Ông ví von doanh nghiệp sẽ phải đối diện với bối cảnh kinh tế như việc đón nhận với cơn bão - sự hỗn loạn của thiên nhiên.
“Trong bão, khó ai có thể lường trước điều gì. Doanh nghiệp vẫn cần mục tiêu, tầm nhìn dài hạn, nhưng lúc này cần hãy trả lời cho tôi biết thực tế và cụ thể: doanh thu nhận về và doanh số ký mới trong bốn tuần tới là bao nhiêu”, ông Bình chia sẻ.
Giữ kiên định, vững tay chèo
Trước vô vàn thử thách, các doanh nhân kỳ cựu đồng thuận cho rằng doanh nghiệp cần nhất là tìm cho mình tinh thần kiên định. Chỉ có sự vững vàng về tinh thần mới giúp doanh nghiệp và đất nước vượt qua khó khăn. Bài toán nâng cao năng lực cạnh tranh, sức chống chịu của doanh nghiệp trước cú sốc và thách thức bất ổn là vấn đề mấu chốt trong giai đoạn phục hồi kinh tế.
Ông Dương Công Minh - Chủ tịch HĐQT Sacombank đồng thời là Chủ tịch Hội đồng Họ Dương Việt Nam - cho rằng doanh nghiệp cần ứng dụng bài học về kiên định. Sáng tạo - kiên định với giá trị cốt lõi là tinh thần phục vụ khách hàng đã giúp Sacombank vượt qua giai đoạn tái cơ cấu mạnh mẽ vào năm 2017. Ông Minh chia sẻ rằng ở thời điểm đó, doanh nghiệp không vội thay đổi ngay các vị trí lãnh đạo, anh em được yên tâm sẽ không ai mất việc mà thay vào đó chỉ đảo vị trí để thích ứng với bối cảnh mới. Làm được việc đó cần lòng kiên định của người đứng đầu.
>>> Chiến lược huy động vốn của doanh nghiệp trong hoàn cảnh mới
“Chặng đường hồi phục sau đại dịch chắc chắn sẽ có nhiều khó khăn, vất vả, nhưng với sự sáng tạo, bản lĩnh vững vàng, kiên định, năng lực cạnh tranh tốt, các doanh nhân họ Dương sẽ cùng với cộng đồng doanh nhân Việt Nam nhanh chóng vượt qua và có những phát triển vượt bậc”, ông Minh nhấn mạnh.
Ông Trương Gia Bình - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT thì cho rằng quản trị trong bất ổn là một chủ đề khó. Ông chọn cách chia sẻ về ba giai đoạn FPT đã vươn mình trước các thách thức để phát triển mạnh mẽ: giai đoạn 1998 - xuất khẩu phần mềm; giai đoạn 2008 - khủng hoảng kinh tế; giai đoạn 2020-2021 - đối với với đại dịch Covid-19. Ở cả ba lần, ông Bình đều ứng dụng nghệ thuật chiến tranh nhân dân - chuyển doanh nghiệp từ thời bình sang thời chiến; các nhà quản trị trở thành nhà chỉ huy; trên dưới đồng lòng một mục tiêu.
Điển hình là trong giai đoạn Covid-19, FPT đã nhanh chóng kích hoạt chế độ thời chiến và áp dụng “Chuyển 10” - thực hiện 10 chuyển đổi nội bộ để gia tăng “đề kháng” trước dịch bệnh. Các chuyển đổi đó bao gồm: Bảo vệ tính mạng cho nhân viên, làm việc tại nhà; quản trị bằng công cụ đo lường mục tiêu OKR; phản ứng nhanh nhạy trước biến động từng ngày, từng tuần, từng tháng, từng quý; quản lý tài chính dưới góc độ sinh tồn; tập trung giải quyết nhu cầu thiết yếu cho các công ty có khả năng chi trả; không để ai mất việc; tăng cường tuyển chuyên gia, nhân tài; mỗi người làm việc bằng hai; lãnh đạo chấp nhận giảm thu nhập; và hơn hết là cần trên dưới & trong ngoài cố kết một lòng.
Kết quả là trong Covid-19; FPT không yếu đi, mà còn đại dịch còn làm FPT mạnh mẽ hơn. Doanh thu và lợi nhuận năm 2021 tăng 19,5% và 20,4% so với cùng kỳ. Ghi nhận doanh thu 8 tháng đầu năm 2022 cũng đạt 27.060 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 4.951 tỷ đồng, lần lượt tăng 24% và 23,6% so với cùng kỳ năm ngoái.
Còn bà Cao Thị Ngọc Dung - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn PNJ cho rằng, hơn lúc nào hết, doanh nghiệp cần củng cố nội lực và nhất là văn hóa doanh nghiệp.Chủ tịch doanh nghiệp vàng bạc - đá quý cho rằng văn hóa phải đến từ người lãnh đạo doanh nghiệp. Nếu ví doanh nghiệp là một cái cây, thì văn hóa chính là bộ gốc rễ của toàn bộ. Còn những thân cây, nhành cây chính là tầm nhìn, định hướng, chiến lược được phát triển dựa trên văn hóa đó. Văn hóa doanh nghiệp thể hiện rõ nét nhất trước các quyết định mang yếu tố sống còn của một quốc gia, tổ chức, là “chân ga” để vượt qua đèo cao và là “chân thắng” để ngăn doanh nghiệp rơi xuống vực sâu.
Chuyển đổi số - chuẩn bị trước bất ổn
Chuyển đối số - kiến tạo những trải nghiệm số cho khách hàng cũng là lời khuyên được các nhà lãnh đạo kỳ cựu nhấn mạnh và cụ thể hóa trong phần cuối của sự kiện. Bởi theo các doanh nhân, công nghệ số và ứng dụng của công nghiệp 4.0 đã mở ra cho doanh nghiệp khả năng chống chịu tốt trong mọi cuộc chiến.
“Covid-19 khiến nhiều công ty lao đao. Nhưng sau Covid-19, doanh nghiệp như PNJ hay FPT lại mạnh mẽ hơn. Năm 2021, chúng tôi có tốc độ tăng trưởng mà HĐQT cũng bất ngờ. Đó là nhờ chúng tôi chuyển biến kịp thời, nhanh chóng, thay đổi kịp thời với công nghệ. Cuối đường hầm là ánh sáng tỏa ra từ một mục tiêu chung”, bà Cao Thị Ngọc Dung cho biết.
Ông Trần Trọng Kiên - Chủ tịch TMG cũng cho rằng, trong đại dịch nhờ cải thiện trải nghiệm số trong hành trình tìm cảm hứng, lập kế hoạch, trải nghiệm và chia sẻ của khách hàng. “Nhờ phục vụ khách hàng hiệu quả hơn trên các nền tảng số, tổng thu TMG đã nhanh chóng khôi phục và vượt qua năm 2019”, ông Minh nhấn mạnh.
Trong vai trò người đứng đầu FPT - doanh nghiệp dẫn dắt xu hướng chuyển đối số tại Việt Nam, ông Trương Gia Bình cho rằng, doanh nghiệp ở mọi lĩnh vực, mọi quy mô đều có thể bước lên con thuyền chuyển đổi số để tăng khả năng chống chịu. Doanh nghiệp chỉ cần đặt ra câu hỏi của mình ba yếu tố cơ bản: Một là, mình có đủ dữ liệu để hiểu về sản phẩm, khách hàng của mình chưa. Hai là, mình đã vận dụng dữ liệu đó để cải thiện năng suất, mang đến dịch vụ tốt hơn cho khách hàng chưa. Và ba làcông nghệ có giúp doanh nghiệp tự động hóa được bao nhiêu phần trăm.
“Uber, Airbnb là những doanh nghiệp lớn mạnh hàng đầu toàn cầu và gần như họ tự động hóa hoàn toàn, không sở hữu tài sản gì”, ông Bình chia sẻ.