Thế giới đang nói nhiều đến xu hướng chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn và chuyển đổi số. Điều này sẽ có tác động rất lớn đến Việt Nam.
GS-TS Tô Trung Thành, Đại học Kinh tế quốc dân nhấn mạnh tại hội thảo quốc tế lần thứ 7 với chủ đề: “Các vấn đề đương đại trong kinh tế, quản trị và kinh doanh” (CIEMB 2024) do Trường đại học Kinh tế Quốc dân (NEU) phối hợp Đại học Quốc gia Australia (ANU) tổ chức, ngày 17/10.
GS-TS Tô Trung Thành đánh giá, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi số là những xu hướng mới và có vai trò rất quan trọng trong việc đưa nền kinh tế thế giới vượt qua những khó khăn trong ngắn và trong dài hạn. Điều này cũng có tác động rất lớn đến Việt Nam.
“Hiện nay, Việt Nam đang có rất nhiều chiến lược như phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Trong giai đoạn hiện nay, kinh tế Việt Nam với thành tố từ tổng cầu mặc dù đã có những bước tăng trưởng tốt hơn so với năm 2023, nhưng nếu so với giai đoạn trước Covid-19 thì vẫn còn ở khoảng cách khá xa”, GS-TS Tô Trung Thành nói.
Điều này theo GS-TS Tô Trung Thành sẽ dẫn đến câu chuyện, để có thể tăng trưởng một cách bền vững, thì đây là thời điểm Việt Nam cần tập trung vào những chính sách về tổng cung, cùng với những chiến lược về phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, chuyển đổi số…
“Đây là những cơ sở rất quan trọng để vừa thúc đẩy tổng cung ở trong dài hạn, đồng thời đảm bảo cho nền kinh tế tăng trưởng tốt hơn trong tương lai”, GS-TS Tô Trung Thành bày tỏ.
Bình luận về mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2024 khoảng 7%, GS-TS Tô Trung Thành cho rằng với những khó khăn vừa qua, chắc chắn doanh nghiệp cũng gặp phải nhiều khó khăn và thách thức. Tuy nhiên, tôi kỳ vọng vào quý IV/2024 nền kinh tế vẫn tiếp tục tăng trưởng tốt theo đúng kỳ vọng.
“Trong đó, chủ yếu dựa vào thành tố tăng trưởng liên quan đến tiêu dùng và đầu tư khu vực công. Có thể nói, đây là hai trụ cột chính để tạo đà cho tăng trưởng tốt hơn trong những tháng cuối năm 2024”, GS-TS Tô Trung Thành khẳng định.
Nhận định về những cơ hội và thách thức đối với nền kinh tế của Việt Nam hiện nay, theo TS Peter J. Morgan, Viện Ngân hàng Phát triển châu Á (ABDI) về mặt tích cực, Việt Nam có nền kinh tế mở cùng với cơ sở hạ tầng tốt tạo tiền đề cho thương mại phát triển.
Nhưng, TS Peter J. Morgan đề xuất trước tiên Việt Nam cần thay đổi nhiều hơn về cấu trúc hạ tầng để từ đó phát triển nền kinh tế.
"Trong khi sự cạnh tranh trên thế giới đang diễn ra sôi nổi hơn bao giờ hết, vậy nên Việt Nam cần đầu tư mạnh tay hơn để có thể tham gia vào “cuộc đua” đó", TS Peter J. Morgan nói.
Đơn cử, lĩnh vực kinh tế số đang phát triển khá nhanh và Việt Nam đang chưa theo kịp được với tốc độ đó. "Để giải quyết vấn đề này, nền tảng giáo dục đóng vai trò rất quan trọng, đặc biệt với những cơ sở giáo dục như Trường Đại học Kinh tế Quốc dân”, TS Peter J. Morgan nhấn mạnh.
TS Peter J. Morgan đánh giá, nhiệm vụ của giáo dục là cải thiện chất lượng nhân lực thông qua những khía cạnh rất quan trọng, như nâng cao chuyên môn lao động hay kiến thức về tài chính và số hoá.
Trao đổi về xu hướng phát triển của nền kinh tế toàn cầu thời gian qua, TS Peter J. Morgan cho rằng nhìn chung nền kinh tế thế giới vẫn không có quá nhiều bất ổn, như chúng ta thấy nền kinh tế Mỹ vẫn tương đối mạnh. Nền kinh tế châu Âu thì có lẽ đang phát triển chậm hơn đôi chút.
Trong khi đó, nền kinh tế của Trung Quốc lại đang gặp vấn đề về đất đai và bất động sản. Cho nên nhu cầu tiêu thụ của Trung Quốc đang tương đối thấp. Đã có một số thảo luận về gói kích thích kinh tế của Trung Quốc, nhưng vẫn có nhiều quan điểm trái chiều về điều đó.
“Vì vậy, tôi nghĩ rằng đây là một môi trường có phần thách thức, nhưng không quá xấu. Mặt khác, tôi không thấy có suy thoái kinh tế toàn cầu hay điều gì tương tự. Do đó, miễn sao Việt Nam thực hiện các cải cách cần thiết và hợp lý, thì nền kinh tế vẫn có thể phát triển tương đối ổn định”, TS Peter J. Morgan nói.