Là quốc gia văn minh thịnh vượng hàng đầu Châu Âu, Hà Lan từng thành công bằng thu hút đầu tư nước ngoài.
Việt Nam là điểm đến ưa thích của doanh nghiệp Hà Lan, minh chứng là quốc gia này đầu tư vào nước ta đứng đầu Liên minh Châu Âu với tống số vốn 8 tỷ USD, hai nước đang chuẩn bị mọi điều kiện tiến tới ký kết Hiệp định tự do thương mại (FTA).
Một trong những kinh nghiệm được ông Elmar Bourma - đại diện cơ quan xúc tiến đầu tư Hà Lan chia sẻ là nước này thành lập cơ quan chuyên môi giới đầu tư, cơ quan này có chức năng cung cấp đầy đủ trọn gói thông tin liên quan đến đầu tư.
Người Hà Lan cũng dùng đến thuật ngữ ‘trải thảm đỏ” với các nhà đầu tư bằng việc thiết lập mạng lưới luật pháp thân thiện với doanh nghiệp, làm sao để doanh nghiệp tin tưởng vào độ bền vững “tính dễ đoán” của luật lệ.
Tiếp sau hệ thống luật pháp là cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, cơ sở đào tạo, có khả năng kết nối tốt với doanh nghiệp. Thường xuyên có tour quảng bá, giới thiệu về đất nước Hà Lan cho doanh nghiệp quốc tế.
Theo ông Elmar Bourma, mọi doanh nghiệp tạo công ăn việc làm đều được chào đón tại Hà Lan, đất nước này không có quy hoạch 5 năm, 10 năm, họ chỉ có những mục tiêu dài hạn, ví dụ đưa Hà Lan trở thành đất nước không rác vào năm 2050, giảm tối đa khí nhà kính vào năm 2050.
Mặc dù quy hoạch dài hạn nhưng mục tiêu vạch ra rõ ràng, cơ quan xúc tiến đầu tư chủ động đưa ra mục tiêu tiếp cận các công ty. Ngoài ra còn phát triển trung tâm dữ liệu xanh giảm thiểu tiêu thụ năng lượng và khí nhà kính, biến nước này thành trung tâm Châu Âu. Có chính sách khuyến khích đặc biệt với những doanh nghiệp có giải pháp bảo vệ môi trường.
Theo đó, nhiều doanh nghiệp Hà Lan phát triển theo mô hình kinh tế “tuần hoàn” giúp giảm thiểu tác động đến môi trường. Minh chứng rõ nhất là trong số 15 doanh nghiệp dẫn đầu về chỉ số CSI 100 (chỉ số doanh nghiệp bền vững) trong 2 năm 2016 và 2017 thì có 3 doanh nghiệp của Hà Lan đứng trong tốp đầu.
Song song với chia sẻ kinh nghiệm thu hút đầu tư sạch của ông Elmar Bourma, ngài Tổng Lãnh sự quán Hà Lan tại TP HCM - ông Simon van der Burg cũng cho biết, các doanh nghiệp Hà Lan rất chú trọng đến phát triển bền vững và trách nhiệm với xã hội.
"Các chuyên gia Hà Lan không nhắc đến những cản trở đầu tư mà doanh nghiệp hay gặp phải ở Việt Nam như “chi phí không chính thức”, gia nhập thị trường. Một trong những kinh nghiệm được chia sẻ khá tương hỗ với Việt Nam là hệ thống luật pháp chưa đảm bảo ổn định.
Kinh nghiệm thu hút đầu tư của Hà Lan cho rằng, tính bền vững của luật pháp là điều mà các nhà đầu tư lo lắng nhất". - ông Simon van der Burg chia sẻ.