Ngày 28/12, Việt Nam ghi nhận một người nhiễm Omicron. Các chuyên gia cho rằng, mọi người không cần quá hoang mang vì đây có thể là dấu hiệu dịch bệnh sắp kết thúc.
Theo thông tin từ hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm Việt Nam và báo cáo sơ bộ của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Trung tâm Nghiên cứu y học Việt Đức), ngày 19/12, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 tiếp nhận 1 trường hợp là hành khách trên chuyến bay QH9028 từ Anh Quốc về Việt Nam.
Bệnh viện đã tiến hành giải trình tự bộ gene SARS-CoV-2 nhiễm trên bệnh nhân này bằng phương pháp giải trình tự thế hệ mới sử dụng công nghệ Oxford Nanopore Technologies (ONT), kết quả là nghi ngờ nhiễm biến chủng Omicron.
Tuy nhiên, do biến chủng Omicron có chứa đến 36 đột biến trong gai protein, trong đó có một số đột biến điểm, đột biến mất đoạn trong lần giải trình tự này còn chưa rõ ràng, do vậy, ngày 21/12 bệnh viện tiếp tục tiến hành lấy mẫu, giải trình tự lại cho bệnh nhân.
Kết quả giải trình tự gene của Bệnh viện cho thấy bệnh nhân nhiễm biến chủng Omicron (B.1.1.529). Đây là trường hợp nhiễm biến chủng Omicron đầu tiên ghi nhận tại Việt Nam.
GS. Nguyễn Văn Tuấn - Viện Y khoa Garvan, Úc cho biết: "Biến thể Omicron thực sự cần theo dõi thêm và không nên quá hoang mang vì biến chủng mới này."
GS. Tuấn cho rằng bản chất virus sẽ tiếp tục biến hoá thành các biến thể mới, sự xuất hiện của biến thể Omicron không khiến giới khoa học ngạc nhiên.
Biến thể này dễ nhận ra là vì gai (spike) của virus có 30 điểm khác biệt so với biến thể gốc. Một số thay đổi hay khác biệt này đã được tìm thấy trong biến thể Delta và Alpha, và chúng có liên quan đến khả năng kháng kháng thể.
Khi biến chủng này xuất hiện, nó trở thành vấn đề được toàn cầu quan tâm bởi vì ở Nam Phi, giới chức y tế quan sát thấy một đợt nhiễm mới ở tỉnh Gauteng. Khi phân tích các ca nhiễm mới này, họ phát hiện biến thể Omicron hay B.1.1.529 là thủ phạm của tất cả 77 ca nhiễm và nghi ngờ biến thể này rất có thể đã lưu hành khá nhiều trong cộng đồng.
Tuy nhiên, GS. Tuấn nhấn mạnh: "Theo lí thuyết thì biến thể có độ lây lan càng cao thì độ độc hại càng giảm. Giống với biến thể Delta khi mới xuất hiện cũng làm cho thế giới quan ngại là nó sẽ gây ra đại dịch mới. Nhưng đến nay thì chúng ta thấy nó có hệ số lây lan rất cao (6 hay 7), nhưng nguy cơ tử vong thì có nơi thấp có nơi cao. GS. Tuấn cho rằng xác suất biến thể mới Omicron gây ra đại dịch mới rất thấp."
PGS. Đỗ Văn Dũng - Chuyên gia về y tế công cộng trường Đại học Y Dược TP.HCM cho biết: "Biến chủng mới xuất hiện có thể là tín hiệu tốt. Từ trước tới nay những đại dịch cũ chấm dứt khi xuất hiện chủng mới làm bệnh nhẹ hơn. Ví dụ như cúm Tây Ban Nha kết thúc khi xuất hiện biến chủng làm người dân mắc bệnh nhiều hơn nhưng bệnh nhẹ hơn."
Giả sử chủng này lây lan nhanh nhưng không khiến người bệnh trở nặng và tử vong, nó có khả năng là tín hiệu tốt. Tuy nhiên, chúng ta vẫn không thể chủ quan vì nếu dịch lây lan nhanh ở đối tượng người già cũng có thể nguy hiểm.
>>Với gần 700 ca F0 nặng, Hà Nội xử trí ra sao?
PGS. Dũng cho rằng chúng ta vẫn cần ngăn chặn chủng này để có chuẩn bị phù hợp. Các nhà khoa học nên nghiên cứu chủng mới này có tác động tới vắc xin như thế nào.
Nhiều dự báo cho rằng có thể tới năm 2022 đại dịch sẽ kết thúc, PGS. Dũng cho rằng từ khi Covid-19 xuất hiện đã có nhiều dự báo về nó và đến nay người ta cũng không thể tin vào dự báo nào nên chúng ta vẫn cần chủ động với dịch bệnh.
Dịch bệnh là phải ngăn chặn, sống chung nhưng không lơ là, phù hợp thích ứng với sự biến đổi của virus sẽ tốt hơn.
Có thể bạn quan tâm
12:47, 28/12/2021
11:01, 28/12/2021
04:00, 21/12/2021
22:35, 23/12/2021
05:30, 20/12/2021