Các hình thái gia đình cũng thay đổi theo xu hướng gia đình hạt nhân và ngày càng nhiều gia đình đơn thân.
>>Doanh nghiệp gia đình phát huy tinh thần dân tộc
Trong bối cảnh hiện nay, các giá trị gia đình đang có nhiều thay đổi. Một số giá trị truyền thống vẫn luôn được đề cao, nhưng cũng có nhiều giá trị đang bị mai một, chuyển đổi và đồng thời có những tiêu chuẩn mới xuất hiện.
Đối với thanh niên hiện nay, việc kết hôn để sinh con để được an tâm hơn về mặt tài chính không còn được coi là lý do quan trọng nữa. Hôn nhân không còn là điểm bắt đầu của việc chung sống và bắt đầu có quan hệ tình dục giữa nam và nữ. Hiện nay việc tìm hiểu và kết hôn của thanh niên nam nữ đã có sự chuyển đổi.
Thay vì từ làm quen, tìm hiểu rồi đến kết hôn, họ chuyển từ tìm hiểu sang chung sống và sau đó có thể kết hôn hoặc không. Phần nhiều những cặp nam nữ ngày nay coi sống thử và kết hôn là hai sự việc không loại trừ nhau mà sống thử trở thành một giai đoạn diễn ra trước khi tiến tới hôn nhân. Mô hình hôn nhân truyền thống vẫn giữ vai trò quan trọng nhưng chung sống không kết hôn, thậm chí có con ngoài giá thú đã được chấp nhận rộng rãi.
Mặc dầu giới trẻ vẫn tin rằng hôn nhân rất quan trọng nhưng tuổi kết hôn có xu hướng ngày càng tăng, nhiều người trẻ trở nên lưỡng lự với việc kết hôn bởi các vấn đề như: áp lực sinh con sau khi kết hôn, tỷ lệ ly hôn trong xã hội gia tăng, và đặc biệt sự độc lập về kinh tế của người phụ nữ, cơ hội thành công trong sự nghiệp của họ tăng khi các cơ hội về học tập và việc làm cho nữ giới ngày càng mở rộng.
Xã hội Việt Nam truyền thống thường không ủng hộ các hiện tượng như nạo phá thai, li hôn, tình dục đồng giới, không quan tâm chăm sóc cha mẹ hoặc không chăm sóc con cái. Xã hội truyền thống gây áp lực với việc kết hôn sớm và sớm có con sau khi kết hôn. Trách nhiệm của con cái là phải luôn yêu thương tôn trọng cha mẹ, bất kể họ có cư xử thế nào cũng phải có trách nhiệm làm cha mẹ tự hào về bản thân. Ngược lại, cha mẹ phải có trách nhiệm làm hết sức và hy sinh vì con cái dẫu có vất vả.
Thế nhưng thực trạng xã hội đang đổi, tỉ lệ nạo phá thai tăng, vai trò của cha mẹ (khi cao tuổi) giảm sút, nhiều người trẻ hiện ủng hộ việc không sống chung với cha mẹ mà sẽ đưa cha mẹ vào viện dưỡng lão. Một bộ phận không nhỏ các bạn trẻ quá coi trọng vấn đề tiền bạc hơn hạnh phúc hôn nhân.
Thế hệ trẻ ngày nay sẵn sàng chi mạnh tay cho “tình phí”, chấp nhận những xu hướng mới như hẹn hò online, tin vào tình yêu sét đánh để rồi sớm chia tay. Giới trẻ bắt đầu chấp nhận các mối tình đồng tính, các mối tình “chị em” thậm chí còn chấp nhận sự chênh lệch tuổi tác lên đến 8-10 tuổi.
Các hình thái gia đình cũng thay đổi theo xu hướng gia đình hạt nhân và ngày càng nhiều gia đình đơn thân. Vấn đề ngoại tình, ly hôn, kết hôn nhưng không sinh con đang phá vỡ cấu trúc gia đình thậm chí còn phá hoại các nền tảng giáo dục của gia đình.
