Mặc dù là yêu cầu bức thiết để nâng cao năng lực cạnh tranh, tuy nhiên, để hỗ trợ, thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi xanh, theo chuyên gia, cần có cơ chế rõ ràng...
Theo đó, hiện nhiều chính sách nghiêm ngặt để bảo vệ môi trường đã được các quốc gia trên thế giới đặt ra như: Thỏa thuận xanh châu Âu (European Green Deal), cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), kế hoạch hành động kinh tế tuần hoàn (Circular Economy Action Plan)...
Các chính sách này không chỉ tập trung vào mục tiêu giảm phát thải, mà còn đặt ra nhiều tiêu chuẩn khắt khe trách nhiệm xã hội và bảo vệ môi trường, yêu cầu các doanh nghiệp xuất khẩu phải thay đổi phương thức sản xuất và cách tiếp cận để đáp ứng được các yêu cầu ngày càng cao về môi trường.
Theo các chuyên gia, chuyển đổi xanh không chỉ nâng cao tính cạnh tranh của hàng hoá Việt Nam trên thị trường quốc tế mà còn tạo cơ hội để hàng hoá Việt Nam giữ vững và mở rộng thị trường trong nước.
Không chỉ có vậy, chuyển đổi xanh còn được cho là kênh đầu tư hiệu quả và tạo điều kiện vật chất giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, cải thiện môi trường đầu tư và thu hút các nguồn công nghệ sạch và nâng cao sức cạnh tranh kinh tế cả vĩ mô và vi mô, trước mắt và lâu dài. Đồng thời, tạo cơ hội cho doanh nghiệp gia tăng động lực phát triển nhanh hơn và hội nhập tốt hơn vào các chuỗi cung ứng toàn cầu.
Tuy nhiên, hiện 90% doanh nghiệp trong nước là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME), việc tham gia quá trình chuyển đổi xanh đang gặp nhiều khó khăn từ nhận thức, nguồn nhân lực, công nghệ đến tài chính. Trong đó, rào cản lớn nhất là vấn đề tài chính khi theo thống kê, khoảng 65% doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tiếp cận vốn vay để thực hiện các dự án xanh dù đã có cơ chế hỗ trợ tài chính.
Trước thực tế đã nêu, nhiều ý kiến cho rằng, để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh, các đơn vị cần có một cách tiếp cận đa chiều nhằm hỗ trợ nền kinh tế dịch chuyển từ mô hình truyền thống sang nền kinh tế xanh. Đặc biệt, cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý và chính sách một cách rõ ràng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp.
Theo ông Hoàng Dương Tùng - Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam, Việt Nam đã cam kết đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, thể hiện quyết tâm chính trị rõ ràng trong việc theo đuổi con đường phát triển bền vững. Đây không chỉ là một lựa chọn mà là một hướng đi tất yếu, giúp Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế xanh toàn cầu…
Vị chuyên gia này cho rằng, chuyển đổi xanh ở Việt Nam vẫn chủ yếu tập trung vào các doanh nghiệp lớn và các công ty có vốn đầu tư nước ngoài, trong khi phần lớn doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn đang gặp nhiều khó khăn.
Một trong những nguyên nhân chính là thiếu cơ chế rõ ràng, khiến doanh nghiệp chưa biết nên đầu tư vào lĩnh vực nào, lựa chọn công nghệ nào hay có thể vay vốn từ đâu để thực hiện chuyển đổi. Ngay cả các ngân hàng cũng đang gặp lúng túng khi chưa có hướng dẫn cụ thể về tiêu chí xanh, dẫn đến khó khăn trong việc cấp vốn cho các dự án thân thiện với môi trường.
Bên cạnh vấn đề tài chính, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn chưa thực sự hiểu rõ chuyển đổi xanh là gì và làm thế nào để áp dụng vào thực tế. Sự thiếu hụt thông tin và các chương trình đào tạo chuyên sâu đang khiến quá trình chuyển đổi diễn ra chậm hơn so với kỳ vọng.
“Để thúc đẩy quá trình này một cách hiệu quả, Việt Nam cần sớm xây dựng cơ chế xanh riêng cho từng ngành, giúp doanh nghiệp có định hướng rõ ràng về tiêu chuẩn, công nghệ, nguồn vốn và các chính sách hỗ trợ từ Nhà nước.
Chuyển đổi xanh là một xu thế không thể trì hoãn. Nhà nước cần mạnh dạn hơn trong việc ban hành các chính sách cụ thể và hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi. Đồng thời, doanh nghiệp cũng cần chủ động nắm bắt cơ hội, đổi mới công nghệ và nâng cao năng lực quản lý để sẵn sàng tham gia vào nền kinh tế xanh toàn cầu. Sự phối hợp chặt chẽ giữa Nhà nước, doanh nghiệp, ngân hàng và các tổ chức tài chính sẽ là chìa khóa giúp Việt Nam thực hiện thành công mục tiêu phát triển bền vững, hướng tới một nền kinh tế xanh hiện đại và hiệu quả”, vị chuyên gia này bày tỏ.
Còn theo PGS TS Nguyễn Đình Thọ - Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách, thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường, một trong những yếu tố quan trọng của kinh tế xanh là tài chính xanh, dựa trên nền tảng thị trường carbon. Vì thiếu tài chính xanh, không ít doanh nghiệp phải chật vật tính toán kỹ lưỡng bài toán tái đầu tư, đổi mới dây chuyền sản xuất và cải thiện môi trường...
Vì vậy, Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách cho rằng, Việt Nam muốn chuyển đổi xanh nền kinh tế cần hoàn thiện thể chế, tăng cường phát triển hạ tầng xanh, tài chính xanh, cũng như thúc đẩy chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo nhằm đáp ứng yêu cầu chuyển đổi xanh. Đặc biệt, Việt Nam cần xây dựng và phát triển thị trường carbon để tạo nền tảng quan trọng, từ đó thực hiện các cam kết ứng phó với biến đổi khí hậu, hướng tới mục tiêu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Được biết, để hỗ trợ các chương trình chuyển đổi của các doanh nghiệp theo hướng xanh và bền vững, Chính phủ, Bộ Công Thương đã xây dựng và triển khai nhiều chương trình hỗ trợ trực tiếp như: Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, giai đoạn 2019 – 2030; Chương trình quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững, giai đoạn 2021 – 2030; Kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh đến năm 2030 có tính đến năm 2050.