Chuyển giao doanh nghiệp gia đình: Đừng để các kỳ vọng thành gánh nặng cho thế hệ kế cận

Huyền Trang 02/04/2019 13:15

Theo doanh nhân Phạm Đình Đoàn, cần biến việc chuyển giao quyền lực thành cơ hội và tạo điều kiện cho thế hệ kế cận được tự do lựa chọn tương lai của bản thân.

"Nuôi dưỡng" thế hệ kế cận

Trong mọi nền kinh tế, doanh nghiệp gia đình nói riêng và doanh nghiệp tư nhân nói chung đóng vai trò quan trọng. Ngay tại Việt Nam, những doanh nghiệp thành đạt nhất trong những năm qua đều là những doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp gia đình, nhờ có xu hướng vượt trội so với loại hình doanh nghiệp khác về doanh số, lợi nhuận và các chỉ tiêu tăng trưởng khác. Điều này giúp hình thành nên các tập đoàn kinh tế tư nhân dẫn đầu trên nhiều lĩnh vực và có đóng góp quan trọng vào GDP của toàn nền kinh tế.

Thống kê cho thấy 100 doanh nghiệp gia đình lớn nhất Việt Nam đã đóng góp khoảng 1/4 GDP của cả nước. Các doanh nghiệp này thể hiện vai trò tiên phong trong đẩy mạnh sự phục hồi kinh tế sau khủng hoảng, thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp.

Tại hội thảo “Xây dựng thế hệ Lãnh đạo kế cận: Bài học kinh nghiệm của các doanh nghiệp thành công trên thế giới” diễn ra sáng nay (2/4), ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) khẳng định, với doanh nghiệp gia đình việc xây dựng kế hoạch chuyển giao thế hệ thành công là điều vô cùng quan trọng.

ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Theo đó, ông Phòng cho biết, việc hoạch định chiến lược cho các thế hệ F2, F3 trong một gia đình được đầu tư học tập, đào tạo bàn bản về các kỹ năng chuyên môn, tài chính, marketing, quản trị kinh doanh,… từ thời niên thiếu được xem như là điều kiện cần.

Quan trọng hơn thế, các nhà lãnh đạo cho rằng đạo đức trong công việc, khả năng lãnh đạo và tinh thần khởi nghiệp là những đặc tính quan trọng nhất để nuôi dưỡng thế hệ kế cận. Thế hệ kệ cận cần chứng tỏ sự tâm huyết, tố chất kèm theo đó là năng lực bản thân, thấu hiểu bối cảnh kinh doanh trong nước và quốc tế, đồng thời nắm bắt được hệ thống quản trị doanh nghiệp gia đình. Người kế nghiệp cũng phải thể hiện bản thân để thoát khỏi cái bóng của các bậc tiền bối và khi tiếp quản có thể phát triển được doanh nghiệp ngày càng vươn xa nhưng vẫn không làm thay đổi cấu trúc, văn hóa của doanh nghiệp” - ông Phòng nói.

Thế nhưng, theo ông Phòng, trên thực tế, không phải doanh nghiệp nào cũng xây dựng kế hoạch chuyển giao thế hệ thành công.

Theo kết quả một cuộc điều tra mới đây, các công ty gia đình của Việt Nam khó có thể tồn tại và phát triển qua thế hệ thứ ba. Và ngay cả sự chuyển giao giữa hai thế hệ này cũng đã khiến cho một số công ty “gia đình trị” bắt đầu có những xung đột về quyền lợi và có dấu hiệu đi xuống. Đó cũng là nỗi lo của nhiều doanh nghiệp gia đình khi mải mê đi tìm người kế nghiệp hoặc loay hoay trong việc định hướng cho các thế hệ sau nối nghiệp nhà” - ông Phòng chia sẻ.

Để chuyển giao thế hệ thành công?

Cũng tại Hội thảo, ông Phạm Đình Đoàn hiện là Chủ tịch Tập đoàn Phú Thái, Chủ tịch Hội đồng Doanh nhân Gia đình Việt Nam khẳng định lợi thế của các doanh nghiệp gia đình Việt Nam là sự gắn bó tình cảm tin cậy.