Trong phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: "Con người Việt Nam trong thời kỳ mới có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa giá trị truyền thống với giá trị hiện đại..., được nuôi dưỡng bởi văn hóa gia đình Việt Nam với các giá trị cốt lõi: ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh".
Và để có thể phát huy những yếu tố truyền thống và tích cực tiếp thu những giá trị gia đình mới cho thế hệ trẻ thì chúng ta cần có các nghiên cứu để đánh giá chung về hệ giá trị gia đình Việt nam, nhận diện được các giá trị truyền thống cần gìn giữ và phát huy, xác định những giá trị mới đang hình thành phù hợp với xu thế phát triển của thời đại.
Cần đẩy mạnh tuyên truyền về vai trò giáo dục của gia đình, nâng cao nhận thức về vai trò quan trọng của giá trị sống đối với sự hình thành và phát triển nhân cách của thế hệ trẻ. Tăng cường các chính sách đảm bảo môi trường gia đình an toàn và hòa thuận, cha mẹ áp dụng các hình thức kỷ luật tích cực thay thế cho những hành xử bạo lực. Thúc đẩy giáo dục gia đình toàn diện để xây dựng một thế hệ trẻ tự tin về tri thức và kỹ năng, biết tự định hướng, quan tâm đến các vấn đề thời sự và có tinh thần trách nhiệm tham gia và sẵn sàng cống hiến góp sức mình cho các vấn đề chung.
Thế hệ trẻ cũng cần phải được giáo dục về các giá trị phổ quát để tiếp biến và phát huy những giá trị gia đình ví dụ như yêu nước, yêu gia đình làng xóm, có ý thức cộng đồng, đoàn kết, lịch sự và lễ phép, tinh tế trong ứng xử, có hiểu biết về lịch sử văn hóa, tôn trọng, nhân ái và hợp tác…
Chúng ta cũng cần xây dựng và hoàn thiện các quy định pháp luật chính sách phát triển hệ giá trị gia đình trong thời kỳ mới. Thực hiện có hiệu quả Chiến lược phát triển gia đình đến năm 2030, trong đó chú trọng giữ gìn, phát triển các giá trị gia đình. Các chính sách xây dựng, phát triển gia đình cần được lồng ghép trong những chính sách phát triển kinh tế - xã hội của các chương trình mục tiêu quốc gia.
Xây dựng các chuẩn mực để bảo tồn và phát triển gia đình, bao gồm các tiêu chí rõ ràng về giá trị cốt lõi của gia đình, như sự ấm no, hạnh phúc, tiến bộ và văn minh. Xác định một loạt các tiêu chí để đáp ứng những giá trị cơ bản như ấm no, hạnh phúc, tiến bộ và văn minh trong gia đình. Các tiêu chí này bao gồm lối sống và cách giao tiếp, ứng xử trong mối quan hệ gia đình, đạo đức, duy trì và phát triển chức năng tâm lý, tình cảm, tôn giáo và tín ngưỡng, bảo đảm môi trường và an ninh, cũng như các tiêu chí liên quan đến dịch vụ xã hội và an sinh xã hội cho gia đình.
Tiêu chí ứng xử của con với cha mẹ, cháu với ông bà:
- Kính trọng, lễ phép, hiếu thảo với ông bà, cha mẹ; yêu thương, quan tâm, chia sẻ tình cảm, nguyện vọng với cha mẹ và các thành viên trong gia đình.
- Học tập, rèn luyện, giữ gìn nền nếp gia đình, phụ giúp cha mẹ và các thành viên trong gia đình những công việc phù hợp với độ tuổi, giới tính.
- Thăm hỏi, chăm sóc động viên, nuôi dưỡng cha mẹ, ông bà khi cha mẹ, ông bà ốm đau, già yếu, gặp khó khăn trong cuộc sống.
Nguồn: Bộ tiêu chí ứng xử trong gia đình
Có thể bạn quan tâm