Sự phục hồi nhanh chóng của đầu tư tư nhân trong nước cũng có thể làm gia tăng rủi ro bong bóng tài sản nếu như nguồn vốn không được dẫn hướng vào các lĩnh vực sản xuất.
Các chuyên gia của Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) dự báo, nền kinh tế được dự báo sẽ tăng trưởng 6,7% trong năm 2021 và 7% trong năm 2022. Đây là mức tăng trưởng mạnh và vững chắc có được nhờ thành công của Việt Nam trong việc kiềm chế đại dịch Covid-19.
Các động lực tăng trưởng sẽ là công nghiệp, đặc biệt là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo định hướng xuất khẩu, đầu tư gia tăng và mở rộng các hoạt động thương mại. Đà tăng trưởng được dự báo sẽ tiếp tục, nhờ các chương trình cải cách nhằm cải thiện môi trường kinh doanh và sự tham gia của Việt Nam vào nhiều hiệp định thương mại tự do với hầu hết các nền kinh tế phát triển.
Tuy nhiên, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam cũng cho rằng, "năm nay và năm sau vẫn còn nhiều rủi ro đáng kể, trong đó có sự trở lại của các biến thể virus corona mới và sự chậm trễ trong chương trình vắc xin của Chính phủ".
Cụ thể theo ADB, nếu chậm trễ trong triển khai vắc-xin Covid-19 sẽ có thể tác động ngay đến khả năng Việt Nam quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng mạnh mẽ như trước khi có dịch, khi tính đến sự phụ thuộc của nền kinh tế vào nhu cầu bên ngoài.
"Sự phục hồi nhanh chóng của đầu tư tư nhân trong nước cũng có thể làm gia tăng rủi ro bong bóng tài sản nếu như nguồn vốn không được dẫn hướng vào các lĩnh vực sản xuất. Xét từ góc độ tích cực, sự phục hồi nhanh hơn dự kiến của Trung Quốc và Mỹ có thể làm triển vọng thương mại và tăng trưởng gia tăng đáng kể", chuyên gia ADB nhận định.
Ngoài ra, theo chuyên gia ADB, thách thức chính sách lớn nhất là giảm bớt tác động của đại dịch lên nghèo đói và thu nhập.
Từ đó, tổ chức này đưa ra khuyến nghị, Việt Nam có thể duy trì tăng trưởng bao trùm bằng cách làm dịu đi tác động của đại dịch đối với đói nghèo và thu nhập, với việc áp dụng một chiến lược bền vững, dài hạn để hỗ trợ đa dạng hóa sinh kế cho người nghèo và người dễ bị tổn thương, thông qua những biện pháp như đào tạo nghề ngắn hạn và cải thiện tiếp cận với tín dụng vi mô để hỗ trợ thành lập doanh nghiệp mới.
Để ứng phó với tác động của đại dịch Covid-19 đối với thu nhập và đói nghèo, vào ngày 9/4/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 42 về Chương trình an sinh xã hội để hỗ trợ cho các cá nhân, hộ gia đình và doanh nghiệp bị ảnh hưởng, với kỳ vọng sẽ giúp làm giảm 1,3 điểm phần trăm tỷ lệ nghèo năm 2020 xuống còn 4,9%. Tuy nhiên, chỉ một chương trình này là chưa đủ để đưa những nhóm dễ bị tổn thương nhất thoát nghèo.
Các chuyên gia ADB khuyến nghị, chương trình trợ giúp cho người dân cần phải được tăng cường để giúp các nhóm nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất không tiếp tục bị mất thu nhập. Do tác động của Covid-19 đối với các đối tượng khác nhau là rất khác nhau, nên cần ưu tiên hỗ trợ cho những đối tượng làm việc trong những lĩnh vực, ngành nghề bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Ngoài ra, cần xây dựng một hệ thống theo dõi và đánh giá toàn diện dành cho các đối tượng thụ hưởng chính sách bảo trợ xã hội hiện tại và tiềm năng, trong đó có cả đối tượng thuộc khu vực phi chính thức để tiếp cận được những người dân cần được hỗ trợ.
Có thể bạn quan tâm
Tăng năng suất lao động - dư địa để kinh tế Việt Nam "cất cánh"
13:00, 28/04/2021
Thủ tướng “đối thoại 2045”: Kinh tế Việt Nam phải do người Việt Nam làm chủ
17:51, 06/03/2021
Triển vọng kinh tế Việt Nam: Động lực tăng trưởng 2021
11:00, 21/02/2021
Triển vọng kinh tế Việt Nam: Nhiều thách thức phải vượt qua
04:00, 21/02/2021
Triển vọng kinh tế Việt Nam: Cơ hội từ khủng hoảng
11:00, 20/02/2021