Nhưng điều này lại cũng đặt ra thách thức về việc cân bằng giữa mối quan hệ này với các nguyên tắc quản trị công ty chuyên nghiệp. Theo khảo sát của PwC, ở các nền kinh tế phát triển trên thế giới hiện có 12% doanh nghiệp có thể kế thừa đến thế hệ thứ 3 về mặt quản trị.

Thế hệ con em sinh ra trong gia đình doanh nhân có nhiều lợi thế bởi từ khi nằm trong bụng mẹ đã được tiếp cận với kinh doanh. Song dù định hướng cho con cái từ rất sớm thông qua nghề nghiệp và đào tạo tại các nền giáo dục tiên tiến, nhưng phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam đều gặp khó khăn trong quá trình chuyển giao cho thế hệ thứ hai. Thách thức này sẽ lớn hơn trong bối cảnh Việt Nam hội nhập và cạnh tranh khốc liệt. Quá trình chuyển giao giữa các thế hệ có thể gây ra mâu thuẫn khiến cho mối quan hệ gia đình lẫn hoạt động doanh nghiệp bị ảnh hưởng” - ông Đoàn nói.

 hội thảo “Xây dựng thế hệ Lãnh đạo kế cận: Bài học kinh nghiệm của các doanh nghiệp thành công trên thế giới”.

Toàn cảnh hội thảo “Xây dựng thế hệ Lãnh đạo kế cận: Bài học kinh nghiệm của các doanh nghiệp thành công trên thế giới”.

Do đó, để chuyển giao thành công, ông Đoàn cho rằng, các doanh nghiệp gia đình cần có kế hoạch kế nhiệm rõ ràng và chi tiết nhất có thể về chức năng, nhiệm vụ của từng bên liên quan, cũng như thời gian thực hiện. Kế hoạch này cần được triển khai càng sớm càng tốt trước khi chính thức chuyển giao quyền lực để cho người kế nhiệm có thể tích lũy được đầy đủ kỹ năng và kinh nghiệm cần thiết để đảm nhiệm các vị trí điều hành.

Theo quan điểm của ông Đoàn, thế hệ đương nhiệm có thể tạo điều kiện cho con cháu thử sức với nhiều vị trí khác nhau ở trong hoặc ngoài doanh nghiệp, hay cho phép họ cùng dự các buổi họp của Hội đồng quản trị hay các hội thảo, sự kiện mà doanh nghiệp tham gia.

Từ đó, thế hệ kế nhiệm có thể hiểu hơn về những vấn đề của doanh nghiệp cũng như mở rộng mạng lưới quan hệ của mình”, ông Đoàn khẳng định.

Ông Đoàn cho rằng, kế hoạch chuyển giao doanh nghiệp cho thế hệ tiếp theo nên bắt đầu từ kế hoạch phát triển sự nghiệp chi tiết, đào tạo qua trải nghiệm thực tế để thế hệ kế thừa có thể tích lũy kinh nghiệm và kỹ năng đa dạng. Cũng cần để các kỳ vọng không trở thành gánh nặng cho các thế hệ kế cận, thế hệ đương nhiệm. Cần biến việc chuyển giao quyền lực thành cơ hội và tạo điều kiện cho thế hệ kế cận được tự do lựa chọn tương lai của bản thân.

Đồng thời, theo quan điểm của ông Đoàn, cần coi trọng yếu tố văn hoá ứng xử để tách bạch được môi trường doanh nghiệp và gia đình. Xây dựng quy tắc ứng xử, từ đó phân định rõ ở nhà và ở công ty, thiết lập mục tiêu chung để ai cũng có bức tranh toàn cảnh và xác định rõ vai trò trong đó, thiết lập cơ chế và xây dựng cơ cấu tổ chức 1 cách rõ ràng, minh bạch.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Chuyển giao doanh nghiệp gia đình: Đừng để các kỳ vọng thành gánh nặng cho thế hệ kế cận
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO