Kinh tế

Chuyển đổi toàn diện mô hình khu công nghiệp

Nguyễn Việt 15/11/2024 14:00

Các khu công nghiệp tại Việt Nam đang đứng trước xu hướng chuyển đổi toàn diện để thu hút các dự án đầu tư mới, nhất là những dự án công nghệ cao, quy mô lớn.

Theo TS Phan Hữu Thắng, Chủ tịch Liên chi hội tài chính khu công nghiệp Việt Nam (VIPFA) các khu công nghiệp phát triển bền vững đang trở thành tiêu chí lựa chọn của các nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với mục tiêu phát triển bền vững, lợi ích kinh tế song hành trách nhiệm với cộng đồng và xã hội.

vĩnh phúc 2
Một góc nhà máy trong KCN Bá Thiện II, tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: Cảnh Hưng

Việc thúc đẩy phát triển khu công nghiệp theo hướng sinh thái sẽ huy động nguồn lực lớn từ khu vực tư nhân cho các giải pháp công nghiệp xanh, đảm bảo an ninh năng lượng.

Đóng góp vào nỗ lực ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam, thúc đẩy tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, thể hiện quyết tâm chính trị của Chính phủ Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết phát triển bền vững.

“Để thực hiện được mục tiêu này, hệ thống KCN cần có những mô hình mới với các cơ chế chính sách phù hợp để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, thu hút đầu tư và tận dụng được cuộc CMCN lần thứ 4.0, thu hút được các dự án đầu tư quy mô lớn công nghệ cao, công nghệ lõi”, TS Phan Hữu Thắng nhấn mạnh.

Trên cơ sở đường lối đổi mới của Đảng, nhằm thực hiện chủ trương mở cửa, phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, thu hút nguồn lực từ các thành phần kinh tế để phát triển kinh tế - xã hội đất nước, năm 1991 mô hình Khu chế xuất (KCX), khu công nghiệp (KCN) xuất hiện ở Việt Nam.

Từ đó đến nay, cả nước có 435 KCN được thành lập với quỹ đất công nghiệp khoảng 90,2 nghìn ha, thu hút lượng vốn đầu tư lớn, bổ sung nguồn lực quan trọng cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của đất nước nói chung và các địa phương nói riêng.

Hệ thống các KCN đã thực sự trở thành các khu vực trọng điểm, thu hút các nguồn vốn đầu tư và dự án lớn trong và ngoài nước, và có những đóng góp rất quan trọng đối với thành tựu tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương và của cả nước.

Đóng vai trò quan trọng trong tổng thu ngân sách nhà nước, góp phần tạo việc làm, nâng cao sức cạnh tranh, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tái cơ cấu nền kinh tế và thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế thế giới của Việt Nam.

Tuy nhiên, bên cạnh những đóng góp tích cực của các KCN cho sự phát triển kinh tế-xã hội đất nước, TS Phan Hữu Thắng đánh giá việc phát triển các KCN trong thời gian qua cũng bộc lộ những hạn chế cần sớm khắc phục để phát triển bền vững và giữ được lợi thế cạnh tranh.

vĩnh phúc 1
Một góc nhà máy trong KCN Bá Thiện II, tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: Cảnh Hưng

“Hạn chế rõ nhất đó là đến nay vẫn còn rất ít KCN sinh thái. Đồng thời, việc gia tăng các hoạt động sản xuất công nghiệp và hệ thống các KCN tại Việt Nam tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường sinh thái. Cộng sinh công nghiệp giữa các doanh nghiệp trong KCN hoặc giữa các KCN còn hạn chế”, TS Phan Hữu Thắng nói.

Các dịch vụ trong một số KCN chưa được cung cấp đầy đủ hoặc chất lượng chưa cao. Việc phát triển KCN, KKT theo chiều rộng gặp khó khăn do nguồn lực về lao động, đất đai, tài nguyên đã tới hạn, trong khi năng suất lao động, hiệu quả khai thác tài nguyên chưa cao.

“Chưa đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường và an sinh xã hội, các ưu đãi về thuế, đất đai đang có xu hướng giảm dần, liên kết và hợp tác sản xuất công nghiệp trong KCN, KKT của Việt còn hạn chế”, TS Phan Hữu Thắng bày tỏ.

Luật sư Nguyễn Hồng Chung, Phó Chủ tịch kiêm tổng thư ký VIPFA, Chủ tịch DVL Venture bình luận, thực tế cho thấy mô hình KCN sinh thái chỉ thực sự phát huy vai trò tích cực khi được nhân rộng trên cả nước.

Việc xây dựng KCN mới cũng như chuyển đổi KCN truyền thống theo hướng xanh, bền vững muốn thành công thì cần phải có tài chính, công nghệ, hợp tác và liên kết.

Phát triển theo hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn trong các KCN là yếu tố then chốt để nâng cao năng lực cạnh tranh và đảm bảo phát triển bền vững cho từng KCN, KKT, cho từng địa phương và cả nền kinh tế.

“Lợi ích này là to lớn và lâu dài, nhưng trong ngắn hạn nhiều thách thức trở ngại làm cho quá trình chuyển đổi chưa diễn ra mạnh mẽ như mong đợi”, LS Nguyễn Hồng Chung bày tỏ.

Chia sẻ về định hướng thu hút FDI vào Vĩnh Phúc trong giai đoạn tới, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Trần Duy Đông cho biết tỉnh sẽ ưu tiên thu hút các dự án vào lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao, cơ khí chế tạo, thiết bị điện, điện tử, chất bán dẫn, ô tô, xe máy...

“Để thu hút đầu tư, Vĩnh Phúc tiếp tục hoàn thiện thủ tục hành chính theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính, trao thẩm quyền cho Ban quản lý KCN giải quyết các thủ tục hành chính theo mô hình một cửa tại chỗ”, ông Trần Duy Đông khẳng định.

Định hướng chung của Vĩnh Phúc là hỗ trợ các dự án đầu tư vào các khu công nghiệp và sẽ cung cấp các dịch vụ tiện nghi tiện ích như dịch vụ viễn thông, cung cấp nước sạch, xử lý nước thải, hoàn thiện kết cấu hạ tầng…

“Vĩnh Phúc luôn quan tâm tháo gỡ vướng mắc về cơ chế, chính sách, tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư đến tìm hiểu, triển khai các dự án tại tỉnh”, ông Trần Duy Đông nói.

Để đón kịp "dòng chảy" FDI lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu, đặc biệt là xu hướng thu hút FDI xanh, bền vững, công nghệ cao, công nghệ mới...

Liên chi hội tài chính khu công nghiệp Việt Nam (VIPFA) sẽ phối hợp với UBND tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức Diễn đàn “Giải pháp xanh toàn diện khu công nghiệp và xúc tiến đầu tư vào tỉnh Vĩnh Phúc” từ ngày 8-9/12 tại tỉnh Vĩnh Phúc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Chuyển đổi toàn diện mô hình khu công nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO