Chuyển đổi số ngân hàng: Khi nào hết “nửa chừng xuân”?

DIỄM NGỌC 30/05/2021 14:00

Hiện đã có một số ngân hàng dùng chữ ký điện tử nhưng quy trình nội bộ ngân hàng vẫn bằng tay, nhất là khi áp dụng trong thẩm định tài sản.

Nhận diện thách thức

Ngày nay, hầu hết khách hàng, đặc biệt là những khách hàng trẻ tuổi đều đang sử dụng công nghệ số các giao dịch và thanh toán của mình. Do vậy, nhiệm vụ của các ngân hàng là phải đáp ứng được nhu cầu của người dùng và có thể cung cấp các sản phẩm, dịch vụ họ mong đợi. Để làm được điều này, chuyển đổi số trong ngân hàng là tất yếu.

Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đề ra mục tiêu đến năm 2025, ít nhất 70% số lượng giao dịch của khách hàng được thực hiện qua các kênh số

Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đề ra mục tiêu đến năm 2025, ít nhất 70% số lượng giao dịch của khách hàng được thực hiện qua các kênh số

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ban hành Kế hoạch “Chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng năm 2030”, với một số chỉ tiêu cụ thể như: Ít nhất 50% các nghiệp vụ được thực hiện hoàn toàn trên môi trường số vào năm 2025 và đến năm 2030 là 70%; Chỉ tiêu về số lượng giao dịch của khách hàng trên các kênh số đạt ít nhất 70% năm 2025 và 80% năm 2030; Chỉ tiêu về tỷ lệ quyết định giải ngân, cho vay của NHTM, công ty tài chính đối với các khoản vay nhỏ lẻ, vay tiêu dùng của khách hàng cá nhân được thực hiện theo hướng số hóa, tự động: đến năm 2025 đạt tối thiểu 50% và đến năm 2030, đạt tối thiểu 70%.

Theo Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh, ngành Ngân hàng Việt Nam đã có sự chuẩn bị kỹ càng, chủ động vào cuộc và khả năng thích ứng tốt trước những biến động, rủi ro trong công cuộc chuyển đổi số. Đặc biệt là từ khi dịch COVID-19 bùng phát, các hệ thống thanh toán, hệ thống thông tin tín dụng và các ngân hàng vẫn hoạt động bền bỉ, thông suốt, đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp cùng các cơ quan Chính phủ một cách nhanh chóng, an toàn.

Mặc dù vậy, trong quá trình chuyển đổi số, ngành ngân hàng đã và đang gặp phải một số thách thức như:

Thứ nhất là sự đồng bộ và phù hợp của các quy định pháp lý hiện hành liên quan về giao dịch điện tử, chữ ký, chứng từ điện tử, việc định danh và xác thực khách hàng điện tử, việc chia sẻ dữ liệu và bảo mật thông tin khách hàng, quy trình nghiệp vụ... với thực tiễn ứng dụng công nghệ số trong hoạt động ngân hàng.

Thứ hai chuẩn hóa các cơ sở hạ tầng kỹ thuật nhằm tạo thuận lợi cho kết nối liên thông, tích hợp liền mạch giữa ngành ngân hàng với các ngành, lĩnh vực khác để hình thành hệ sinh thái số, cung ứng dịch vụ đa tiện ích cho khách hàng.

Thứ ba là thay đổi nhận thức, thói quen, hành vi người tiêu dùng, đảm bảo an ninh an toàn và huy động, bố trí nguồn lực phục vụ chuyển đổi số.

Về vấn đề này, TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia Tài chính ngân hàng cũng cho rằng, với các mục tiêu mà NHNN đề ra sẽ không còn là tham vọng, nếu ngành ngân hàng và các cơ quan có liên quan cùng phối hợp thực hiện một cách hiệu quả. Tuy nhiên, có một thực tế phải thừa nhận, đó là công cuộc chuyển đổi số tại Việt Nam vẫn còn chậm so với yêu cầu đặt ra.

TS. Nguyễn Trí Hiếu

TS. Nguyễn Trí Hiếu

Giả sử chúng ta có thang điểm từ 1 đến 10, với thang điểm 1 là mọi việc bằng tay hết thang điểm 10 là khách hàng không cần đến ngân hàng, chỉ có hệ thống máy tính vận hành ở các điểm giao dịch. Đồng thời, quy trình nội bộ cũng không có giấy tờ, dữ liệu được chạy trên phần mềm,thì mặt bằng chung của các ngân hàng Việt Nam đang ở thang điểm 4. Song, vẫn có một số ngân hàng ở mức độ cao hơn.

Thực tế, có một số ngân hàng dùng chữ ký điện tử nhưng quy trình nội bộ ngân hàng vẫn bằng tay, nhất là việc thẩm định tài sản. Đểtiến về điểm 10 tuyệt đối, Việt Nam vẫn còn chậm và có thể gọi đây là quá trình nửa chừng xuân”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh.

Tăng cường giải pháp

Để giải quyết các thách thức nêu trên, tiến tới thực hiện thành công Kế hoạch này, NHNN đã kiến nghị Chính phủ đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu xây dựng Luật Giao dịch điện tử thay thế hoặc sửa đổi, bổ sung Luật Giao dịch điện tử năm 2005, nhằm tạo cơ sở pháp lý cho các Bộ, ngành hoàn thiện các quy định pháp luật có liên quan. Qua đó, đẩy mạnh số hóa, ứng dụng kỹ thuật số, tạo môi trường giao dịch thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp qua kênh số và phương thức điện tử.

Có một số ngân hàng dùng chữ ký điện tử nhưng quy trình nội bộ ngân hàng vẫn bằng tay, nhất là việc thẩm định tài sản

Một số ngân hàng đã dùng chữ ký điện tử nhưng quy trình nội bộ ngân hàng vẫn bằng tay, nhất là việc thẩm định tài sản

Đồng thời, ban hành Nghị định về định danh và xác thực điện tử và xây dựng hành lang pháp lý về bảo vệ dữ liệu, bảo vệ quyền riêng tư dữ liệu người dùng trên môi trường mạng. Sớm hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, có cơ chế cho phép ngành ngân hàng được kết nối và khai thác, chia sẻ thông tin trực tuyến từ cơ sở dữ liệu này để phục vụ việc đối chiếu, xác minh thông tin nhận biết khách hàng bằng phương thức điện tử.

Trao đổi với báo chí, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho rằng, cần tiếp tục gia cố và nâng cấp hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin. Việt Nam đã có mạng 5G nhưng rõ ràng tại một số nơi vẫn có hiện tượng thiếu ổn định, nhất là ở những vùng xa xôi, hẻo lánh.

Mặt khác, phải nâng cao sự hiểu biết của người dân, của doanh nghiệp về dịch vụ này. Trong đó, nên sớm triển khai chương trình giáo dục tài chính như là một trụ cột trong thực hiện chiến lược phát triển tài chính toàn diện mà Thủ tướng đã ban hành.

Đặc biệt, sự vào cuộc của các Bộ, ngành cũng như các doanh nghiệp để tạo ra những hệ sinh thái tiện lợi, mang đến nhiều tiện ích cho các tổ chức tín dụng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc thúc đẩy chuyển đổi số ngành ngân hàng.

Có thể bạn quan tâm

  • Chuyển đổi số - doanh nghiệp cần chú trọng những gì?

    Chuyển đổi số - doanh nghiệp cần chú trọng những gì?

    01:44, 28/05/2021

  • Tập đoàn Austdoor và NOVAON hợp tác chuyển đổi số hệ thống quản trị nguồn lưc khách hàng

    Tập đoàn Austdoor và NOVAON hợp tác chuyển đổi số hệ thống quản trị nguồn lưc khách hàng

    12:58, 26/05/2021

  • Nền kinh tế trong thời kỳ COVID-19: Quan điểm pháp lý về việc tăng tốc chuyển đổi số

    Nền kinh tế trong thời kỳ COVID-19: Quan điểm pháp lý về việc tăng tốc chuyển đổi số

    09:21, 26/05/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Chuyển đổi số ngân hàng: Khi nào hết “nửa chừng xuân”?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO